Liên minh 8 đảng của Pheu Thai tại cuộc họp ngày 9/8. Ảnh: The Nation Thailand |
Bangkok Post đưa tin, đảng Pheu Thai cho biết họ có thêm 6 đảng đồng ý gia nhập liên minh, bao gồm Prachachart (9 ghế tại Hạ viện), Pheu Thai Ruam Palang (2 ghế), Chart Pattana Kla (2 ghế), Seri Ruam Thai (1 ghế), Palang Sangkhom Mai (1 ghế) và Thongtee Thai (1 ghế).
Chủ tịch đảng Chart Pattana Kla Suwat Liptapanlop cho biết họ đồng ý hợp tác với Pheu Thai vì 5 lý do. Đầu tiên, Pheu Thai là đảng lớn thứ hai trong Quốc hội nên có quyền thành lập chính phủ, sau khi đảng lớn nhất không thể làm được. Thứ hai, liên minh do Pheu Thai lãnh đạo sẽ có hơn một nửa số ghế trong Hạ viện.
Các lý do khác là Pheu Thai sẽ không sửa đổi luật khi quân, sẽ duy trì các chính sách kinh tế tương tự và Thái Lan cần gấp một chính quyền mới để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Chủ tịch đảng Chart Pattana Kla Suwat Liptapanlop và lãnh đạo đảng Pheu Thai Cholnan Srikaew. Ảnh: The Nation Thailand |
Với sự gia nhập mới này, liên minh của Pheu Thai có tổng cộng 8 đảng, tương ứng với 228/500 ghế trong Hạ viện. Lãnh đạo Pheu Thai Cholnan Srikaew cho biết sẽ sớm công bố thêm nhiều thành viên mới. Ông cũng tiết lộ rằng Pheu Thai sẽ có cuộc đàm phán trong ngày 10/8 với lãnh đạo của Chart Thai Pattana – đảng có 10 ghế. Nếu kết nạp thêm đảng này, liên minh đảng của họ sẽ có 238 ghế.
Trước đó, lãnh đạo đảng Pheu Thai và đảng Bhumjaithai hôm 7/8 tuyên bố hợp tác để thành lập chính phủ liên minh, với tổng số ghế tại Hạ viện là 212. Pheu Thai là đảng về nhì trong cuộc tổng tuyển cử tháng 5 với 141 ghế, còn Bhumjaithai là đảng xếp thứ ba với 71 ghế.
Thông báo lập liên minh mới được đảng Pheu Thai đưa ra chỉ vài ngày sau khi họ tuyên bố sẽ rời liên minh 8 đảng của đảng Tiến lên (Move Forward).
Giải thích cho động thái này, ông Cholnan Srikaew cho biết Pheu Thai phải tự lập liên minh của riêng mình vì đảng Tiến lên nhất quyết yêu cầu sửa đổi Điều 112 (Luật khi quân) gây ra sự phản đối từ các đảng và thượng nghị sĩ. Pheu Thai cũng công bố ứng cử viên thủ tướng là ông trùm bất động sản Srettha Thavisin.
Trong cuộc tổng tuyển cử ngày 14/5, đảng Tiến lên của ông Pita Limjaroenrat đã giành được nhiều ghế nhất tại Hạ viện và có quyền đầu tiên được thành lập chính phủ. Sau đó, ông Pita đã thành lập liên minh 8 đảng, bao gồm Pheu Thai (đảng thân với gia tộc của cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra), với 312 phiếu bầu.
Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đủ 376 phiếu bầu cần thiết để thành lập chính phủ mới tại Thái Lan và đưa ông Pita trở thành tân thủ tướng. Ông đã thất bại trong vòng bỏ phiếu ngày 13/7 khi chỉ giành được 324 phiếu ủng hộ.
Ngày 19/7, ông Pita bị Tòa án Hiến pháp Thái Lan thông báo quyết đình chỉ tạm thời tư cách nghị sĩ để xử lý vụ kiện vi phạm quy tắc bầu cử vì nắm giữ cổ phần trong một công ty truyền thông. Quốc hội Thái Lan cũng bỏ phiếu tước tư cách ứng viên Thủ tướng của ông Pita, dẫn quy định số 41 của Quốc hội về việc cấm gửi lại một kiến nghị không thành công cho Quốc hội trong cùng một kỳ họp.
Chủ tịch Hạ viện kiêm Chủ tịch Quốc hội Thái Lan Wan Muhamad Noor Matha sau đó thông báo tạm hoãn cuộc họp chung để bầu thủ tướng vòng hai trong bối cảnh chờ phán quyết chính thức của Tòa án Hiến pháp đối với lãnh đạo đảng Tiến lên Pita Limjaroenrat. Quốc hội nước này dự kiến tổ chức vòng bỏ phiếu thủ tướng tiếp theo vào ngày 27/7 và 4/8, nhưng tiếp tục bị hoãn tới ngày 16/8.