Đạt kỷ lục nhưng xuất khẩu đang bước vào thời kỳ 'u ám'

XUẤT KHẨU Việt nAM
07:23 - 27/12/2022
Đạt kỷ lục nhưng xuất khẩu đang bước vào thời kỳ 'u ám'
0:00 / 0:00
0:00

Dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm 2022 sẽ đạt mức cao nhất từ trước tới nay với khoảng 371 tỷ USD. Tuy nhiên, cùng với sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu, tình hình xuất khẩu của Việt Nam trong năm tới cũng sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng.

Kỷ lục kim ngạch từ trước đến nay

Theo Bộ Công Thương, dự kiến cả năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu tăng khoảng 10,5%, đạt khoảng 371,5 tỷ USD. So với kế hoạch 8% được Quốc hội và Chính phủ giao, dự kiến tăng trưởng xuất khẩu năm nay vượt chỉ tiêu 2,5%.

Có 39 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (tăng 4 mặt hàng so với năm 2021), trong đó có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD (hơn 1 mặt hàng so với năm 2021).

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp. Điều này góp phần tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu, chiếm hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư gần 11 tỷ USD, góp phần làm tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, tổng cầu giảm sút, nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn suy yếu, Bộ Công Thương đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục vượt qua khó khăn và duy trì được mức tăng trưởng cao.

Cụ thể, Bộ đã đẩy mạnh khai thác các hiệp định FTA đã ký kết, tập trung khai thác thị trường mới; phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để mở rộng, đa dạng hoá thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất khẩu. Bộ tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến thương mại, ưu tiên nguồn lực cho phát triển thương mại điện tử nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa thông qua các kênh thương mại điện tử.

Trong năm 2022, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ đã tổ chức công tác giao ban xúc tiến thương mại của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp..., được thực hiện hàng tháng nhằm cung cấp thông tin về thị trường, những chính sách, quy định mới về thị trường và các khuyến nghị kịp thời cho các doanh nghiệp.

Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại cũng tiếp tục được đẩy mạnh theo hướng kịp thời đổi mới, đa dạng hóa phương thức xúc tiến thương mại. Qua đó hỗ trợ thiết thực có hiệu quả cho các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương. Bộ cũng đã tổ chức hàng trăm phiên tư vấn, kết nối thông tin thị trường cho các hiệp hội, doanh nghiệp và địa phương mà ở đó, các Thương vụ đóng vai trò vừa là cầu nối vừa là nhà tư vấn thị trường xuất khẩu.

Đồng thời, nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ. Thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch; hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận các quy định mới của các nước nhập khẩu; tháo gỡ rào cản kỹ thuật để DN thâm nhập các thị trường mới...

Ảnh hưởng từ suy thoái toàn cầu, xuất khẩu các ngành chủ lực bị ảnh hưởng trực tiếp

Tuy nhiên, bước vào giai đoạn cuối năm 2022 và năm 2023, trước tác động của nền kinh tế thế giới, ngành xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Theo báo cáo mới đây của HSBC với tiêu đề “Vietnam at a glance: Khó khăn bên ngoài gia tăng”, sau hơn hai năm thương mại bùng nổ, giai đoạn "chững lại" đã đến, các đơn hàng toàn cầu giảm mạnh, ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu châu Á, bao gồm Việt Nam. Trong tháng 11, lần đầu tiên trong vòng hai năm, Việt Nam chứng kiến mức sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước trong tăng trưởng xuất khẩu, suy giảm ở tất cả các lĩnh vực. Cụ thể, lĩnh vực điện tử và dệt may/da giày, hai trụ cột xuất khẩu của Việt Nam, đã giảm tốc do nhu cầu “hạ nhiệt” ở các nước phương Tây.

Chỉ số PMI của Việt Nam đã liên tục giảm từ tháng 5 năm ngoái, đi sâu vào vùng thu hẹp sản xuất từ tháng 9 với số lượng đơn hàng mới sụt giảm. Kể từ tháng 9, hơn 630.000 công nhân bị ảnh hưởng do đơn hàng nước ngoài giảm sút, trong đó, khoảng 90% phải giảm giờ làm. Nguyên nhân chính do lĩnh vực điện tử (vốn chiếm 35% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam) đã bắt đầu ghi nhận giảm mạnh đơn hàng từ nửa cuối năm 2022, ảnh hưởng đến lĩnh vực điện tử tiêu dùng nhiều hơn là sản phẩm công nghiệp.

Ảnh: HSBC

Ảnh: HSBC

Tác động xảy ra trên diện rộng tại ba điểm đến chính của xuất khẩu Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc đại lục và châu Âu. Đối với thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ, kinh tế suy giảm tại quốc gia này đã ảnh hưởng nhiều đến tình hình xuất khẩu của Việt Nam. Kể từ sau khi căng thẳng Mỹ - Trung Quốc diễn ra, Việt Nam đã giành được thị phần lớn tại Mỹ, không chỉ trong những lĩnh vực truyền thống như điện tử, dệt may/da giày mà còn mở rộng sang lĩnh vực mới như máy móc và sản phẩm gỗ.

Ví dụ, thị trường Mỹ hiện chiếm thế thống lĩnh về tỷ trọng xuất khẩu máy móc của Việt Nam và thị phần cũng đã tăng gấp ba lần trong chưa đầy 10 năm. Mỹ bùng nổ bất động sản, góp phần đẩy mạnh nhu cầu tiêu thụ gỗ tại đây tăng lên, từ đó đưa Mỹ củng cố vị thế thống lĩnh đối với sản phẩm gỗ xuất xứ từ Việt Nam, hiện đang chiếm 60% thị phần.

Tuy nhiên, tình hình kinh doanh nhà ở Mỹ đang bắt đầu chững lại trong bối cảnh lãi suất cầm cố tăng lên, xu hướng tương tự cũng đã thấy rõ ở thị trường bất động sản châu Âu. Tình trạng này đã dẫn tới sự suy giảm đáng kể trong xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Xuất khẩu dệt may và da giày của Việt Nam cũng đã bắt đầu đi xuống. Mặc dù hai lĩnh vực này vẫn hỗ trợ nhiều cho tăng trưởng xuất khẩu trong quý III/2022, nhưng đó chủ yếu là do hiệu ứng cơ sở thấp mà giờ đây không còn nữa. Trong bối cảnh lạm phát cao và tiêu dùng dịch chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ ở các nước phương Tây (dịch vụ giờ đang chiếm khoảng 60%), các chuyên gia HSBC dự báo Việt Nam sẽ còn chứng kiến tình hình sụt giảm trong lĩnh vực này.

Ảnh: HSB

Ảnh: HSB

Tương tự, báo cáo ”Chiến lược đầu tư 2023: Đầu tư có trách nhiệm – xây dựng tương lai bền vững” đầu tháng 12 vừa qua của VNDirect cũng cho thấy, từ tháng 8 năm nay, xuất khẩu của Việt Nam đã chịu ảnh hưởng tiêu cực sự giảm tốc của kinh toàn cầu. Cả Mỹ và EU đều đang thắt chặt chính sách tiền tệ, kéo theo tăng trưởng, việc làm và nhu cầu tiêu dùng suy yếu, trong khi đó, tăng trưởng của Trung Quốc chưa cho thấy tín hiệu rõ ràng là “đã thoát đáy” (doanh số bán lẻ kém khả quan trong ngày “độc thân 11/11”, ngày lễ mua sắm lớn nhất hàng năm).

Các chuyên gia VNDirect dự báo, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm tốc trong quý IV/2022 và kéo tăng trưởng cả năm 2022 xuống mức 14% so với cùng kỳ. Các thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam như Mỹ, EU và thậm chí cả Trung Quốc tiếp tục giảm vào năm 2023. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất liên quan đến xuất khẩu, bao gồm: dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ và hóa chất cơ bản (các ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam).

Các chuyên gia VNDirect kỳ vọng Trung Quốc sẽ sớm mở cửa nền kinh tế trở lại vào năm 2023. Theo đó, ngành sợi có xu hướng phục hồi trước do Trung Quốc là nhà nhập khẩu sợi chính của Việt Nam, chiếm 48% tổng giá trị xuất khẩu.

Đồng thời, kỳ vọng triển vọng xuất khẩu dệt may sang EU sẽ sáng sủa hơn từ quý III/2023 do các sản phẩm dệt may sẽ được miễn giảm thuế nhập khẩu vào thị trường EU vào năm 2023 nhờ EVFTA và trong bối cảnh Ủy ban châu Âu dự báo lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ giảm xuống vào năm 2023.

Báo cáo của VNDirect cho rằng doanh thu của các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ sẽ giảm tốc vào năm 2023. Tác động chủ yếu do nhu cầu mua nhà và nội thất tại Mỹ giảm. Lãi suất vay mua nhà tại Mỹ hiện ở mức 6,1% - trở lại mức cao nhất kể từ năm 2011, trong khi giá nhà trung bình tăng 10,6% trong quý III/2022 do nguồn cung thiếu hụt.

Đọc tiếp