Bạn đọc Thanh Lan ở Thái Nguyên hỏi: Tại nhiều địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường học, trạm y tế xuống cấp, không đủ tiêu chuẩn sử dụng. Vậy xin hỏi có chương trình nào hỗ trợ nâng cấp, sửa chữa các công trình này không?
Trả lời:
Trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) giai đoạn 2021-2030, Tiểu dự án 1 (Dự án 4) hướng tới mục tiêu tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất và dân sinh ở các xã đặc biệt khó khăn, các thôn đặc biệt khó khăn.
Mục tiêu đến năm 2025, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và nguồn điện khác phù hợp; 100% ĐBDTTS được xem truyền hình và nghe đài phát thanh.
Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu vùng ĐBDTTS&MN, ưu tiên đối với các xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn
Một trường học tại Bắc Yên, Sơn La được đầu tư xây dựng kiên cố, an toàn. Ảnh: Thùy Dương |
Đầu tư xây dựng, cải tạo các công trình giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh; công trình cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thôn, bản; trạm chuyển tiếp phát thanh xã, nhà sinh hoạt cộng đồng; trường, lớp học đạt chuẩn.
Cải tạo các công trình thủy lợi nhỏ; các công trình hạ tầng quy mô nhỏ khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán để phục vụ nhu cầu của cộng đồng, phù hợp với mục tiêu của Chương trình và quy định của pháp luật; ưu tiên công trình có nhiều hộ nghèo, phụ nữ hưởng lợi.
Đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng, mua sắm trang thiết bị cho các trạm y tế bảo đảm đạt chuẩn.
Đầu tư cứng hóa đường đến trung tâm xã chưa được cứng hóa; ưu tiên đầu tư đối với các xã chưa có đường từ trung tâm huyện đến trung tâm xã, đường liên xã.
Đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm kết nối các xã đặc biệt khó khăn trên cùng địa bàn như: hệ thống hạ tầng phục vụ giáo dục, y tế; hệ thống cầu, đường giao thông; hạ tầng lưới điện...
Xây dựng cầu dân sinh để phục vụ sinh hoạt, tăng cường kết nối, tạo trục động lực phát triển đồng bộ trên cơ sở thúc đẩy liên kết giữa các xã đặc biệt khó khăn nhằm phát huy sức mạnh tiểu vùng giúp phát triển bền vững và góp phần xây dựng nông thôn mới vùng ĐBDTTS&MN.
Đầu tư, hỗ trợ kinh phí xây dựng thí điểm 04 nhà hỏa táng điện cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận (mỗi tỉnh 02 công trình).
Duy tu, bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn đặc biệt khó khăn và công trình cơ sở hạ tầng các xã, thôn đã đầu tư từ giai đoạn trước.
Xây dựng đường giao thông nông thôn tại xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Cổng TTĐT Thái Nguyên |
Trong 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN), tỉnh Thái Nguyên đặc biệt chú trọng phát triển hệ thống hạ tầng kết cấu ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Năm 2023, 100% xã trên địa bàn tỉnh có đường ô tô đến trung tâm; 99,79% xóm thuộc vùng DTTS&MN của tỉnh có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hoá; 100% xóm có điện lưới quốc gia; trên 95% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi có trường học kiên cố, nhà công vụ cho giáo viên, nhà ở cho học sinh ở những nơi cần thiết; 100% xã có trạm y tế, trong đó có trên 90% xã có bác sĩ; 100% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình, kết nối thông tin liên lạc hiện đại.
Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS&MN giảm nhanh. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 3,21%. Giai đoạn 2021-2022, có 2/15 xã đặc biệt khó khăn về đích nông thôn mới. Năm 2023, có 5 xã đặc biệt khó khăn đăng ký về đích nông thôn mới.