Đầu tư công: ‘Mệnh lệnh’ tăng trưởng kinh tế năm 2024

ĐẦU TƯ CÔNG Việt nAM
07:47 - 15/02/2024
TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
0:00 / 0:00
0:00

Năm 2024, chi tiêu đầu tư công tiếp tục được kỳ vọng là một động lực quan trọng hàng đầu, một sự kích thích không thể chần chừ đối với nền kinh tế, tạo dựng những hạ tầng cho phát triển.

Gánh vác tăng trưởng

Năm 2023, kế hoạch vốn ngân sách được Quốc hội giao gần 711.700 tỷ đồng, con số kỷ lục từ trước đến nay, tăng hơn 130.000 tỷ so với 2022 và 250.000 tỷ đồng so với 2021.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê phát hành sáng 29/12, giải ngân vốn đầu tư công 625.300 tỷ đồng, bằng 85,3% kế hoạch năm và tăng 21,2% so với năm trước.

Giải ngân đầu tư công nổi lên như một điểm sáng trong năm 2023, là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang gặp nhiều khó khăn, đối diện với nhiều thách thức cả từ bên ngoài và bên trong, các động lực chính của kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng.

Kết quả, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý 4/2023 đạt 6,72%. GDP cả năm đạt 5,05%. Trong đó ngành xây dựng tăng 7,06%, đóng góp 0,51 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP.

Con số ấy đã được hiện thực hóa bằng việc khởi công 26 dự án, công trình giao thông quan trọng trên cả nước. Trong đó, rút ngắn thời gian khởi công 6 dự án quan trọng quốc gia một năm so với quy trình thủ tục thông thường.

Lần đầu tiên, Việt Nam thực hiện khởi công đồng loạt theo hình thức trực tuyến 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2. Khởi công các dự án đường bộ cao tốc trục Đông - Tây, các tuyến Vành đai đô thị tại Hà Nội, TP HCM; Khởi công công trình nhà ga cảng hàng không quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 cảng hàng không Tân Sơn Nhất...

Đặc biệt việc hoàn thành, đưa vào khai thác 20 dự án, riêng đường bộ cao tốc là 9 dự án dài 475km, nâng tổng số chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác trên cả nước lên gần 1.900 km.

Những công trình hạ tầng giao thông trọng yếu đang và sẽ góp phần tạo nên diện mạo mới khang trang và bề thế hơn cho hệ thống hạ tầng Việt Nam. Đồng thời, tạo nên những kết nối lớn cho thông thương quan hệ giữa các địa phương, vùng, miền, góp sức phát triển kinh tế Việt Nam năm 2024 và trong dài hạn.

Trong cuộc trao đổi với Mekong ASEAN nhân dịp đầu Xuân Giáp Thìn, TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, đối với kinh tế Việt Nam, thực hiện giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa mang tầm chiến lược, tạo sự lan toả, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong trung và dài hạn.

Theo ông Lâm, giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công có tác động trực tiếp và lan tỏa tới tăng trưởng kinh tế. Cứ giải ngân một đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,62 đồng vốn đầu tư ngoài Nhà nước. Đồng thời giải ngân vốn đầu tư công tăng 10% so với năm trước sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm 0,6 điểm phần trăm.

Đầu tư công đã trở thành điểm sáng năm 2023, theo nhận định của ông Lâm. Ngay từ đầu năm, Chính phủ am hiểu tình hình, đánh giá cụ thể vai trò, mức độ tác động của từng động lực tăng trưởng đối với nền kinh tế. Với tinh thần đổi mới, thẳng thắn đề cập tới những tồn tại trong giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương, sát sao, cụ thể trong chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công.

Theo đó, nhiều công trình, dự án trọng điểm, liên vùng, có tác động lan tỏa được đẩy nhanh tiến độ triển khai. Nhiều dự án đường cao tốc liên kết các tỉnh, các vùng đã được rút ngắn thời gian thi công, hoàn thành, đưa vào sử dụng trước thời hạn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Nhìn thẳng vào những điểm nghẽn

Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ then chốt hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên ở nhiều bộ, ngành, địa phương, mức độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, thậm chí có những địa phương vẫn "tha thiết" xin được hoàn trả lại vốn.

Việc xin trả lại vốn không chỉ ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch đầu tư công, cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung, mà còn ảnh hưởng lớn đến việc sử dụng nguồn lực của quốc gia, hiệu quả của mỗi đồng vốn đầu tư.

Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, thực trạng này là hệ quả của quy trình phân bổ vốn đầu tư dàn trải, theo "phương châm" tất cả đều được phân bổ để "cả làng cùng vui" mà chưa để ý tới thực trạng về môi trường pháp lý, thể chế, năng lực và khả năng hấp thụ vốn đầu tư của một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Điều này đã thể hiện qua công tác chuẩn bị đầu tư còn sơ sài, chất lượng chưa tốt; năng lực của một số Ban quản lý, chủ đầu tư, nhà thầu yếu kém.

Chính vì vậy, tại Công điện số 749/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/8/2023 về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công.

Bên cạnh đó, tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc phát sinh của các dự án, như biến động giá nguyên vật liệu dùng trong xây lắp; thiếu vật tư san lấp.

Cũng theo TS. Nguyễn Bích Lâm, cùng với tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ở một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương còn chậm, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công còn thấp, đây là việc cần tập trung giải quyết.

Theo IMF, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của Việt Nam có thể tăng thêm 23% nếu nâng hiệu suất quản lý; đồng thời nếu hiệu suất sử dụng vốn đầu tư tăng 1 điểm phần trăm sẽ thúc đẩy GDP tăng thêm 0,1-0,12 điểm phần trăm.

Đầu tư công là mệnh lệnh tăng trưởng

Năm 2024 là năm tăng tốc để phấn đấu hoàn thành Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh việc dự báo tăng trưởng kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, những khó khăn, thách thức còn rất lớn, nhất là từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những khó khăn nội tại của nền kinh tế như sản xuất kinh doanh chưa phục hồi, sức chống chịu của doanh nghiệp bị bào mòn.

Nguồn vốn đầu tư công không chỉ là một trong những động lực quan trọng, một sự kích thích quan trọng có tác dụng lan tỏa tới các nguồn vốn khác, mà còn là “mệnh lệnh” để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế.

Căn cứ dự toán năm 2024 được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1603/QĐ-TTg ngày 11/12/2023 về việc giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 với tổng số tiền là 677.349 tỷ đồng (bằng 95% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023).

Theo ông Lâm, để phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư công trong nâng cao năng lực và thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế, Chính phủ và các địa phương cần đổi mới, cải tiến công tác lập kế hoạch và thẩm định dự án đầu tư công để mỗi dự án đầu tư công trở thành công trình hiệu quả.

Đặc biệt, Chính phủ cần xây dựng chiến lược, kế hoạch và chương trình đầu tư công phù hợp, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu đầu tư của từng ngành, lĩnh vực và địa phương. Tập trung đầu tư vào các dự án lớn, xoá bỏ đầu tư dàn trải, giảm thiểu thời gian thực hiện dự án đầu tư để khẩn trương đưa các công trình vào sử dụng, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần cải thiện cơ chế quản lý đầu tư, tăng cường quản lý tài sản công, nâng cao hiệu quả thu, chi ngân sách. Đồng thời khẩn trương nâng cao năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, xây lắp.

Để khẩn trương giải ngân nhanh vốn đầu tư công, Chính phủ cần có giải pháp nhằm phát huy vai trò, gắn trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu bộ, cơ quan và địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công. Người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên.

Ông Lâm cho rằng, cần tạo dựng căn cứ pháp lý và có giải pháp xử lý vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB) theo hướng nên bố trí GPMB thành một dự án độc lập, được thực hiện với các quy định đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế, nhằm nâng cao tính sẵn sàng cho việc triển khai dự án. Đồng thời các cơ chế và mức bồi thường GPMB phải thỏa đáng, bảo đảm quyền lợi cho người dân khi di dời, tái định cư để có sự đồng thuận khi triển khai.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế điều chỉnh kịp thời định mức thầu, giá thầu và giá các loại vật tư, vật liệu xây lắp khi có biến động giá trên thị trường; đảm bảo đầy đủ, kịp thời vật liệu xây lắp, đắp nền.

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.