Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kiểm tra thực địa dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương tại nút giao Tân Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: VGP. |
Tính toán kỹ hiệu quả đầu tư
Theo báo cáo của tỉnh Khánh Hòa, dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt có tổng chiều dài khoảng 80,8 km, trong đó đoạn qua tỉnh Khánh Hòa dài khoảng 44 km, đoạn qua tỉnh Lâm Đồng là 36,8 km, giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 4 làn xe ô tô. Tốc độ thiết kế 80-100 km/h, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 25.058 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2024-2028.
Để giảm tối đa diện tích rừng bị ảnh hưởng, đơn vị tư vấn đề xuất hướng tuyến và áp dụng các giải pháp cầu cạn, tường chắn, cầu đúc hẫng khẩu độ lớn, kéo dài hầm… thì diện tích rừng dùng để triển khai dự án sẽ giảm từ 627 ha xuống 502 ha.
Dự kiến sau khi hoàn thành cao tốc Nha Trang - Đà Lạt sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa Nha Trang đến Đà Lạt còn 1,5-2 giờ so với hiện tại là 3,5-4 giờ qua quốc lộ 27C (dự kiến sẽ mãn tải trước năm 2030).
Lãnh đạo các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Giao thông Vận tải, Xây dựng đã trao đổi về một số kiến nghị của địa phương, nhà đầu tư đề xuất dự án về Tỷ lệ nguồn vốn Nhà nước tham gia dự án, nhất là khả năng cân đối của địa phương; căn cứ quy hoạch, pháp lý để triển khai dự án trước năm 2030; phương án giao UBND tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư; thực hiện phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đồng thời với phê duyệt chủ trương đầu tư dự án; giải pháp thiết kế, thi công, hướng tuyến phù hợp với địa hình rất phức tạp và giảm thiểu ảnh hưởng đến rừng đặc dụng trong vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà…
Phó Thủ tướng đánh giá cao hai địa phương, nhà đầu tư đề xuất dự án đã nỗ lực trong công tác chuẩn bị để thực hiện trước một dự án quan trọng kết nối duyên hải Nam Trung bộ và các tỉnh Tây Nguyên, vùng Đông Nam bộ, các trung tâm kinh tế, cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải; tạo dư địa, không gian phát triển mới…
Nhấn mạnh tầm quan trọng của giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đồng hành, phối hợp chặt chẽ với hai địa phương, nhà đầu tư đề xuất dự án trong quá trình xây dựng, hoàn thiện thủ tục, hồ sơ trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư. Cụ thể là xác định hướng tuyến tối ưu, phương án thiết kế kỹ thuật, quy mô dự án, tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia, hiệu quả đầu tư…
"Dự án đi qua khu vực rừng, núi, địa hình hiểm trở, chênh lệch độ cao lớn, vì vậy phải giải "bài toán" thiết kế, công nghệ, kỹ thuật trong thi công, bảo đảm an toàn, làm cơ sở ước tính chính xác kinh phí đầu tư xây dựng", Phó Thủ tướng lưu ý.
Chọn phương án thực hiện khả thi, hiệu quả, thiết thực
Cũng tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái đã báo cáo về công tác chuẩn bị hai dự án cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương được thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: VGP. |
Cụ thể, dự án cao tốc đoạn Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) có tổng chiều dài khoảng 66 km, trong đó đoạn qua tỉnh Lâm Đồng dài 55 km. Giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 4 làn xe ô tô, tốc độ thiết kế 80 km/h, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 17.200 tỷ đồng.
Đến nay, hai tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng đã hoàn thiện khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án; bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường; sơ bộ thống kê, tính toán khối lượng, phạm vi, diện tích bồi thường, giải phóng mặt bằng, dự kiến quỹ đất tái định canh, định cư; chuẩn bị công tác đầu tư xây dựng dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, tái định cư; quy hoạch, bổ sung 7 mỏ vật liệu phục vụ thi công cao tốc; chuẩn bị công tác trồng rừng thay thế…
Đối với dự án cao tốc đoạn Bảo Lộc - Liên Khương có tổng chiều dài 73,64 km, giai đoạn hoàn chỉnh có quy mô 4 làn xe ô tô, tốc độ thiết kế 100 km/h, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 19.521 tỷ đồng.
Tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện các thủ tục giao nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án lập báo cáo nghiên cứu khả thi; đang hoàn thiện hồ sơ đánh giá tác động môi trường; thông qua chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng; thống kê, tính toán khối lượng, phạm vi, diện tích bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật; quy hoạch, bổ sung 11 mỏ vật liệu phục vụ thi công cao tốc…
Về một số khó khăn trong quá trình triển khai, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã cho biết, do phần vốn Nhà nước tham gia dự án thấp và không áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu nên 2 dự án chưa hấp dẫn nhà đầu tư và các tổ chức tín dụng cho vay vốn. Một phần diện tích thực hiện 2 dự án có chồng lấn với quy hoạch về khoáng sản.
Tổng mức đầu tư dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dự kiến sẽ tăng thêm sau khi nhà đầu tư đề xuất điều chỉnh cục bộ một số đoạn tuyến, tăng diện tích đất sử dụng và chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đều tăng lên.
"Lâm Đồng đã phát động đợt thi đua 140 ngày hoàn thiện toàn bộ thủ tục đầu tư của hai dự án này", ông Trần Hồng Thái thông tin thêm.
Lãnh đạo các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng thương mại đã trao đổi cụ thể từng kiến nghị của tỉnh Lâm Đồng về trình tự, thủ tục, thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư; giải ngân nguồn vốn Nhà nước của dự án; phương án cấp vốn tín dụng; xử lý tình trạng chồng lấn quy hoạch về khoáng sản; lựa chọn địa điểm đổ chất thải đất thừa công trình… Đặc biệt là lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, ngân hàng trong quá trình sửa cơ chế, chính sách để huy động được nguồn lực đầu tư của xã hội.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu kết luận. Ảnh: VGP. |
Đánh giá cao những kết quả phát triển của Lâm Đồng trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng các dự án hạ tầng giao thông kết nối nội vùng, liên vùng có vai trò hết sức quan trọng nhằm khai thác tiềm năng của Lâm Đồng, các tỉnh Tây Nguyên và những khu vực khác.
"Hai dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, vấn đề là lựa chọn phương án tổ chức thực hiện khả thi, hiệu quả, thiết thực", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Lâm Đồng làm rõ một số thay đổi trong báo cáo nghiên cứu khả thi (điều chỉnh cục bộ đoạn tuyến, nhu cầu sử dụng đất, diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng rừng) để sớm triển khai dự án theo chủ trương đầu tư dự án đã được phê duyệt; phối hợp với các nhà đầu tư rà soát, báo cáo cụ thể những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc chứng minh năng lực tài chính để được hỗ trợ tín dụng.
Phó Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tham mưu cấp thẩm quyền các giải pháp nhằm bảo đảm lợi ích cho các nhà đầu tư dự án giao thông thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT).
Bộ GTVT khẩn trương ban hành hướng dẫn thiết kết đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật trên các tuyến cao tốc như trạm dừng nghỉ, thương mại, cung cấp nhiên liệu, sửa chữa phương tiện.