Mực nước sông Hồng tại cầu Long Biên sáng 11/9. Ảnh: Thảo Ngân/Mekong ASEAN |
Tình hình lũ hiện tại, theo Đài khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ cập nhật đến 9h sáng ngày 11/9, hiện nay, hồ thủy điện Hòa Bình đang duy trì mở 1 cửa xả đáy, hồ Thác Bà mở 3 cửa xả mặt, hồ Tuyên Quang mở 6 cửa xả đáy.
Mực nước sông Thương, sông Cầu tại Đáp Cầu, sông Hồng, sông Thái Bình, sông Đáy, sông Hoàng Long đang lên; sông Lục Nam, sông Cầu tại Gia Bảy đang xuống.
Mực nước các trạm thủy văn khu vực ảnh hưởng triều và cửa sông ven biển dao động theo thủy triều và lượng nước thượng nguồn theo xu thế lên, tại một số trạm ở mức trên báo động 2 đến trên báo động 3 như: Nam Định, Trực Phương, Bến Bình, Thái Bình, Quyết Chiến, Cát Khê, An Phụ, Phú Lương…
Dự báo trong 12-24h tới, mực nước sông Hồng tại Hà Nội có khả năng đạt đỉnh vào trưa ngày 11/9, trên mức báo động 2 và dưới báo động 3; sông Lục Nam tại Lục Nam biến đổi chậm ở mức trên báo động 2;
Sông Thương tại Phủ Lạng Thương biến đổi chậm ở mức trên báo động 3;
Sông Đáy tại Phủ Lý tiếp tục lên, sau dao động ở mức cao;
Sông Cầu tại Gia Bảy tiếp tục xuống; tại Đáp Cầu biến đổi chậm ở mức trên báo động 3;
Sông Hoàng Long tại Bến Đế sẽ xuống chậm ở mức báo động 3.
Sông Thái Bình tại Phả Lại tiếp tục lên.
Các trạm thủy văn ảnh hưởng triều và khu vực cửa sông ven biển đỉnh lũ có khả năng lên mức trên báo động 2 đến trên báo động 3.
Đài khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ cũng cảnh báo nguy cơ ngập lụt, khả năng xảy ra các thiên tai khác đi kèm như sạt lở và xói lở đất trên ven sông tại các vùng trũng thấp ven sông tại các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hòa Bình.
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ: cấp 3 đối với các sông Cầu, Đáy, Thương, Hoàng Long, sông Hồng và cấp 2 đối với các sông Lục Nam, Thái Bình.
Cũng theo Đài khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, hiện mực nước trong các sông đang ở mức rất cao; mực nước lũ gây ngập lụt sâu, ngập lụt vùng ven sông, vùng trũng thấp diện rộng ở các khu vực sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và nhiều vùng dân cư của địa phương có thể gây nguy hiểm cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân; ảnh hưởng an toàn các tuyến đê, nguy cơ sạt lở và xói lở đất trên ven sông.
Đơn vị này khuyến cáo người dân tại các khu vực có nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất cần chủ động theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo lũ để có biện pháp phòng tránh kịp thời. Các địa phương cần triển khai ngay các biện pháp ứng phó với lũ, đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản.