Chủ tịch Quốc hội thăm hỏi, tặng quà cho bà con. Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác đã đi kiểm tra thực địa, động viên bà con nhân dân xã Nga My - một trong những nơi là “rốn lũ” của huyện Phú Bình. Ông cũng có cuộc làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên về công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn công tác, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng cho biết, tính đến 7h ngày 12/9, trên địa bàn tỉnh đã có 4 người chết; trên 50.000 hộ phải di dời khẩn cấp. Ước tổng giá trị thiệt hại về tài sản trên 608 tỷ đồng.
Đối với các khu vực bị ngập lụt sau khi nước rút đang có nguy cơ rất cao xảy ra ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh. Hiện nay do tình hình thiên tai, ngập lụt còn diễn biến phức tạp, vẫn còn 3 xã mực nước sông vẫn đang dâng cao nên các địa phương đang tiếp tục rà soát, thống kê, đánh giá thiệt hại.
Lực lượng quân đội, công an đã huy động trên 7.000 cán bộ chiến sỹ và dân quân tự vệ để hỗ trợ nhân dân ứng phó, khắc phục thiệt hại do mưa lũ, ngập lụt gây ra đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Đến nay đa số các hộ dân phải di rời cũng đã về nơi ở cũ.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gửi lời chia sẻ, động viên, thăm hỏi tới toàn thể bà con, nhân dân tỉnh Thái Nguyên chịu thiệt hại do bão số 3 gây ra.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận tinh thần chủ động, sự vào cuộc kịp thời của Đảng bộ và chính quyền, nhân dân trước những diễn biến bất thường của cơn bão số 3; tỉnh đã quán triệt, triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, tích cực chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do bão gây ra.
Tại vùng "rốn lũ" Thái Nguyên, nước vẫn ngập. Ảnh: CTTĐT Quốc hội |
Chủ tịch Quốc hội đề nghị không chủ quan trong việc khắc phục hậu quả bão lũ; cần tập trung cao độ huy động cả hệ thống chính trị để khắc phục nhanh hậu quả thiên tai, hạn chế đến mức tối đa thiệt hại về người và tài sản. Huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh sau khi nước rút, để đảm bảo sức khoẻ cho người dân; thăm hỏi động viên gia đình người bị nạn, người bị thiệt mạng.
Cần nhanh chóng khắc phục thiệt hại bảo đảm cấp điện, kết nối thông tin liên lạc; khắc phục các đoạn đường sạt lở, sụt lún; có cảnh báo vùng nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở, lũ lụt, hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra tình huống bất ngờ. Ngành giáo dục cần sớm khắc phục các điểm trường ngập lụt, sớm ổn định việc dậy và học ngay trong những ngày đầu tiên của năm học mới, không để trẻ em nào bị khó khăn không thể đến trường.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu tỉnh nhanh chóng khắc phục hậu quả, giúp người dân sửa chữa lại nhà cửa; phải đảm bảo cho người dân 100% có chỗ ở như trước. Sửa chữa, đảm bảo cầu đường, không để xảy ra tình trạng tương tự như sập cầu Phong Châu tại Phú Thọ; kiểm tra lại các cây cầu lưu lượng qua lại nhiều để gia cố, tính toán.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là thời điểm cần phát huy tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách; các khoản hỗ trợ cần phải được công khai, minh bạch, đảm bảo sớm đến với người dân.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trao 30 tỷ đồng của Ban Cứu trợ Trung ương cho tỉnh Thái Nguyên để hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3.