Trong bối cảnh hiện nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, các đối tượng thù địch rất dễ dàng lợi dụng không gian mạng để phát tán các thông tin xấu độc, tin giả, quan điểm sai trái. Do vậy, công cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên mặt trận này chính là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết đối với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nói chung, cũng như các cơ quan báo chí Việt Nam nói riêng.
Trong lịch sử hơn 90 năm kể từ khi ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, cùng với việc xây dựng và tổ chức thực hiện đường lối chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Công tác bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng đã được Đảng kiên trì và phát triển qua nhiều kỳ Đại hội. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (tháng 1/2016) khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam, là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta”[1].
Ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”.
Trong đó, Nghị quyết xác định: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước”.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh rằng bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng “là một nội dung cơ bản, sống còn của công tác xây dựng Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân”.
Ảnh: VGP |
Như vậy, trải qua quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong hơn 9 thập kỷ qua với 13 lần tổ chức Đại hội Đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn kiên trì, kiên định với nền tảng tư tưởng của Đảng và luôn kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.
Trong những năm qua, hoạt động của các thế lực thù địch nhằm phá hoại tư tưởng, đường lối chính sách của Đảng đang diễn ra ngày càng gia tăng cả về quy mô và số lượng, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi hơn.
Phương thức chống phá của các thế lực thù địch hết sức đa dạng, có lúc lợi dụng sự công khai của báo chí, truyền thông, lợi dụng sự tự do tư tưởng; có lúc ngụy trang dưới nhiều hình thức, vỏ bọc tinh vi, đặc biệt là triệt để lợi dụng mạng xã hội.
Các đối tượng xấu đã sử dụng các trang mạng xã hội của nước ngoài có độ phát tán nhanh, số lượng lớn người dân sử dụng để truyền bá các quan điểm sai trái, tung tin xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Chúng phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; vu cáo, bịa đặt, bôi nhọ hình ảnh các lãnh đạo cấp cao nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm giảm niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Không chỉ tạo các tài khoản lấy tên giống, gây nhầm tưởng là cơ quan báo chí hoặc tổ chức yêu nước, các đối tượng xấu còn sử dụng tài khoản chính danh là tổ chức phản động ở nước ngoài để phát tán thông tin xấu độc. Chúng còn trực tiếp tiến công vào báo chí cách mạng nước ta, làm nhiễu mạng điện tử, tiến công vào những nhà báo cách mạng.
Với mưu đồ gây chia rẽ nội bộ, làm cho Đảng ta “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ bên trong, chúng ra sức tuyên truyền, bịa đặt về các phe phái trong Đảng, nhất là lợi dụng việc đấu tranh chống tham nhũng mà nhân dân hết sức đồng tình, để xuyên tạc về cái mà chúng gọi là thanh trừng nội bộ.
Đối với các tầng lớp nhân dân, chúng lợi dụng việc tiếp cận thông tin còn hạn chế, đưa những thông tin sai lệch, làm cho nhân dân hoài nghi, ảnh hưởng niềm tin với chế độ, Đảng và nhà nước; kích động các hoạt động gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đối với thế hệ trẻ, chúng khuyến khích những quan điểm lệch lạc và gây hoài nghi về “xã hội Việt Nam” và mơ tưởng về một “xã hội khác” được cổ xúy là tốt đẹp hơn. Một bộ phận thế hệ thanh niên còn đang xa lánh chính trị, nên khi nghe những thông tin trái chiều là mơ hồ và có thể tin theo.
Trong bối cảnh này, có thể thấy, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đang trở thành một nhiệm vụ cấp thiết, lâu dài, có ý nghĩa sống còn với sự tồn vong của Đảng, của chế độ ta trong giai đoạn hiện nay.
Trong gần một thế kỷ qua, báo chí cách mạng Việt Nam đã luôn đồng hành cùng sự phát triển của lịch sử dân tộc; là công cụ đắc lực để tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phản ánh kịp thời, toàn diện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Báo chí nước nhà đảm nhận sứ mệnh quan trọng trong việc tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch gây chia rẽ nội bộ và mất đoàn kết.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho sự ra đời và xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Ảnh: TTXVN |
Người cũng đưa ra sứ mệnh cao cả đối với những người làm báo: Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết đấu tranh [4].
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chiến sĩ ở các mặt trận thì dùng súng chống địch, các bạn thì dùng bút chống địch”[5]. “Chính vì thế, cho nên, tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, v.v.) phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng” [6].
Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền nền tảng tư tưởng của Đảng
Trong giai đoạn hiện nay, việc vận dụng sáng tạo những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên báo chí có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Các cơ quan báo chí cần tiếp tục làm tốt nhiệm vụ thông tin tuyên truyền sâu rộng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền nội dung và kết quả triển khai thực hiện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (tháng 1/2021) xác định rõ rằng phải xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại [7]. Do đó, báo chí phải đi đầu trong việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng vào việc hình thành và từng bước hoàn chỉnh lý luận sự nghiệp đổi mới của Đảng, lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về đổi mới tổ chức và phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới.
Báo chí cần chủ động, kịp thời thông tin hiệu quả về một số vấn đề lớn của đất nước như: chăm lo xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trong tình hình mới; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phát triển kinh tế - xã hội.
Báo chí tăng cường tuyên truyền, lan tỏa các thông tin chính thống, tích cực; đẩy lùi tiêu cực, lấn át thông tin xấu độc. Báo chí tích cực tham gia quảng bá hình ảnh đất nước, con người, thành tựu đổi mới đất nước với nước ngoài; tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Báo chí truyền tải kịp thời những phản ánh, tâm tư và nguyện vọng của nhân dân, khích lệ những tấm gương người tốt, việc tốt và phong trào thi đua yêu nước; chống “diễn biến hòa bình”, củng cố lòng tin của nhân dân, giữ vững an ninh, trật tự, góp phần ổn định chính trị của đất nước.
Có thể nói, trong những năm gần đây, một số các cơ quan báo chí đã tạo ra được một khí thế sôi nổi, truyền cảm hứng và tạo động lực cho toàn xã hội trong việc tham gia vào các nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước, tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Theo thống kê của Thông tấn xã Việt Nam, vào năm 2023, cả nước có 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực, 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí (trong đó có 319 tạp chí khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật), 72 cơ quan Đài phát thanh, truyền hình.
Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 41.000 người, trong đó khối phát thanh, truyền hình xấp xỉ 16.500 người. Tổng số người được cấp thẻ nhà báo kỳ hạn 2021-2025 tính đến tháng 12/2023 là 20.508 trường hợp, trong đó 7.587 trường hợp có bằng tốt nghiệp đại học trở lên ngành Báo chí.
Sự phát triển của các cơ quan báo chí với đầy đủ những loại hình truyền thông đa phương tiện, hiện đại, với mạng lưới thông tin rộng khắp đang góp phần tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời, sinh động, hấp dẫn đến với mọi tầng lớp nhân dân.
Kiên định với sứ mệnh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Phát biểu tại cuộc họp báo thông báo kết quả Đại hội XIII của Đảng, ngày 1/2/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hoan nghênh báo chí kịp thời phát hiện những luồng tư tưởng xấu, dư luận không hay và báo chí đã có phê phán, phản bác lại.
Ảnh: TTXVN |
Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam cũng bày tỏ tin tưởng rằng báo chí tiếp tục "truyền cảm hứng" vào toàn Đảng, toàn quân, toàn dân một khí thế Đại hội, tạo sức mạnh, bước tiến cho Việt Nam.
Sứ mệnh của của báo chí trong tình hình mới cũng được Nghị quyết Đại hội XIII nêu rõ: “Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên internet. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục”[8].
Trên không gian mạng, báo chí cần có chiến lược phủ sóng rộng khắp, xây dựng những tuyến bài bảo vệ kết hợp đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Kết hợp cùng các cơ quan chức năng, các địa phương nhằm phát hiện, đấu tranh loại bỏ, ngăn chặn, xử lý các bên, các cá nhân lưu trữ, đăng tải, phát tán các thông tin giả mạo, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước trên Internet và các trang mạng xã hội.
Không thể phủ nhận tiện ích mà mạng xã hội đem lại cho con người trong đời sống hiện đại; thế nhưng, đây lại là một thế giới ảo, thật giả lẫn lộn. Với khả năng tương tác và tính lan truyền nhanh, làm cho sự thật giả của những thông tin trên mạng xã hội càng trở nên nguy hiểm.
Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP. Trong đó, bổ sung các quy định nhằm quản lý hiệu quả các mạng xã hội xuyên biên giới, tạo căn cứ pháp lý vững chắc cho công tác đấu tranh.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, xử lý tình trạng thông tin giả, tin xấu, độc hại nhằm chống phá Đảng, Nhà nước trên các mạng xã hội ở nước ngoài cung cấp xuyên biên giới.
Cơ quan này đã thực hiện kiểm tra hoạt động của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam; phối hợp với nhiều bộ, ngành liên quan đấu tranh với những thế lực thù địch phản động, phần tử cơ hội chính trị thường xuyên đăng tải, phát tán thông tin xấu, độc hại.
Bộ cũng phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý, xử lý các trường hợp người dùng phát tán thông tin vi phạm. Trường hợp đối tượng vi phạm nhiều lần, nghiêm trọng, Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương phối hợp với Công an tỉnh, thành phố củng cố chứng cứ để có thể xử lý ở mức cao hơn. Trường hợp không xác định được danh tính, nhân thân của đối tượng vi phạm, các địa phương phối hợp với các Bộ Thông tin và Truyền thông, Công an để có biện pháp ngăn chặn, xử lý phù hợp.
Cùng với các biện pháp răn đe, xử phạt, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành nhiều chiến dịch nhằm vận động, tuyên truyền, giúp người dân nhận biết, cảnh giác, nói "không" các thông tin giả, thông tin xấu độc. Cụ thể, cuối năm 2022, cơ quan này đã ban hành "Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng".
Hay có thể kể đến, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phối hợp với Báo VnExpress và Công ty Cổ phần Dịch vụ trực tuyến FPT tổ chức chiến dịch "Tin" nhằm nâng cao văn hóa mạng tại Việt Nam, hạn chế phát tán và lan truyền tin giả, tin sai sự thật trên Internet từ tháng 9-11/2023.
Nâng cao nhận thức của đội ngũ lãnh đạo, nhân viên các cơ quan báo chí
Các cơ quan báo chí cần tăng cường giáo dục nâng cao trình độ lý luận chính trị, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo để có nhận thức đầy đủ, kiên định và vững vàng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Cần xây dựng đội ngũ những người làm báo có phẩm chất chính trị, tư tưởng, bản lĩnh, năng lực, trình độ chuyên môn cao để “phụng sự Tổ quốc”, “phụng sự nhân dân”, “phụng sự giai cấp và nhân loại” như lời Bác Hồ từng căn dặn.
Đối với những vấn đề, những điểm nóng chính trị - xã hội, những bức xúc của nhân dân, báo chí cần phát hiện, cung cấp thông tin và cảnh báo cho lãnh đạo Đảng và Nhà nước để có biện pháp xử lý kịp thời và hiệu quả.
Báo chí phải nắm chắc dư luận xã hội, phát hiện những “thông tin xấu, độc”, những hành vi vi phạm pháp luật, những hoạt động chính trị cá nhân và có tổ chức có dấu hiệu chống đối chính quyền, những biểu hiện kích động,… để phản ánh với các cơ quan chức năng xử lý kịp thời nhằm giữ vững kỷ cương pháp luật và đảm bảo ổn định chính trị.
Có thể thấy, trong một thế giới - nơi dòng chảy tin tức trên không gian mạng đang không ngừng cập nhật mỗi ngày, những phóng viên, nhà báo, từ báo in, điện tử, phát thanh, truyền hình,… chính là những người được tiếp xúc với luồng thông tin mới nhất, đa dạng và đa chiều nhất. Họ chính là những người đang ngày ngày lựa chọn, chắt lọc giữa hàng tầng lớp thông tin, để từ đó đưa những thông tin chính thống, xác tín nhất đến độc giả.
Ở chiều ngược lại, đóng một vai trò quan trọng trong công tác truyền thông chính sách, báo chí cũng đồng thời là kênh phản ánh tiếng nói của nhân dân, tham gia vào giám sát và phản biện xã hội đối với các chính sách còn chưa phù hợp, các vấn đề nhức nhối cần kịp thời phát hiện để Đảng, Chính phủ, Nhà nước có thể để điều chỉnh chính sách.
Những người làm báo với sự trang bị kiên định về quan điểm lập trường sẽ chính là cầu nối vững chắc để góp phần củng cố niềm tin cho nhân dân, đưa đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đến gần hơn với nhân dân.
Là tổ chức Chi bộ Đảng trực thuộc Đảng ủy Khối Doanh nghiệp quận Đống Đa, TP Hà Nội, Chi bộ Tạp chí Mekong ASEAN luôn xác định, tăng cường học tập, quán triệt, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới là nhiệm vụ, trách nhiệm của mỗi đảng viên, phóng viên, biên tập viên trong tạp chí.
Tạp chí Mekong ASEAN giành Giải C - Giải Báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Giải Diên Hồng) lần thứ hai năm 2024, với bài viết "Quyết sách đột phá từ Nghị trường: Kỳ vọng diện mạo mới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi" của nhóm tác giả Đinh Nhung - Kiều Chinh. Ảnh: Quách Sơn - Mekong ASEAN |
Trong quá trình hoạt động, mỗi cán bộ, đảng viên, phóng viên, biên tập viên Tạp chí luôn phấn đấu nâng cao ý thức trách nhiệm, tích cực tu dưỡng, rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; bám sát chủ trương đường lối, quy định của Đảng, chính sách của Nhà nước; thực hiện tốt chỉ đạo của các cơ quan quản lý, của Đảng bộ cấp trên, của lãnh đạo Hội chủ quản; phấn đấu xây dựng Chi bộ Tạp chí trong sạch vững mạnh, hoạt động hiệu quả phát triển bền vững.
Chi bộ Tạp chí Mekong ASEAN luôn chủ động trong phương thức hoạt động công tác Đảng; giữ vững sự ổn định và nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ chính trị của một tổ chức Đảng trong cơ quan báo chí. Chi bộ xác định mục tiêu thật sự trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.
Là cơ quan của Hội Phát triển Hợp tác Kinh tế Việt Nam – ASEAN, Tạp chí Mekong ASEAN có tôn chỉ, mục đích là thông tin chuyên sâu, tham gia tư vấn, phân tích, đánh giá các hoạt động hợp tác kinh tế, góp phần phát triển và nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các nước trong khối ASEAN.
Tạp chí Mekong ASEAN hướng đến một trong những nhiệm vụ chính là giới thiệu, kết nối, quảng bá đất nước, con người, những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước, của công cuộc phát triển kinh tế, tiềm năng và cơ hội trong hợp tác quốc tế giữa Việt Nam với các đối tác ASEAN nói riêng và các nước trên thế giới nói chung.
Bài dự thi Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 4, năm 2024.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.7-8.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, Hà Nội, t.1.
[3] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.166
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.14, tr.540
[5] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.210
[6] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.12, tr.166
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr.146.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr.146.