Đó là thông tin tại Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2024 do Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Hải Dương tổ chức chiều 27/12, tại thành phố Hải Dương. Ông Bùi Văn Thăng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, Phó Chủ tịch Hội đồng Chủ trì hội nghị.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương Bùi Văn Thăng chủ trì hội nghị. |
Đề nghị đánh giá 35 sản phẩm
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương Bùi Văn Thăng nhấn mạnh, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) là một trong những nội dung trọng tâm để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông sản; bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn.
Thực hiện Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về quy định Bộ Tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm, tính đến ngày 26/12/2024, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức đánh giá, phân hạng 79 sản phẩm, nâng tổng số sản phẩm OCOP được đánh giá trên địa bàn tỉnh là 424 sản phẩm, trong đó gồm một sản phẩm 5 sao, 119 sản phẩm 4 sao và 304 sản phẩm 3 sao.
Đến ngày 23/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận được hồ sơ đề xuất của UBND các huyện Cẩm Giàng, Thanh Hà, Nam Sách và thành phố Hải Dương đề nghị đánh giá cho 35 sản phẩm, trong đó có 6 sản phẩm đề nghị đánh giá lại tiềm năng 4 sao, 5 sao của 12 chủ thể.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương Phạm Thị Đào trình bày báo cáo tại hội nghị. |
Trước đó, ngày 14/12, Tổ tư vấn Hội đồng cấp tỉnh đã tổ chức đánh giá đối với 35 sản phẩm tiềm năng 4 sao, 5 sao. “Trên cơ sở kết quả thẩm định của Tổ tư vấn và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được quy định tại Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá, phân hạng các sản phẩm với tinh thần khách quan, minh bạch, đồng thời thảo luận làm rõ những vấn đề còn vướng mắc và chấm điểm đạt kết quả chính xác cao”, ông Bùi Văn Thăng khẳng định.
Bà Phạm Thị Đào, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, Tổ trưởng Tổ Tư vấn Hội đồng cho biết, các địa phương trong tỉnh đã triển khai các bước đánh giá, phân hạng sản phẩm tại cấp huyện và gửi hồ sơ đề xuất đánh giá sản phẩm cấp tỉnh cơ bản đảm bảo theo quy định. Từ ngày 24 - 25/12, Tổ tư vấn Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã họp thẩm định, đánh giá sản phẩm trên tinh thần công tâm, khách quan, minh bạch đảm bảo đúng các quy định của Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
Đề nghị đánh giá, công nhận 11 sản phẩm OCOP quốc gia
Về kết quả thẩm định, đánh giá, đối với 6 sản phẩm của CTCP Hoàng Giang (thành phố Hải Dương), trong đó công ty đề nghị đánh giá lại cho 5 sản phẩm OCOP 4 sao được công nhận năm 2021 và một sản phẩm đề nghị nâng hạng sao được công nhận năm 2023. Kết quả, bánh đậu trà xanh Rồng vàng Hoàng Gia đạt 92,8 điểm; bánh đậu sầu riêng Rồng vàng Hoàng Gia đạt 92,8 điểm; bánh đậu xanh hương vị cốm Rồng vàng Hoàng Gia đạt 83,8 điểm; bánh đậu xanh hương vị dừa Rồng vàng Hoàng Gia đạt 83,7 điểm; bánh đậu xanh hương vị sen Rồng vàng Hoàng Gia đạt 84,1 điểm; bánh đậu xanh hương vị khoai môn Rồng vàng Hoàng Gia đạt 83,8 điểm.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương Vũ Đình Tiến phát biểu tại hội nghị. |
Tiếp theo, Công ty TNHH HD Thành Nam (thành phố Hải Dương) đề nghị đánh giá, phân hạng 3 sản phẩm. Kết quả, bánh đậu xanh Thành Nam rồng vàng đạt 72,6 điểm; bánh đậu hương trà xanh Thành Nam rồng vàng đạt 72,5 điểm; bánh đậu hương sầu riêng Thành Nam rồng vàng đạt 72,5 điểm.
Đối với sản phẩm đề nghị đánh giá của Công ty TNHH MTV Chế biến thực phẩm Hà Chi là kẹo lạc một nắng đường ăn kiêng, công ty đã có giấy chứng nhận HACCP, nhưng Bản tự công bố sản phẩm lại theo Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm do sở Công thương cấp đã hết hạn vào ngày 2/8/2024. Do đó, sản phẩm này không đủ điều kiện để đánh giá, phân hạng.
Về kết quả 5 sản phẩm đề nghị đánh giá của CTCP Gốm Chu Đậu (huyện Nam Sách), trong đó bình Hoa Lam đạt 91,4 điểm; bình Tỳ Bà đạt 91,4 điểm; bình Giọt Ngọc đạt 91,7 điểm; bình Phú Quý đạt 91,8 điểm; bình Thiên Nga 91,9 điểm.
Ban quản lý di tích đền Long Động (huyện Nam Sách) đề nghị đánh giá một sản phẩm, đó là điểm di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đền Long Động đạt 74,7 điểm.
Bàn trưng bày sản phẩm của CTCP Gốm Chu Đậu. |
Đối với sản phẩm đề nghị đánh giá của Ban quản lý di tích chùa Trăm Gian xã An Bình (huyện Nam Sách) là điểm di tích lịch sử quốc gia chùa Trăm Gian đạt 74,1 điểm.
Cùng địa chỉ tại huyện Nam Sách, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao và hữu cơ Phú Điền đề nghị đánh giá sản phẩm nho sữa Ngọc Phú Quý – PDF, kết quả sản phẩm đạt 77,5 điểm.
Đối với sản phẩm đề nghị đánh giá của Hộ kinh doanh Trần Trung Hiếu (huyện Nam Sách), rượu làng Hóp đạt 71,3 điểm.
Về 5 sản phẩm đề nghị của CTCP Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương, kết quả cà rốt sấy khô đạt 91 điểm; bột hành sấy khô đạt 73,8 điểm; bột ớt sấy khô đạt 73,6 điểm; bột tỏi sấy khô đạt 72,6 điểm; hành lá sấy khô đạt 75,6 điểm.
Bàn trưng bày sản phẩm của CTCP Hoàng Giang. |
Đối với 7 sản phẩm đề nghị đánh giá của Công ty TNHH Rượu Phú Lộc (huyện Cẩm Giàng), trong đó rượu ngâm nếp cẩm 29,5% vol đạt 75,9 điểm; rượu nếp Phú Lộc 35% vol đạt 75,9 điểm. 5 sản phẩm gồm rượu ngâm mơ 25% vol, rượu ngâm táo Hà Lan 29,5%vol, rượu ngâm táo mèo 29,5% vol, rượu ngâm ba kích 29,5% vol, rượu đông trùng hạ thảo 35% vol chưa được cấp Giấy cấp phép sản xuất rượu, do đó không đủ điều kiện để đánh giá.
Về 3 sản phẩm đề nghị đánh giá của CTCP Ameii Việt Nam - Chi nhánh Hải Dương, trong đó chuối sấy dẻo đạt 92,8 điểm; chuối sấy dẻo phủ trà xanh đạt 92,7 điểm; chuối sấy dẻo phủ socola đạt 93 điểm.
Đối với sản phẩm đề nghị của Công ty TNHH MTV Rau củ quả an toàn Thanh Hà, sản phẩm khoai tây Thanh Hà đạt 71,3 điểm.
Bàn trưng bày sản phẩm của CTCP Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương. |
Tại hội nghị, thay mặt Tổ tư vấn Hội đồng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương Phạm Thị Đào đề nghị Hội đồng tổ chức đánh giá, phân hạng cho 29 sản phẩm. Theo đó, đối với các sản phẩm được đánh giá đạt từ 90 điểm trở lên, sau khi bổ sung hoàn thiền hồ sơ theo yêu cầu, Hội đồng báo cáo UBND tỉnh đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia.
Đối với các sản phẩm được đánh giá đạt từ 70 đến dưới 90, sau khi bổ sung hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu, Hội đồng báo cáo UBND tỉnh ban hành Quyết định công nhận sản phẩm đạt 4 sao OCOP và cấp giấy chứng nhận.
Đối với 6 sản phẩm gồm rượu ngâm mơ 25% vol, rượu ngâm táo Hà Lan 29,5%vol, rượu ngâm táo mèo 29,5% vol, rượu ngâm ba kích 29,5% vol, rượu đông trùng hạ thảo 35% vol, kẹo lạc một nắng đường ăn kiêng đề nghị Hội đồng ban hành Thông báo gửi trả hồ sơ về UBND cấp huyện để xem xét, công nhận hoặc hoàn thiện hồ sơ đánh giá lại và phân hạng theo thẩm quyền được phân cấp theo quy định.
Bàn trưng bày sản phẩm của CTCP Ameii Việt Nam - Chi nhánh Hải Dương. |
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương Bùi Văn Thăng, trên cơ sở kết quả thẩm định, đánh giá của Tổ tư vấn Hội đồng, hôm nay, Hội đồng cấp tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm tiềm năng 4 sao, 5 sao để đề xuất trình UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt kết quả sản phẩm OCOP 4 sao năm 2024 và cấp giấy chứng nhận, đồng thời tham mưu UBND trình sản phẩm tiềm năng 5 sao lên Hội đồng đánh giá, phân hạng cấp quốc gia.
Hội đồng sẽ báo cáo UBND tỉnh đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia cho 11 sản phẩm gồm 2 sản phẩm bánh đậu xanh của CTCP Hoàng Giang, 5 sản phẩm gốm sứ của CTCP Gốm Chu Đậu, 3 sản phẩm chuối của CTCP Ameii Việt Nam - Chi nhánh Hải Dương, sản phẩm cà rốt sấy khô của CTCP Chế biến nông sản thực phẩm Tân Hương.
Đến nay, tỉnh Hải Dương đã có một sản phẩm là bánh đậu xanh rồng vàng Hoàng Gia của CTCP Hoàng Giang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận đạt OCOP 5 sao quốc gia.