Đề nghị áp dụng mức thuế VAT 8% đối với mặt hàng ô tô

Ô TÔ THUẾ VAT
16:56 - 01/06/2023
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị áp dụng mức thuế VAT 8% đối với mặt hàng ô tô, bao gồm cả dòng xe dưới 24 chỗ để thúc đẩy tiêu dùng lĩnh vực này.

Tham gia thảo luận tại hội trường về chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% chiều 1/6, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) bày tỏ đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) nhằm giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn.

Đại biểu đề nghị rà soát, cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng. Cụ thể, bà Nga đề nghị áp dụng mức thuế 8% đối với mặt hàng ô tô, bao gồm cả dòng xe dưới 24 chỗ để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ô tô trong nước.

Theo bà Nga, phản ánh từ doanh nghiệp trong ngành ô tô cho thấy họ đang phải đối mặt với khó khăn lớn là tồn kho, chi phí bảo dưỡng sản phẩm, doanh thu sụt giảm kéo theo dòng tiền tê liệt dẫn đến mất cân đối thu chi... "Hoạt động kinh doanh không hiệu quả nên rất cần chính sách mới để hỗ trợ các doanh nghiệp", bà Nga nói.

Theo đại biểu, việc áp dụng thuế VAT 8% mặc dù gây hụt thu ngân sách 2% so với quy định hiện hành nhưng ô tô là mặt hàng chịu thuế cao, cùng với nhiều loại thuế, phí khác như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ, phí xăng dầu, cầu đường... Nếu kích cầu được trong lĩnh vực này thì từ tổng số thu thuế phí trên một chiếc xe sẽ vượt mức 2% đã giảm thuế VAT.

Bà Nga cho rằng, chính sách giảm thuế VAT chỉ diễn ra trong thời gian ngắn sẽ không ảnh hưởng đến tinh thần chung trong việc điều tiết "không khuyến khích tiêu dùng đối với mặt hàng ô tô dưới 24 chỗ".

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga.

Đại biểu Trần Chí Cường (Đoàn Đà Nẵng) cho biết, chính sách giảm thuế VAT được thực hiện trong năm 2022 và đã hết hiệu lực thi hành vào cuối năm 2022. Qua gần nửa năm 2023, Chính phủ đề xuất cho tiếp tục thực hiện chính sách này là rất cần thiết giúp tăng sức mua, tăng chi tiêu, giảm áp lực về giá, thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất kinh doanh...

Tuy nhiên theo đại biểu, việc triển khai chính sách chỉ thực hiện trong 6 tháng cuối năm, từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 là quá ngắn, khó đạt được hiệu quả như mong đợi.

"Trong 6 tháng cuối năm có thời điểm có thể kích cầu tiêu dùng như vào năm học mới, lễ Tết cuối năm nhưng sẽ có một số yếu tố ảnh hưởng như tăng giá điện, tăng lương cơ sở có thể làm tăng mặt bằng giá cả, tác động đến mục tiêu tiêu dùng và hiệu quả của chính sách này. Vì vậy, tôi đề nghị xem xét, đánh giá việc kéo dài trong 6 tháng có đủ để chính sách phát huy tác dụng, đủ để đạt được các mục tiêu không?", đại biểu Cường đặt câu hỏi.

Mặt khác, theo đại biểu, việc áp dụng chính sách giảm thuế VAT sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của các địa phương, phải điều chỉnh cân đối thu – chi, nếu chỉ thực hiện trong 6 tháng cuối năm thì khó cho việc điều chỉnh dự toán cân đối thu chi ngân sách của những tháng cuối năm 2023 cũng như xây dựng dự toán thu chi của cả năm 2024.

Việc giảm thuế dự kiến sẽ giảm 24.000 tỷ đồng thu ngân sách, trong điều kiện mức tiêu thụ bình thường. Tuy nhiên trường hợp chính sách giảm thuế đạt hiệu quả kích thích nhu cầu tăng cao thì dù giảm 2%, mức thu thuế còn lại 8% cộng với phát sinh tăng thu từ các nguồn khác khi chi tiêu của người dân, doanh nghiệp được kích thích vẫn có thể giúp thu của ngân sách tăng cao như năm 2022. Đại biểu Trần Chí Cường

Từ các lý lẽ trên, đại biểu đề nghị cân nhắc kéo dài thêm thời gian thực hiện chính sách giảm thuế VAT cho đến hết năm 2024.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) cũng cho rằng, phương án giảm thuế VAT của Chính phủ kéo dài đến hết 31/12/2023 là quá ngắn. Theo bà Hoa, khó khăn thách thức trong thời gian tới là khá lớn. Để sự hỗ trợ này có hiệu quả hơn, đủ thời gian để chính sách phát huy trong thực tế, cần kéo dài chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2025 hoặc ít nhất đến năm 2024.

Đồng thời, đại biểu cho rằng, cần kịp thời hướng dẫn các hồ sơ xem xét xin hoàn thuế giá trị gia tăng một cách nhanh chóng, hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, cần nghiên cứu các chính sách vượt tiền lệ như yêu cầu lãi suất cho vay giảm xuống dưới 9%, thay đổi các điều kiện cho vay thông thoáng, khả thi và hợp lý để hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp.

Tin liên quan

Đọc tiếp