Đại dịch COVID-19 bùng phát đã gây ra thiệt hại nặng nề đối với ngành du lịch Việt Nam, làm chấm dứt chuỗi tăng trưởng trung bình ấn tượng trên 22,7%/năm về lượng khách quốc tế, 10,5% về lượng khách nội địa, 20,9% về giá trị xuất khẩu tại chỗ của du lịch và 9,2 điểm phần trăm mức đóng góp trực tiếp cho GDP (giai đoạn 2015- 2019), kéo theo đó là tình trạng hàng chục nghìn doanh nghiệp bị phá sản hoặc ngừng kinh doanh, hàng triệu lao động phải nghỉ việc toàn bộ hay từng phần.
Mới đây, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã phối hợp cùng một số đơn vị tiến hành một cuộc khảo sát trong tháng 8/2021 về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp du lịch tại Việt Nam.
Khảo sát được thực hiện trên 1.853 doanh nghiệp trong ngành dịch vụ du lịch phần lớn tập trung tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 từ đầu năm 2020 đến nay.
Các biện pháp phong tỏa, giãn cách tại nhiều địa phương đã buộc các nhà hàng, khách sạn tạm ngừng hoạt động và rơi vào tình trạng đóng băng, các hộ kinh doanh hàng ăn cũng không được phép hoạt động hoặc chỉ hoạt động ở trạng thái cầm chừng.
Ở thời điểm làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát, chỉ có khoảng 4% doanh nghiệp trong ngành tham gia khảo sát cho biết vẫn duy trì được hoạt động. 96% còn lại phải ngừng hoặc tạm ngừng hoạt động.
Ở thời điểm làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát, chỉ có khoảng 4% doanh nghiệp trong ngành tham gia khảo sát cho biết vẫn duy trì được hoạt động |
So sánh với kết quả khảo sát chung, tỷ lệ doanh nghiệp du lịch duy trì được hoạt động (4%) chỉ bằng 1/4 so với tỷ lệ trung bình doanh nghiệp còn duy trì hoạt động ở tất cả lĩnh vực kinh tế (16%).
Tính từ góc độ quy mô, tỷ lệ doanh nghiệp du lịch duy trì được một phần hoạt động chủ yếu tập trung ở doanh nghiệp quy mô lớn, siêu lớn. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp lớn thường có ràng buộc trách nhiệm rất cao trong chuỗi cung ứng, do đó việc duy trì hoạt động trở thành vấn đề mang tính “sống còn”, bằng mọi cách không được để đứt gãy.
Các doanh nghiệp hiện vẫn duy trì hoạt động kinh doanh nằm chủ yếu ở nhóm doanh nghiệp quy mô lớn |
Tính từ góc độ địa lý, tại TP.HCM, chỉ có 2,9% doanh nghiệp du lịch tham gia khảo sát cho biết vẫn duy trì hoạt động, trong khi con số này ở Hà Nội là 3,7%.
TP.HCM và Hà Nội có tỷ lệ doanh nghiệp du lịch và dịch vụ duy trì hoạt động kinh doanh rất thấp |
Cuộc khảo sát diễn ra vào tháng 8/2021, thời điểm Hà Nội và TP HCM đều đang thực hiện việc giãn cách/cách ly theo Chỉ thị 16/TTg. Do đó tỷ lệ doanh nghiệp trong ngành du lịch tạm ngừng hoạt động tại hai địa phương này là gần 70%, tương ứng với các tỷ lệ tạm ngừng hoạt động của các ngành khác.
Nhiều doanh nghiệp ngành du lịch tham gia khảo sát dù lớn hay nhỏ tại 2 thành phố này đã cầm cự được qua 3 đợt dịch Covid-19 đầu tiên nhưng không còn khả năng cầm cự ở làn sóng dịch thứ tư.
Dòng tiền là thách thức lớn với doanh nghiệp du lịch
Tính bị động là thách thức lớn với các doanh nghiệp trong ngành du lịch trên cả nước, tính đến thời điểm hiện tại. 54% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết “Không dự tính được” thời gian phải đóng cửa bao lâu. Điều này đồng nghĩa doanh nghiệp gần như không thể dự tính các kế hoạch kinh doanh trong ngắn hạn và dài hạn.
Đồng thời, cạn kiệt dòng tiền cũng là một thách thức mang tính cốt lõi. Kết quả khảo sát cho thấy trong số các doanh nghiệp xác nhận vẫn đang duy trì hoạt động kinh doanh, tỷ lệ doanh nghiệp có dòng tiền chỉ đủ để duy trì hoạt động “ít hơn 1 tháng” chiếm tỷ lệ khá cao, 22,4%. Còn với các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động do dịch, tỷ lệ này lên tới gần 47%, một con số rất cao.
Đối với các doanh nghiệp du lịch ở hai nhóm duy trì hoạt động và tạm ngừng hoạt động, bài toán đặt ra là cần nguồn lực tài chính để trang trải các chi phí như lãi vay ngân hàng, tiền thuê đất/văn phòng, tiền điện, nước, đóng các khoản bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN)... Trong bối cảnh khó khăn, đại đa số doanh nghiệp đều chủ động chọn giải pháp giảm chi phí hoạt động như cắt giảm lao động, tiền lương, tổ chức lại mô hình kinh doanh, tối ưu hóa chi phí.
Cụ thể, với nhóm doanh nghiệp đã tạm ngừng hoạt động, chính sách được áp dụng nhiều nhất là "giảm 75% đến dưới 100% lao động". Với nhóm doanh nghiệp du lịch đang cố gắng duy trì hoạt động, chính sách được áp dụng phổ biến nhất là "không giảm lao động nhưng giảm giờ làm/lương”.
Ngay cả khi hoạt động du lịch phục hồi, doanh nghiệp vẫn rất cần các hỗ trợ nguồn lực tài chính và/hoặc nhu cầu lớn từ thị trường để tránh nguy cơ giải thể.
Đề xuất gói vay vốn dành riêng cho doanh nghiệp khách sạn, hàng không, du lịch và dịch vụ du lịch để giải quyết bài toán dòng tiền
Dựa trên kết quả khảo sát thực tế về thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp du lịch trên cả nước, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân đã gửi Thủ tướng Chính phủ một số đề xuất cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp, đồng thời từng bước tạo lập kế hoạch khả thi cho việc mở cửa, phục hồi ngành du lịch thời gian tới.
Một là, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét giải pháp “thiết kế một chương trình vay vốn trung và dài hạn trong khuôn khổ gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 2022 - 2023 dành riêng cho các doanh nghiệp khách sạn, hàng không, du lịch và dịch vụ”, do trong hơn một năm rưỡi bị đóng băng hoạt động do dịch vừa qua, bài toán dòng tiền là khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp lĩnh vực này.
Hai là, đề xuất Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành cân nhắc các biện pháp hỗ trợ tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp du lịch, dịch vụ du lịch gắn với quá trình và mức độ phục hồi, tập trung vào các biện pháp như: giảm chi phí nhiên liệu, điện, nước cho hoạt động, giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp…, hoãn nộp các khoản thuế, phí với thời gian cho phép từ 12 - 18 tháng hoặc dài hơn, hoãn đóng và giảm tỷ lệ đóng BHXH đặc biệt trong những giai đoạn cần thu hút trở lại và ổn định nguồn lao động cho ngành, giảm tiền thuê đất của nhà nước...
Ba là, về bài toán người lao động, đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hỗ trợ ngành du lịch theo hướng bỏ các yêu cầu, giấy tờ chứng minh mức độ thiệt hại hoặc mức độ cắt giảm lao động của doanh nghiệp, hoặc giấy tờ chứng minh “không đủ kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng lao động” vì toàn ngành du lịch đã và đang là nhóm chịu thiệt hại nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19 theo kết quả mọi nghiên cứu của Chính phủ/bộ ngành đầu mối hoặc các báo cáo độc lập thời gian qua. Đồng thời xem xét hỗ trợ trực tiếp tiền đào tạo cho doanh nghiệp để doanh nghiệp chủ động quyết định, thực hiện các phương thức đào tạo phù hợp
Bốn là, về bài toán mở cửa du lịch và du lịch quốc tế an toàn, điều hết sức quan trọng là có một kế hoạch khả thi nhưng linh hoạt và rõ ràng. Do đó, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chủ trì thảo luận, đối thoại, bàn thảo quanh chiến lược, lộ trình mở cửa du lịch Việt Nam (cả nội địa và quốc tế), căn cứ vào đó, xác lập và giao trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, địa phương liên quan, đồng thời giao vai trò cho cả khu vực doanh nghiệp để tiến trình mở cửa diễn ra khả thi, an toàn, hiệu quả.