Định hướng phát triển du lịch của huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây. Ảnh: Sontay.gov |
Ba Vì là huyện phía Tây của Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 53 km với vẻ đẹp "sơn thủy hữu tình" khi có thác, có suối, có rừng nguyên sinh đẹp và thơ mộng với trung tâm là ngọn núi Ba Vì cao 1.296 m, cùng hệ động thực vật phong phú, quý hiếm.
Sơn Tây là mảnh đất trung tâm của xứ Đoài xưa với bề dày các di tích lịch sử như làng cổ ở Đường Lâm, đền Và, Thành cổ Sơn Tây cùng nhiều cảnh quan và du lịch sinh thái, điển hình và nổi tiếng nhất là hồ Đồng Mô - hồ chứa nước rộng khoảng 200ha với nhiều đảo và bán đảo bên hồ.
Với những tiềm năng du lịch sẵn có, tại hội thảo lấy ý kiến về phương án phát triển thị xã Sơn Tây và các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng nhằm tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hai khu vực này được đề xuất kết hợp thành “Thành phố” du lịch vùng thủ đô Ba Vì - Sơn Tây, trong đó Sơn Tây là cửa ngõ - Ba Vì là trung tâm là cực phát triển của Hà Nội và trung tâm du lịch mới vùng Bắc Bộ.
Trong đó, tập trung khai thác hành lang kinh tế, đô thị, du lịch, nông nghiệp dọc tuyến sông Đà - sông Hồng. Hình thành các trung tâm dịch vụ sản xuất nông nghiệp, cụm đổi mới hỗ trợ các vùng nông nghiệp nông thôn, tập trung chủ yếu tại Ba Vì, Phúc Thọ.
Riêng Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ phát triển mô hình đô thị sinh thái, đô thị nghỉ dưỡng, đô thị nông nghiệp, còn Đan Phượng phát triển mô hình đô thị nén, TOD phía Đông Vành đai 4…
Nhằm gia tăng liên kết vùng tại khu vực này, tại hội thảo ngày 11/8, các đại biểu đề xuất xây dựng tuyến đường sắt đô thị kết nối tới đô thị vệ tinh Sơn Tây và kết nối tới trung tâm du lịch huyện Ba Vì - đô thị Tản Viên Sơn.
Đóng góp ý kiến về định hướng phát triển trên, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Ngô Đình Ngũ cho rằng, tại thị xã có một “điểm nghẽn” hết sức quan trọng là vấn đề môi trường ở bãi rác Xuân Sơn và 3 sân golf của hồ Đồng Mô.
Hơn nữa, trong quy hoạch lần này, Sơn Tây mong muốn làm sống dậy dòng sông Tích, sông Hang chảy qua khu vực và cả hồ Đồng Mô, hồ Xuân Khanh nhằm phát huy giá trị cảnh quan.
Do vậy, trong định hướng quy hoạch, Sơn Tây mong muốn thành phố Hà Nội quan tâm, tích hợp các dự án lớn về du lịch trên địa bàn như các dự án tại hồ Xuân Khanh, xung quanh hồ Đồng Mô và bổ sung các không gian du lịch ở hai bên bờ sông Tích; mở rộng tuyến phố đi bộ, bổ sung thêm các tuyến đường 414B, 417, thành cổ Sơn Tây, đền Và, đền Ngô Quyền…