Thông tin trên được lãnh đạo BIDV chia sẻ tại buổi làm việc giữa Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cùng các cán bộ chủ chốt của ngân hàng này chiều hôm qua, 11/7/2024.
Theo các báo cáo tình hình hoạt động kinh doanh của BIDV trong 6 tháng đầu năm 2024, BIDV đã đạt kết quả huy động vốn tăng 5,5% so với cuối năm 2023. Tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 28/6 đạt 5,83%, ước tính rằng dư nợ tín dụng của BIDV đã tăng thêm hơn 100.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023, bằng khoảng 1/8 tăng trưởng dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế trong nửa đầu năm.
Trước đó, chia sẻ tại "Hội nghị trực tuyến toàn ngành về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024" ngày 19/6, Tổng giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm thông tin rằng, tăng trưởng tín dụng của BIDV cập nhật hết ngày 17/6 đạt 4,7%, tương ứng dư nợ 1,87 triệu tỷ đồng, tăng 81.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Như vậy, chỉ trong vòng 10 ngày (từ 18/6 đến 28/6), dư nợ tín dụng của BIDV đã tăng thêm gần 20.000 tỷ đồng. |
Về kết quả triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN đến 31/5/2024 nợ gốc và lãi lũy kế được cơ cấu tại BIDV là 49.174 tỷ đồng cho 1.609 lượt khách hàng.
Ông Phan Đức Tú – Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV phát biểu tại buổi làm việc |
Phát biểu tại buổi làm việc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, BIDV đã và đang từng bước phát triển bền vững, toàn diện cả về quy mô và chất lượng dịch vụ.
Tuy nhiên, trước bối cảnh thị trường còn nhiều biến động khó lường, Thống đốc yêu cầu ban lãnh đạo các cấp của BIDV tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống ngân hàng nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động và triển khai nghiêm túc, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao, đặc biệt là các nhiệm vụ, giải pháp tại các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN.
Trong đó, ban lãnh đạo BIDV cần đặc biệt quan tâm chỉ đạo toàn hệ thống BIDV triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng, giảm lãi suất cho vay, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và NHNN, đảm bảo hiệu quả, thực chất.
Tăng cường trao đổi, làm việc với khách hàng vay vốn để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc và phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các địa phương tháo gỡ, xử lý. Đồng thời, chú trọng làm tốt công tác truyền thông về những kết quả BIDV đã đạt được, những khó khăn, thách thức và những vấn đề cần các cấp, các ngành, các địa phương, các hiệp hội ngành nghề… cùng chung tay tháo gỡ.
Thường xuyên rà soát tổng thể các mặt hoạt động để kịp thời nhận diện các rủi ro, phát hiện sai phạm và triển khai các giải pháp phòng ngừa, cảnh báo, xử lý nghiêm túc, đúng quy định. Trên cơ sở đó, thường xuyên rà soát, hoàn thiện các quy định, quy trình nội bộ cho phù hợp với yêu cầu hoạt động, các quy định hiện hành và kiểm tra, chấn chỉnh việc thực hiện các quy định, quy trình này nhằm phòng ngừa hiệu quả các rủi ro, vi phạm.
Mặt khác, triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, lộ trình cụ thể để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 của BIDV và Đề án 689, phấn đấu nằm trong Top 100 ngân hàng lớn mạnh nhất trong khu vực châu Á.
Trong đó, Thống đốc giao BIDV quyết liệt triển khai các phương án tăng vốn điều lệ, vốn tự có nhằm nâng cao năng lực tài chính; đẩy mạnh công tác thu hồi, xử lý nợ xấu và phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; tiếp tục triển khai các giải pháp phát triển ngân hàng xanh như một ưu tiên cốt lõi trên tất cả các lĩnh vực kinh doanh.