Đến năm 2025, kinh tế tư nhân có thể đóng góp 55% vào GDP quốc gia

KINH TẾ Việt nAM
13:44 - 02/04/2023
Ảnh: DNVN
Ảnh: DNVN
0:00 / 0:00
0:00
Nhìn nhận tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân có xu hướng giảm, nhưng TS. Cấn Văn Lực khẳng định khu vực này đã và đang là động lực quan trọng của nền kinh tế và kỳ vọng đến năm 2025 nâng mức đóng góp lên 55% có thể đạt được.

Ngày 2/4, Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần II năm 2023 diễn ra với chủ đề "Để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế" do Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam (VPBA) tổ chức.

Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 45/NQ-CP Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia khẳng định, sau gần 40 năm đổi mới, đến nay khu vực kinh tế tư nhân đã có nhiều thương hiệu mạnh, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, lan tỏa trong hầu hết các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, như công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng, sản xuất lắp ráp ô tô, vận tải hàng không, tài chính - ngân hàng, bất động sản, CNTT...

Bước đầu đã hình thành được một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, hoạt động đa ngành, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Khu vực kinh tế tư nhân đã và đang là động lực quan trọng của nền kinh tế, thể hiện qua những con số cụ thể. Trong cơ cấu GDP giai đoạn 2016-2021, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp bình quân khoảng gần 46%. Như vậy, đến năm 2025 mà mong muốn nâng mức đóng góp lên 55% thì tôi hy vọng là có thể được, nhưng tất nhiên cần phấn đấu.

TS. Cấn Văn Lực

Về số lượng, khu vực kinh tế tư nhân chiếm khoảng 98% tổng số trên 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động; chiếm khoảng 85% tổng số lao động cả nước, tính cả thành phần kinh tế cá thể.

Đặc biệt, kinh tế tư nhân đóng góp lớn vào NSNN từ 13,88% năm 2016 đến 18,5% tổng thu ngân sách năm 2021 và chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu, gấp gần 7 lần về nhập khẩu và 10 lần về xuất khẩu so với khu vực doanh nghiệp Nhà nước.

Nguồn vốn từ khu vực kinh tế tư nhân cũng đóng góp lớn cho phát triển kinh tế xã hội, đóng góp trong vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ 51,3% năm 2016 lên đến 59,5% năm 2021.

Kinh tế tư nhân chủ yếu quy mô nhỏ và siêu nhỏ

Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp, TS. Cấn Văn Lực chỉ ra 5 hạn chế của khu vực kinh tế tư nhân.

Một là, đa số là kinh tế hộ kinh doanh chiếm tới 94% số lượng với trình độ công nghệ, năng lực quản trị, tài chính, chất lượng sản phẩm còn thấp; cơ cấu ngành nghề còn bất hợp lý, liên kết rời rạc.

Hai là, năng lực hội nhập và cạnh tranh kinh tế quốc tế còn hạn chế, mức độ tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu ở mức thấp.

Ba là, tình trạng vi phạm pháp luật và cạnh tranh không lành mạnh trong khu vực kinh tế tư nhân chưa giảm gây ô nhiễm môi trường, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, gian lận thương mại, trốn thuế, buôn lậu, không đảm bảo lợi ích của người lao động, nợ bảo hiểm xã hội….

Bốn là, chưa thực sự chú trọng đầu tư công nghệ, R&D hay ứng dụng công nghệ thông tin.

Hạn chế thứ năm được vị chuyên gia này nhấn mạnh là tình trạng "luôn thiếu vốn". TS. Lực nhấn mạnh nguyên nhân là do doanh nghiệp Việt Nam còn chưa đa dạng hóa nguồn vốn, phụ thuộc nhiều vào vốn ngân hàng; phần khác là chưa quan tâm thích đáng đến quản lý tài chính, huy động vốn từ thị trường vốn chưa bài bản, thiếu minh bạch, sử dụng vốn còn sai mục đích, đầu tư dàn trải, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao, thiếu tài sản đảm bảo, phương án kinh doanh khả thi... Thậm chí còn vi phạm nghiêm trọng về công bố thông tin, thao túng giá chứng khoán.

Cần cơ chế "khuyến khích" hộ kinh doanh nâng cấp thành doanh nghiệp siêu nhỏ

Nhằm nâng cao đóng góp quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân, hướng tới để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế, trong khuôn khổ Diễn đàn, TS. Cấn Văn Lực đưa ra một số khuyến nghị.

Theo chuyên gia, cần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững, bao trùm; chú trọng kiến tạo để các thị trường phát triển hài hòa, thông suốt, lành mạnh và bền vững. Hoàn thiện thể chế, cải thiện thực chất, mạnh mẽ môi trường đầu tư - kinh doanh.

Xây dựng cơ chế, chính sách và cách làm phù hợp để "khuyến khích" hộ kinh doanh nâng cấp thành doanh nghiệp siêu nhỏ.

Xây dựng, hoàn thiện bộ tiêu chí về đạo đức kinh doanh, về doanh nhân tiêu biểu, phát triển bền vững; Hoạt động của các hiệp hội cần được nâng tầm, thiết thực, hiệu quả hơn nữa. Muốn vậy, bản thân các hiệp hội cần quan tâm nâng cao chất lượng và hiệu quả của tổ chức, bộ máy, quy trình và phương thức hoạt động,...

Đối với doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp, TS. Lực cũng lưu ý phải nhận thức đúng, đầy đủ, sâu sắc về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của doanh nhân, doanh nghiệp của mình trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước.

Quan tâm xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp, có chính sách rõ ràng, nhất quán để hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc xây dựng và phát triển văn hoá trong doanh nghiệp; Đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin tại doanh nghiệp, xây dựng chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có cấu phần về chuyển đổi số và nhất quán thực thi.

Chú trọng nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, quản trị kinh doanh và quản trị rủi ro; Chủ động hợp tác, liên kết, tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong nước và khu vực. Tích cực tham gia trong kiến tạo và phát triển môi trường đầu tư - kinh doanh thuận lợi, công bằng thông qua đóng góp các ý kiến, phản biện chính sách để góp phần hoàn thiện và thực thi thể chế.

Tin liên quan

Đọc tiếp