Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters |
RT đưa tin, trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình ATV ngày 10/5, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã đưa ra các bình luận về cáo buộc của ICC đối với Tổng thống Nga Putin và bà Maria Lvova Belova, Ủy viên Tổng thống về Quyền Trẻ em tại Nga.
“Khi ICC ra trát bắt giữ, họ nghĩ rằng có thể có những quốc gia thiếu chính kiến muốn hành động theo lệnh đó nếu họ có cơ hội. Nhưng thật khó có thể tưởng tưởng rằng có ai dám hành động theo lệnh chống lại Tổng thống Nga”, ông Peskov tuyên bố.
“Thật khó có thể tưởng tượng”, ông nói, đồng thời nhấn mạnh rằng Nga là “một trong những quốc gia lớn nhất trên thế giới và là một trong những cường quốc hạt nhân lớn nhất”.
“Trong hoàn cảnh hiện tại, chúng tôi coi cơ quan đó trên thực tế là một con rối của tập thể phương Tây, được sử dụng để gây áp lực lên đất nước chúng tôi. Họ sẽ không thành công”, ông Peskov tuyên bố.
Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ngày 17/3 đã ban hành trát bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ủy viên Tổng thống về Quyền Trẻ em tại Nga Maria Lvova Belova, với cáo buộc có liên quan đến việc "trục xuất bất hợp pháp" trẻ em Ukraine từ các khu vực của Ukraine sang Nga.
Về lý thuyết, trát bắt giữ yêu cầu 123 thành viên của ICC bắt giữ Tổng thống Nga và giao nộp ông đến Den Haag để xét xử nếu ông đặt chân lên lãnh thổ của các nước này. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực thi hay không còn tùy thuộc vào mỗi quốc gia với những lý do khác nhau.
Chính phủ Nga đã phản đối kịch liệt các cáo buộc này, đồng thời khẳng định việc này là nhằm sơ tán trẻ em khỏi những nơi bị quân đội Ukraine pháo kích, chủ yếu là tại khu vực Donbass có nhiều người nói tiếng Nga.
Chủ tịch Quốc hội Nga Vyacheslav Volodin khi đó cảnh báo Moscow coi “bất kỳ cuộc tấn công nào nhắm vào Tổng thống Liên bang Nga là một hành vi xâm lược quốc gia”. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng "về mặt pháp lý, các quyết định của ICC không có ý nghĩa gì đối với Nga" và lệnh này "vô hiệu về mặt pháp lý và vô giá trị".
Mặc dù Nga là một trong những nước ký kết Quy chế Rome năm 1998 - tài liệu thành lập ICC, nhưng nước này chưa bao giờ phê chuẩn hiệp ước để trở thành thành viên và chính thức rút khỏi hiệp ước vào năm 2016. Do vậy, Moscow không công nhận quyền thực thi pháp lý của tòa án này và coi tất cả các tuyên bố chính thức của cơ quan trên là không có giá trị và không có hiệu lực về mặt pháp lý.