Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Pool |
Ngoài việc ra trát bắt giữ đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ICC cũng ban hành lệnh truy nã đối với bà Maria Lvova-Belova, Ủy viên Quyền trẻ em của Nga, với cáo buộc tương tự.
Theo Reuters, động thái của ICC đã gây ra phản ứng dữ dội từ Moscow. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 17/3 cho biết, Nga nhận thấy chính những động thái mà ICC đưa ra là "thái quá và không thể chấp nhận được".
Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nga Vyacheslav Volodin cũng bày tỏ thái độ phản đối trên kênh Telegram của mình khi ông tuyên bố, Nga coi “bất kỳ cuộc tấn công nào nhắm vào Tổng thống Liên bang Nga là một hành vi xâm lược quốc gia”.
Hãng tin Tass trích lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova gọi quyết định của ICC là "một hành động vô nghĩa" và không dựa trên bất kỳ cơ sở pháp lý nào. "Nga không phải là một bên của Quy chế Rome về ICC nên chúng tôi không có nghĩa vụ gì với tòa đó cả", bà Zakharova nhấn mạnh.
Mặc dù Nga là một trong những nước ký kết Quy chế Rome - tài liệu thành lập ICC - nhưng nước này chưa bao giờ phê chuẩn hiệp ước để trở thành thành viên và chính thức rút khỏi hiệp ước vào năm 2016. Theo hãng tin RT, ngoài Nga, Israel, Sudan và Mỹ cũng là các quốc gia đã rút lại chữ ký. Quốc hội Mỹ năm 2002 đã thông qua luật cấm bất kỳ sự hợp tác nào với ICC và cho phép “tất cả các biện pháp cần thiết và phù hợp” để thả bất kỳ người Mỹ nào – hoặc công dân của một quốc gia đồng minh – bằng vũ lực nếu cần thiết.
Trong khi đó, Nga từng nhiều lần phủ nhận các cáo buộc phạm tội ác chiến tranh mà Ukraine và phương Tây đưa ra.