Cần bằng lái hạng nào để điều khiển ô tô điện?
Về cơ bản, xe ô tô điện là loại xe hơi 4 bánh gắn động cơ, chỉ khác là dùng động cơ điện thay cho động cơ chạy bằng xăng hoặc bằng dầu (động cơ đốt trong).
Tại Khoản 1, Điều 3. Thông tư 86/2014 của Bộ Giao thông vận tải quy định: “xe chở người bốn bánh có gắn động cơ là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chạy bằng động cơ, có kết cấu để chở người, hai trục, ít nhất bốn bánh xe, vận tốc thiết kế lớn nhất không vượt quá 30 km/h, số chỗ ngồi tối đa không quá 15 chỗ (kể cả chỗ ngồi của người lái)”.
Đối với loại xe này, điều kiện đối với người điều khiển xe là phải có giấy phép lái xe từ hạng B1 trở lên, theo quy định tại Thông tư 12/2017 của Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ và tuân thủ theo quy định tại Điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Như vậy, việc điều khiển xe ô tô chạy điện các loại vẫn cần phải có bằng lái như điều khiển xe ô tô có động cơ đốt trong.
Mặt khác, xe có động cơ chạy điện vẫn còn khá mới mẻ so với phần lớn người dân, có những cải tiến như vận hành êm ái, không gây ra tiếng ồn,... Điều này ở một khía cạnh nào đó lại gây bất tiện cho những người có thói quen lái xe dựa vào cảm nhận về tiếng gầm và độ rung của động cơ.
Bên cạnh đó, động cơ điện có mô-men xoắn cực đại có thể đạt được ngay từ khi khởi động, giúp xe tăng tốc trong một khoảng thời gian cực ngắn và không có độ trễ như xe ô tô có động cơ đốt trong truyền thống. Điều này có thể khiến xe bị tăng tốc đột ngột và mất lái nếu người điều khiển không có kỹ năng tốt.
Lần đầu tiên có công ty đào tạo, sát hạch lái xe thuần điện
Nhận diện được những tình huống và nhu cầu trên, ngày 24/10/2024, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng công bố thành lập CTCP VinDT, cung cấp dịch vụ đào tạo và sát hạch lái xe thuần điện đầu tiên tại Việt Nam.
Không chỉ giúp phổ cập kỹ năng lái xe ô tô điện một cách dễ dàng cho đông đảo người dân, VinDT còn tạo cơ hội tiếp cận, tìm hiểu và học cách làm chủ những chiếc ô tô điện thông minh, qua đó thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng giao thông xanh tại Việt Nam.
Mẫu xe VinFast được thiết kế riêng cho việc đào tạo, thực hành lái xe tại VinDT. Nguồn: VinFast. |
Với việc sử dụng 100% xe điện VinFast trong đào tạo và thực hành, học viên của VinDT sẽ được trang bị những kiến thức, kỹ năng đúng về xe điện, hiểu rõ những ưu điểm của xe điện so với xe xăng/dầu, từ đó hình thành thói quen sử dụng xe điện để di chuyển và đóng góp vào công cuộc chuyển đổi xanh của đất nước.
Đặc biệt, việc phổ cập kỹ năng lái xe điện cũng sẽ giúp mở ra một cơ hội nghề nghiệp mới với thu nhập ổn định, môi trường làm việc văn minh, chuyên nghiệp cho một bộ phận người lao động phổ thông, nhờ sự hợp tác chiến lược giữa VinDT và CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh GSM. Theo đó, nếu học viên có nhu cầu, VinDT sẽ làm cầu nối để học viên có cơ hội trở thành tài xế taxi Xanh SM.
Bà Nguyễn Hương Giang, Tổng Giám đốc Công ty VinDT cho biết, xe điện đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam và là xu thế không thể đảo ngược. "Đó chính là lý do VinDT ra đời, nhằm mang đến cơ hội tiếp cận và học kỹ năng lái xe ô tô điện bài bản cho đông đảo người dân. Đây sẽ là khởi đầu cho hành trình di chuyển điện hóa của mỗi cá nhân, giúp nâng tầm chất lượng cuộc sống và đóng góp thiết thực cho quá trình phát triển bền vững của đất nước,” bà Giang khẳng định.
Theo kế hoạch, VinDT sẽ tiến hành tuyển dụng giáo viên và tuyển sinh học viên ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam ngay trong năm nay nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của người dân cả nước. Với mục tiêu trở thành đơn vị đào tạo lái xe thuần điện đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam, VinDT dự kiến sẽ phát triển quy mô lên đến 20 cơ sở trên cả nước.