Ngày 12/8, đoàn đã khảo sát di tích quốc gia đặc biệt Nhẫm Dương, di tích quốc gia đặc biệt Kính Chủ (thị xã Kinh Môn), nghe giới thiệu sơ lược về các di tích và hệ thống phân vùng bảo vệ di tích Kính Chủ - Nhẫm Dương.
Đoàn chuyên gia ICOMOS nghe giới thiệu sơ lược về các di tích Nhẫm Dương, Kính Chủ (thị xã Kinh Môn). |
Ngày 13/8, đoàn khảo sát di tích quốc gia đặc biệt Kiếp Bạc, di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn và di tích quốc gia chùa Thanh Mai (thành phố Chí Linh).
Đoàn nghe giới thiệu về hệ thống di vật khảo cổ tại chùa Nhẫm Dương (thị xã Kinh Môn). |
Tại buổi làm việc, nhiều vấn đề chuyên gia ICOMOS quan tâm đã được các chuyên gia, nhà khoa học trong nước, lãnh đạo các cấp của tỉnh Hải Dương, Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc và các cơ quan liên quan làm rõ, như mối liên hệ giữa các di tích tại tỉnh Hải Dương với các khu di tích tại tỉnh Quảng Ninh; tính xác thực toàn vẹn và giá trị nổi bật toàn cầu của các di tích; công tác khoanh vùng, cắm mốc, cũng như hiện trạng bảo tồn các giá trị gốc của di tích; quy chế, kế hoạch quản lý di sản đề cử và định hướng phát huy di sản đề cử của địa phương…
Đoàn chuyên gia ICOMOS nghe giới thiệu sơ lược về di tích Kiếp Bạc (thành phố Chí Linh). |
Đoàn đến xem các hồ sơ liên quan được tỉnh Hải Dương lưu trữ tại di tích Kiếp Bạc. |
Sau khi thực địa các di tích, ông Ratish Nanda, chuyên gia ICOMOS đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc khoanh vùng bảo vệ di tích. Ông Ratish Nanda nhấn mạnh, cần cắm mốc giới vùng được bảo vệ, thể hiện rõ hơn thành phần nhà ở, cánh đồng để bản đồ sát với thực tế…
Đoàn nghe giới thiệu sơ lược về di tích Côn Sơn (thành phố Chí Linh). |
Đây là lần thẩm định có ý nghĩa quan trọng của đoàn chuyên gia ICOMOS. Báo cáo đánh giá của đoàn là một trong những cơ sở quan trọng để UNESCO xem xét, công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản thế giới.
Ông Ratish Nanda, chuyên gia ICOMOS (áo dài, đứng giữa) bày tỏ rất tâm đắc về hệ thống di vật, kiến trúc, cảnh quan… tại khu di tích Côn Sơn. |
Trước đó, các đoàn chuyên gia UNESCO đã nhiều lần về tỉnh Hải Dương khảo sát, tư vấn việc xây dựng hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trở thành di sản thế giới.
Các đại biểu trải nghiệm và thưởng thức trà sen Kiếp Bạc tại khu di tích Côn Sơn. |
Hồ sơ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là hồ sơ đầu tiên nằm trên địa bàn 3 tỉnh (Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương) với 20 điểm, cụm điểm di tích, trong đó có một di tích quốc gia, 7 di tích quốc gia đặc biệt.
Việc xây dựng hồ sơ công nhận di sản thế giới cho quần thể di tích được khởi động năm 2013 nhưng sau đó phải tạm dừng để bổ sung, chứng minh các tiêu chí theo yêu cầu của UNESCO, gồm giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn và xác thực.
Đoàn chuyên gia ICOMOS đến thực địa tại chùa Thanh Mai (thành phố Chí Linh). |
Năm 2020, các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương tổ chức 6 hội nghị, hội thảo quốc tế, khai quật khảo cổ tại 9 điểm di tích và triển khai hàng loạt đề tài nghiên cứu nhằm xác định giá trị, bổ sung hồ sơ di sản. Đầu năm 2024, hồ sơ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được trình lên UNESCO để xét công nhận di sản thế giới.
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc nổi bật ở châu Á và trên thế giới với vị thế là nơi khai sinh Phật giáo Trúc Lâm độc đáo của Việt Nam, đồng thời là quê hương của họ Trần - dòng họ vào các thế kỷ XIII - XIV đã tạo dựng nên một trong những triều đại quân chủ rực rỡ nhất trong lịch sử Việt Nam.
Bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn và chặt chẽ giữa tư tưởng tôn giáo và quyền lực nhà nước, các lãnh tụ của Phật giáo Trúc Lâm và các vua Trần đã làm thay đổi đời sống tinh thần, xã hội, kinh tế, chính trị và quân sự của đất nước, tạo nên một quốc gia Đại Việt vững mạnh và có chủ quyền.
Mối liên hệ hài hòa giữa con người và môi trường được thể hiện qua việc bố trí các công trình tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh ở những nơi có đặc điểm địa chất, địa hình thuận lợi, sẵn có tài nguyên thiên nhiên phục vụ sinh hoạt, đồng thời bảo đảm an toàn trước thiên tai, địch họa. Sự hiểu biết sâu sắc về các đặc điểm địa hình, thủy văn, chế độ thủy triều và thời tiết cũng góp phần vào sự phát triển, an ninh quốc phòng của đất nước.
Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương; lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương; lãnh đạo UBND thành phố Chí Linh và một số cơ quan liên quan tiếp và làm việc với đoàn. |
Cũng theo nguồn tài liệu liên quan, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là một cảnh quan văn hóa dạng chuỗi liên hoàn, tiến triển hữu cơ tại vùng Đông Bắc Việt Nam. Khu di sản chủ yếu là vùng miền núi nhưng cũng trải rộng xuống vùng ven biển. Khu di sản có 20 bộ phận cấu thành, diện tích tổng cộng 628,488 ha với các vùng đệm bao gồm các khu rừng, đất nông nghiệp nông thôn và một số khu vực dân cư nhỏ với tổng diện tích là 5.838,26 ha.
Các thuộc tính nổi bật của Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là có nhiều khu khảo cổ học và các công trình tín ngưỡng, tôn giáo thờ Phật, các vị thần và anh hùng dân tộc hoặc chứng kiến các sự kiện lịch sử đặc biệt. Dù đã tồn tại hơn 7 thế kỷ, nhưng quẩn thể này vẫn tiếp tục là những di sản văn hóa sống động cho đến tận ngày nay.