Ảnh minh họa: Hà Anh - Mekong ASEAN. |
CNBC dẫn số liệu của PitchBook, trong năm 2023, các nhà đầu tư đã "bơm" hơn 29 tỷ USD vào gần 700 giao dịch AI tạo sinh, tăng hơn 260% so với năm trước đó.
Ông Fred Havemeyer, Giám đốc bộ phận nghiên cứu phần mềm và AI của Macquarie chi nhánh Mỹ cho rằng, một phần trong số hơn 29 tỷ USD đến từ các công ty công nghệ chứ không phải là các nhà đầu tư mạo hiểm hoặc tổ chức khác. Hội chứng sợ bỏ lỡ (FOMO) là một yếu tố thúc đẩy quyết định họ.
"Các công ty công nghệ chắc chắn không muốn bỏ lỡ cơ hội trở thành một phần của hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo. Tôi nghĩ là do họ sợ bị bỏ lỡ (FOMO) cơ hội này," ông Fred nói.
Giới chuyên gia cho rằng, sự ra đời của ChatGPT, một chatbot AI do OpenAI phát triển và ra mắt vào tháng 11/2022, đã châm ngòi cho một cuộc chạy đua công nghệ giữa các công ty công nghệ để tung ra những công cụ trí tuệ nhân tạo tạo sinh tương tự.
Điển hình, khoản đầu tư 2,75 tỷ USD của Amazon vào startup AI Anthropic là thương vụ liên doanh lớn nhất từ trước tới nay của hãng. Đây là một minh chứng mới nhất về cơn sốt AI khiến các công ty công nghệ lớn đẩy mạnh đầu tư vào trí tuệ nhân tạo.
Anthropic là nhà phát triển mô hình AI Claude, cạnh tranh với ChatGPT của OpenAI và Gemini của Google. Từ Meta đến Apple, tất cả đều đang chạy đua để tích hợp trí tuệ nhân tạo vào danh mục sản phẩm và tính năng để đảm bảo họ không bị tụt hậu trong thị trường này.
Hầu hết mọi tổ chức, doanh nghiệp đều muốn đầu tư và triển khai công nghệ trí tuệ nhân tạo vào hoạt động kinh doanh nhằm cải thiện sản phẩm và dịch vụ của họ.
Bà Frances Karamouzis, Phó Chủ tịch bộ phận phân tích của Gartner nhận định, cơn sốt AI dường như không có dấu hiệu suy giảm, đặc biệt là khi các tổ chức đang tìm cách đầu tư vào những giải pháp AI đột phá để giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn của công nghệ mới nổi này.
Tuy nhiên, các chuyên gia công nghệ cũng cảnh báo rằng, các nhà đầu tư hay công ty công nghệ nên cẩn trọng trước những tác động tiềm ẩn khi ứng dụng công nghệ AI.
"Khi bắt đầu phát triển và triển khai AI, các tổ chức sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về độ tin cậy, rủi ro, an ninh, quyền riêng tư và đạo đức," chuyên gia Frances Karamouzis chia sẻ.
Chính phủ nhiều nước đã yêu cầu các tổ chức, công ty áp dụng phương pháp đảm bảo tính đạo đức khi triển khai các giải pháp AI. Một minh chứng rõ nét, Nhà Trắng yêu cầu các công ty công nghệ hàng đầu như Microsoft và Google phải có trách nhiệm pháp lý để đảm bảo an toàn cho các sản phẩm AI của họ trước khi ra mắt công chúng, cũng như trong công cuộc bảo vệ xã hội trước những mối nguy hại tiềm tàng mà trí tuệ nhân tạo có thể gây ra.