Doanh nghiệp FDI muốn đóng góp vào quy hoạch điện VIII thông qua hợp tác PPP

NĂNG LƯỢNG Hợp Tác
20:22 - 19/03/2023
Toàn cảnh Diễn đàn VBF 2023. Ảnh: Quách Sơn.
Toàn cảnh Diễn đàn VBF 2023. Ảnh: Quách Sơn.
0:00 / 0:00
0:00
Tại Diễn đàn VBF thường niên 2023, ngày 19/3, doanh nghiệp các hiệp hội nước ngoài dành nhiều sự quan tâm đến tiến trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam, đặc biệt là quy hoạch điện VIII và bày tỏ mong muốn được chung tay thông qua hợp tác công tư.

Nhằm đóng góp vào quá trình phục hồi kinh tế và phát triển chuỗi cung ứng trong bối cảnh bình thường mới của Việt Nam, ông Nagaoka Teketoshi, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) tại Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển của cơ sở hạ tầng năng lượng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cao.

VBF và JCCI đã đề xuất với Bộ trưởng Công Thương về dự thảo tổng sơ đồ phát triển điện VIII. Trong đó, JCCI mong muốn hợp tác thông qua xúc tiến đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhằm giúp công tác điện ổn định và chuyển đổi năng lượng thực tế

Theo ông Nagaoka Teketoshi để tăng cường chuỗi cung ứng, cần tích cực cải thiện cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, bao gồm: Điện, đường và cảng, từ quan điểm trung đến dài hạn.

Ảnh: VGP

Ảnh: VGP

"Về sự phát triển này, JCCI mong muốn rằng cả khu vực Nhà nước và tư nhân đều chia sẻ rủi ro theo cơ chế đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP. Tài chính được thiết lập kịp thời và đầu tư được thực hiện".

Ông Nagaoka Teketoshi, Chủ tịch JCCI

Tương tự như JCCI, Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam cũng mong muốn Việt Nam sớm hoàn thiện Quy hoạch điện VIII. Ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh quốc tại Việt Nam (BRITCHAM) đề xuất Chính phủ Việt Nam ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo để giảm thiểu tác động tiêu cực của sản xuất điện đối với môi trường.

Ảnh: VGP

Ảnh: VGP

"Chúng tôi vui mừng khi chứng kiến Việt Nam và các đối tác quốc tế, bao gồm Liên minh châu Âu, Chính phủ các nước: Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Italy, Canada, Nhật Bản, Đan Mạch và Na Uy, đã đạt được thỏa thuận lịch sử về Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng vào ngày 14/12/2022”.

Ông Kenneth Atkinson, Chủ tịch BRITCHAM

Theo ước tính, nguồn lực tài chính cần thiết để thực hiện mục tiêu thỏa thuận vào khoảng 15 - 16 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2030. Đây là con số tương đối lớn, đòi hỏi phải có sự phối hợp đối tác công tư.

“Doanh nghiệp Anh quốc đã nhìn nhận rõ và hành động cụ thể hơn theo định hướng của Chính phủ. Một số ngân hàng đã cam kết hỗ trợ thu xếp nguồn vốn trực tiếp và gián tiếp cho các dự án, doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam: Ngân hàng Standard Chartered đã ký Biên bản ghi nhớ cam kết tài trợ 8,5 tỷ USD và ngân hàng HSBC đã cam kết tài trợ 12 tỷ USD đến năm 2030”, ông Kenneth Atkinson cho biết.

Quy hoạch điện VIII: 3 mục tiêu song hành nhiều thách thức

Đại diện Bộ Công Thương phản hồi về các ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp FDI, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết,việc phát triển năng lượng một cách bền vững, bảo đảm nhu cầu năng lượng của nền kinh tế và người dân được Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm.

Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đang yêu cầu Bộ Công Thương sớm hoàn thiện Quy hoạch Điện VIII và Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Các mục tiêu chính trong 2 quy hoạch quan trọng này bao gồm: Bảo đảm an ninh năng lượng; thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng một cách mạnh mẽ để đạt mục tiêu các cam kết vào 2050; đặc biệt cần phải bảo đảm tiếp cận năng lượng của nền kinh tế và người dân với một chi phí hợp lý.

Ảnh: Quách Sơn

Ảnh: Quách Sơn

"Đây là 3 mục tiêu song hành và rất thách thức. Tuy nhiên chúng tôi đang xây dựng các chương trình rất nghiêm túc để thực hiện các mục tiêu này. Các chủ đề được đề cập tại diễn đàn đều là các vấn đề mà Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Công Thương xây dựng và trong thời gian tới”.

Thứ trưởng Công Thương Đặng Hoàng An

Đó là các vấn đề liên quan đến Chính sách phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió ngoài khơi hay chính sách liên quan đến pin lưu trữ năng lượng, công nghệ Halogen, công nghệ Amoniac… và các chính sách cho tiết kiệm năng lượng hiệu quả, điện mặt trời áp mái, tự sản tự tiêu.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng chia sẻ về 3 dự luật quan trọng mà Thủ tướng đang chỉ đạo Bộ Công Thương thực hiện.

Thứ nhất là sửa đổi Luật Điện lực, hai là sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ba là xây dựng mới một luật về năng lượng tái tạo và phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo nội địa, bảo đảm nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế và giảm giá thành sản xuất điện năng.

Hoan nghênh những gì Việt Nam đang làm trên lộ trình chuyển đổi năng lượng, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam cho biết, về quy hoạch điện VIII, World Bank sẽ cùng Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch huy động tài chính cho nguồn đầu tư.

"Về giá các dự án mua sắm đấu thầu cho năng lượng tái tạo. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra nhiều gợi ý để các bên thực hiện có hiệu quả theo hướng 2 bên cùng có lợi", bà Carolyn Turk nói.

Ảnh: VGP

Ảnh: VGP

"Việt Nam cần có khung giá về dịch vụ phụ trợ, đặc biệt là pin hệ thống năng lượng và lưới điện. World Bank khuyến nghị Chính phủ Việt Nam đưa ra khung pháp lý về hỗ trợ nguồn tài chính cho EVN và các doanh nghiệp liên kết”.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc World Bank tại Việt Nam

Bên cạnh đó, bà Carolyn Turk đề cập đến cơ hội tiếp cận thị trường carbon của Việt Nam. “Bộ Tài nguyên và Môi trường đang cân nhắc xây dựng và vận hành thị trường carbon. Chúng tôi rất vui mừng nếu được giúp đỡ Việt Nam về quá trình này trong xây dựng khung pháp lý và nguồn tài chính cần thiết, nhất là đối với thị trường carbon tự nguyện”, Giám đốc World Bank tại Việt Nam bày tỏ.

Tin liên quan

Đọc tiếp