Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị. Ảnh: Anh Thư |
Trong thời gian qua, tình trạng ùn ứ cục bộ tái diễn tại khu vực cửa khẩu ở Lạng Sơn. Theo số liệu TTXVN dẫn thông tin từ Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, trung bình mỗi ngày có khoảng 500 xe hàng hóa mới từ các tỉnh thành lên các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn để chờ xuất khẩu.
Mức tăng vọt này đã gây áp lực lên năng lực thông quan tại các cửa khẩu, do đó gây ùn ứ cục bộ tại một số thời điểm ở các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Trao đổi với Mekong ASEAN, ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết, hiện tình trạng ùn ứ cục bộ tại các cửa khẩu với Trung Quốc đã cơ bản được giải quyết, không còn xe tồn số lượng lớn như những ngày trước.
Trước đó, tại khu vực cửa khẩu Lạng Sơn, những ngày 28/3 - 29/3 đã diễn ra tình hình ùn ứ cục bộ khi xe hàng, đặc biệt là hàng nông sản từ nội địa lên cửa khẩu tăng vọt do đang vào mùa thu hoạch. Mỗi ngày có khoảng 1.000 xe hàng chủ yếu là hoa quả bị tồn tại các cửa khẩu
Tuy nhiên, tình hình này đã được tháo gỡ, đến 20h ngày 3/4, lượng xe tồn tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn là 571 xe, gồm 460 xe hoa quả, 111 xe hàng khác, trong đó, tại cửa khẩu Hữu Nghị là 84 xe, gồm 81 xe hàng hoa quả (container lạnh), 3 xe hàng khác.
Ngay khi xuất hiện tình trạng xe hàng hóa lên cửa khẩu tăng vọt, Ban Quản lý đã trao đổi với phía Trung Quốc và tiến hành kéo thời gian thời gian thông quan mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu thông quan đang tăng cao. Theo đó, thời gian thông quan đã được kéo dài đến 19h, thậm chí hỗ trợ thông quan với hàng nhập khẩu đến 22h.
Đồng thời, các cửa khẩu cũng thực hiện điều tiết, phân luồng cửa khẩu để đảm bảo khả năng lưu thông phương tiện. Tại cửa khẩu Hữu Nghị, phía Trung Quốc đã đồng ý cho xe hàng xuất khẩu đi 1 luồng riêng và 1 đường riêng dành cho xe không của 2 phía đi qua đường xuất nhập cảnh, qua đó đã góp phần giảm được phần nào tình trạng ùn tắc khi lượng xe không phải dồn về cùng 1 khu vực như trước.
Về giải pháp ứng phó lâu dài từ phía doanh nghiệp, bà Chu Thị Phương Dung, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Phát triển 3D Việt Nam cho biết, công ty đã ký kết hợp tác với Tập đoàn đầu tư cửa khẩu Vịnh Bắc Bộ thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc nhằm thiết lập một hệ thống chuỗi dịch vụ logistic với nhiều loại hình giao thông, khơi thông lượng hàng hoá xuất nhập khẩu 2 chiều, nâng cao chất lượng và giảm giá thành dịch vụ.
Từ đó, phát triển kinh tế biên mậu, khôi phục kinh tế 2 nước sau dịch, giải quyết ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu. Tiến tới khai thông cửa ngõ lưu chuyển hàng hóa Việt Trung với khối ASEAN và các nước khác.
Bà Chu Thị Phương Dung, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Phát triển 3D Việt Nam. Ảnh: Anh Thư |
Theo bà Phương Dung, hiện nay phía Trung Quốc quản lý tập trung doanh nghiệp làm dịch vụ tại cửa khẩu để có sự thống nhất trong điều phối và thực hiện thông quan. Trong khi đó tại Việt Nam, có tới hơn 200 doanh nghiệp làm dịch vụ này, dẫn đến khó đồng bộ, khó quản lý. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng ùn ứ cục bộ tại cửa khẩu.
Vì vậy, công ty đã phối hợp với đối tác kiến nghị các giải pháp hướng tới việc xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, trở thành doanh nghiệp đi đầu trong việc cung cấp chuỗi các dịch vụ kinh doanh biên mậu, từng bước giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hoá tại cửa khẩu.
Theo kế hoạch, 2 bên sẽ phối hợp xây dựng cơ sở hạ tầng, trong vòng 3 năm tới sẽ cùng xây dựng hệ thống dịch vụ tổng hợp logistics qua biên giới nhanh chóng và hiệu quả cao giữa hai nước Trung - Việt.
Về đầu tư cơ sở hạ tầng, hai bên cùng triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kho lưu trữ các loại như trạm thông quan nội địa, cảng cạn, kho hải ngoại, cảng biển … dự kiến hoàn thành đầu tư trên 1 tỷ NDT (tương đương 145,6 triệu USD) trong vòng 3 năm.
CTCP Đầu tư Phát triển 3D Việt Nam là công ty đa ngành nghề, trong đó, phát triển cả sản xuất, chế biến hàng nông sản xuất khẩu, cung cấp các dịch vụ logistics...
Trong đó lĩnh vực hoạt động chính là xây dựng, gồm xây dựng nhà ở, xây dựng công trình đường sắt, đường bộ...
Trong ngắn hạn, theo đề xuất của đại diện Tập đoàn đầu tư cửa khẩu Vịnh Bắc Bộ đưa ra mới đây tại Hội nghị Kết nối hợp tác Kinh tế thương mại Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây) trong thời kỳ mới, để rút ngắn thời gian thông quan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có thể ký kết thỏa thuận với cơ quan Hải quan để giảm các yêu cầu kiểm dịch, giảm thời gian thông quan.
Ông lấy ví dụ, hiện nay, hàng Việt Nam sang Trung Quốc phải kiểm dịch 100% trong khi hàng Thái Lan vào Trung Quốc chỉ phải kiểm dịch 30%. Nếu như có thể giảm được các quy định kiểm dịch thì tốc độ thông quan có thể tăng gấp 3 lần.
Ngoài ra đại diện Tập đoàn này còn kiến nghị kéo dài thời gian thông quan đến 11h mỗi ngày và mong các bộ, ngành có sự điều phối tại các cửa khẩu, tránh việc hàng hóa tập trung tại 1 cửa khẩu gây quá tải.