Doanh nghiệp phải 'tranh thủ' ưu thế EVFTA trước khi EU có các FTA khác

FTA eu
21:03 - 29/09/2022
0:00 / 0:00
0:00
Sau 2 năm thực thi EVFTA, Việt Nam đã và đang được hưởng nhiều lợi thế tại EU. Tuy nhiên, trước tình hình EU tiến hành đàm phán FTA với nhiều thị trường khác, buộc các doanh nghiệp xuất khẩu cần thay đổi nếu muốn đứng vững tại thị trường này.

Nhận định tại “Diễn đàn Thương mại Việt Nam – EU năm 2022” do Bộ Công Thương phối hợp với Phái đoàn EU tại Việt Nam và EuroCham tổ chức chiều 29/9, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, hơn 2 năm kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do EVFTA chính thức có hiệu lực, quan hệ kinh tế - thương mại đã thực sự trở thành điểm sáng trong bức tranh hợp tác song phương Việt Nam - EU.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều sau 2 năm thực thi EVFTA (1/8/2020 – 31/7/2022) đạt khoảng 116 tỷ USD, tăng 12% so với 2 năm liền kề trước đó. Riêng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đã đạt 83 tỷ USD, với các mặt hàng chính như dệt may, giày dép… đều tăng trưởng tốt. Ngược lại, Việt Nam cũng nhập khoảng 32,5 tỷ USD hàng hóa từ phía EU.

Hiện nay, cơ cấu xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào EU đang mở rộng và được đa dạng hóa, bao gồm tăng trưởng trong nhóm hàng nông, lâm, thủy sản.

Về đầu tư, Việt Nam tiếp cận nhiều nguồn đầu tư từ EU. 8 tháng đầu năm 2022, tổng vốn đầu tư của EU vào Việt Nam đạt 2,2 tỷ USD, tăng 69,6% so với cùng kỳ năm trước với 104 dự án mới.

Ảnh tác giả

“Đây là tín hiệu đáng mừng, là sự khởi đầu thuận lợi, là cơ sở để tin tưởng vào sự phát triển mạnh mẽ trong phát triển kinh tế thương mại Việt Nam – EU trong thời gian tới với đòn bẩy là EVFTA và tới đây là EVIPA”

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Trong khi đó, Phó Cục trưởng Cục xuất khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Cẩm Trang đánh giá, EVFTA đã góp phần giữ vững tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và EU, dù đại dịch tác động sâu sắc đến thương mại thế giới trong thời gian trước. Bên cạnh thuế quan, hàng hóa Việt Nam còn có lợi thế khi hàng hóa xuất khẩu giữa hai thị trường có tính bổ trợ cho nhau, tạo thuận lợi thương mại 2 chiều thời gian để có thể tăng trưởng tốt.

Hiện nay, Việt Nam đang có ưu thế về sản phẩm thủy sản, đặc biệt là mặt hàng cá tra khi nguồn cung thịt trắng của Nga vào EU bị gián đoạn. Ngoài ra còn có sản phẩm gạo khi EU cam kết dành 80.000 tấn hạn ngạch cho Việt Nam. Trái cây nhiệt đới của Việt Nam cũng được ưa chuộng. Điều này tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.

“Các kỳ vọng, đoán định khi mà chúng ta đàm phán EVFTA thì bước đầu đã được thực hiện hóa. Điều này đã góp phần quan trọng để tiến tới kỳ vọng cao hơn”, bà Trang nhận định.

Nguy cơ từ các FTA khác, doanh nghiệp Việt có thể duy trì lợi thế với EVFTA?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, EVFTA là ưu thế lớn của Việt Nam khi hiện mới chỉ có 4 quốc gia châu Á ký FTA với EU, trong ASEAN chỉ có Việt Nam và Singapore. EVFTA không chỉ đem lại cho Việt Nam cơ hội về mở rộng, đa dạng hóa thị trường mà còn hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh…

Tuy nhiên, về lâu dài, việc "giậm chân tại chỗ" với EVFTA liệu có thể duy trì lợi thế hàng hóa của Việt Nam tại khu vực châu Âu khi mà EU đang và sắp tiến hành đàm phán với các thị trường khác?

Đánh giá về vấn đề này, ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, để các FTA được thực thi sẽ cần thời gian, chính vì vậy thời gian tới thì Việt Nam vẫn được hưởng nhiều lợi thế từ EVFTA.

Dù vậy trước tình hình EU đang tiến hành đàm phán ký kết FTA với các thị trường trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Indonesia… thì đây sẽ là thách thức đối với doanh nghiệp của Việt Nam.

Ảnh tác giả

“Chúng ta không biết các cuộc đàm phán diễn ra nhanh hay chậm. Nhưng trong ngắn và trung hạn, lợi thế về EVFTA của Việt Nam vẫn có. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần phải chuẩn bị cho việc EU sẽ kết thúc đàm phán với các đối tác”

Phó Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên Ngô Chung Khanh

Ông Khanh cho rằng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu của nhiều tỉnh thành còn khiêm tốn. Cụ thể, xuất khẩu thủy sản chiếm khoảng 4%, rau quả 2,7%, cà phê 6%. Riêng đối với mặt hàng gạo dù được hạ thuế quan nhờ hiệp định EVFTA nhưng kim ngạch xuất khẩu sang EU vẫn chưa cao (trước khi có EVFTA mặt hàng gạo gần như không được xuất khẩu).

“Dư địa thị trường EU còn rất lớn bởi nhiều doanh nghiệp còn tập trung vào các thị trường truyền thống. Doanh nghiệp cần thay đổi, xây dựng thương hiệu như doanh nghiệp Lộc Trời.. để từ đó tăng giá trị gia tăng tốt hơn, tối ưu hóa hiệp định EVFTA, từ đó đem lại lợi nhuận cho cả doanh nghiệp và người sản xuất”, ông Khanh nói.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Cẩm Trang nhấn mạnh, người tiêu dùng EU đặc biệt quan tâm đến chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng chất lượng sản phẩm cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, thực hiện truy xuất nguồn gốc để có thể đứng vững tại khu vực.

Đọc tiếp