Ông Jaroslav Hanák, Chủ tịch Liên đoàn công nghiệp CH Séc tại Việt Nam và Malaysia. Ảnh: Anh Thư |
Ngày 21/2, nhân chuyến thăm Việt Nam từ ngày 19/2 - 22/2 của đoàn Bộ Công Thương CH Séc, do Bộ trưởng Jozef Síkela dẫn đầu, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Việt Nam và Liên đoàn Công nghiệp CH Séc đã phối hợp tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Séc.
Tham gia đoàn là các doanh nghiệp hàng đầu của CH Séc trong các lĩnh vực năng lượng, xây dựng, tư vấn luật, hệ thống an ninh mạng, dịch vụ đào tạo phi công, vận hành lưới điện, sản xuất bảng mạch, dược phẩm, vận tải hàng hóa, bảo hiểm tín dụng, cơ khí…
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nói, Việt Nam đã trở thành một mắt xích quan trọng trong nhiều chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới đã thiết lập cơ sở sản xuất trọng yếu tại Việt Nam, từ đó tổ chức cung ứng sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh cho khu vực và trên thế giới. Sự hiện diện của nhiều tập đoàn xuyên quốc gia và hàng nghìn doanh nghiệp FDI khác là minh chứng cho chất lượng môi trường đầu tư và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam, ông Hải nói.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Việt Nam đã trở thành một trung tâm chế tạo và sản xuất hàng hóa lớn trên thế giới. Ảnh: Anh Thư |
Thứ trưởng cũng nêu những thế mạnh cơ bản và cũng là điểm hấp dẫn về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Theo đó, nhân tố quyết định là sự ổn định về chính trị của Việt Nam, điều này sẽ bảo đảm cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nước ngoài.
Hiện Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, đã tham gia hầu như tất cả các cơ chế hợp tác đa phương, đang tham gia 15 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các đối tác lớn. Trong quá trình đó, hệ thống pháp luật của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Hệ thống cơ sở hạ tầng của Việt Nam cũng ngày càng được cải thiện, chất lượng lao động đã qua đào tạo ngày một nâng cao, thích ứng với sản xuất công nghiệp và môi trường làm việc quốc tế, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu.
Về phần mình, ông Jaroslav Hanák, Chủ tịch Liên đoàn công nghiệp CH Séc tại Việt Nam và Malaysia khẳng định, các doanh nghiệp Séc rất quan tâm đến môi trường đầu tư và việc tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh với các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông cho biết, tham gia diễn đàn lần này là các doanh nghiệp nhiều kinh nghiệm trên thị trường quốc tế, tập trung vào các lĩnh vực như kỹ thuật, năng lượng, hàng không dân dụng, ô tô, dịch vụ; cũng như các ngành mới nổi như dược phẩm, công nghệ thông tin - truyền thông…
Do đó, ông Jaroslav cho rằng diễn đàn này là cơ hội để doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, trao đổi trực tiếp về những lĩnh vực tiềm năng, lợi thế của nhau. Từ đó, hỗ trợ thương mại lẫn nhau và sử dụng tiềm năng của cả hai nền kinh tế một cách tốt nhất.
Từ phía doanh nghiệp Việt Nam tham gia diễn đàn, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Havina Group cho rằng, diễn đàn đã cung cấp cái nhìn tổng thể về quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và CH Séc thời gian qua, đặc biệt là những lĩnh vực trọng điểm hợp tác giữa hai nước.
Ông Dũng chia sẻ, qua trao đổi với một số doanh nghiệp của CH Séc và Đông Âu, hai bên nhận ra còn một số hạn chế. Tuy nhiên, thời gian qua, Việt Nam đã có sự cởi mở trong chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời, thương mại giữa hai nước đã có nhiều cơ hội phát triển.
Dù vậy, vẫn còn ít những hội thảo giao thương, chương trình trao đổi, B2B, gặp gỡ, kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài. Bên cạnh đó, vấn đề nhân lực chất lượng cao cũng cần được quan tâm, cải thiện.
Diễn đàn cũng chứng kiến lễ trao chứng chỉ và ký kết hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước gồm: Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) trao chứng chỉ nhà cung cấp dịch vụ cho trường đào tạo bay F AIR, CH Séc; ký kết hợp tác giữa CTCP đào tạo Bay Việt và Trung Tâm Huấn Luyện Bay (Vietnam Airlines) với trường đào tạo bay F AIR, CH Séc.
Ký kết hợp tác giữa Trung Tâm Huấn Luyện Bay - Tổng Công Ty Hàng Không Việt Nam và trường đào tạo bay F AIR, CH Séc. Ảnh: Anh Thư |
Năm 2022, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Sec đạt hơn 828 triệu USD, tăng 12,65% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Séc đạt hơn 668 triệu USD, tăng 14,58% so với cùng kỳ; nhập khẩu từ Séc vào Việt Nam đạt 160 triệu USD tăng 5,2%. CH Séc được xác định là một trong những bạn hàng quan trọng nhất của Việt Nam trong khu vực Trung và Đông Âu.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang CH Séc là giầy dép, hàng may mặc, thủy hải sản, máy công nghiệp, phụ tùng máy và thiết bị điện... Việt Nam nhập khẩu từ CH Séc máy móc thiết bị, sản phẩm cơ khí, hóa chất, dược phẩm, đồ thủy tinh pha lê…
Về đầu tư, tính đến cuối năm 2022, CH Séc có 41 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam, tổng vốn đăng ký 92,39 triệu USD, đứng thứ 49/141 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam. Các dự án của CH Séc tập trung vào lĩnh vực: khai khoáng, dịch vụ lưu trú và ăn uống, công nghiệp chế biến chế tạo...
Về đầu tư của Việt Nam sang CH Séc, đến nay các doanh nghiệp Việt Nam mới có 4 dự án đầu tư sang CH Séc với tổng vốn đầu tư còn rất khiêm tốn (4,44 triệu USD), chủ yếu dưới hình thức liên doanh.