TỪ NHỮNG XAO ĐỘNG CỦA NỀN KINH TẾ TOÀN CẦU
Bối cảnh bất định của dịch bệnh, sự gián đoạn chuỗi cung ứng chưa được khắc phục toàn diện, ảnh hưởng việc giá năng lượng tăng vọt tới chi phí đầu vào của doanh nghiệp sản xuất và những nỗi lo ngại về lạm phát đang đặt ra những tác động tiêu cực đối với đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Giá dầu Brent chuẩn quốc tế hiện đang giao dịch ở mức hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng nhanh nhất trong 2 thập kỷ. Tính đến 0h đêm 5/11 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent giao dịch ở mức 81,17 USD/ thùng, tăng khoảng 102% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 59% từ đầu năm đến nay.
Giá dầu Brent chuẩn quốc tế tăng khoảng 59% từ đầu năm đến nay (Ảnh: TradingEconomics) |
Vào tháng 10, giá dầu WTI cũng lần đầu tiên trong 7 năm vượt ngưỡng 80 USD/ thùng trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng toàn cầu làm gia tăng nỗi lo lạm phát. Vào 0h đêm 05/11 (giờ Việt Nam), giá dầu WTI kỳ hạn tháng 12 giao dịch ở 80,11 USD/ thùng, tăng khoảng 110% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 67% từ đầu năm đến nay.
Giá khí đốt tự nhiên thậm chí tăng 124% từ đầu năm đến nay. Các loại nhiên liệu khác như than đá, điện cũng chứng kiến sự tăng giá mạnh mẽ trên toàn cầu, đẩy chi phí sản xuất của doanh nghiệp lên cao.
Giá khí đốt tự nhiên thậm chí tăng 124% từ đầu năm đến nay (Ảnh: TradingEconomics) |
Khi giá năng lượng tăng vọt, giá hàng loạt nguyên liệu đầu vào, chẳng hạn kim loại cơ bản như đồng, thiếc, niken… đã tăng mạnh trong thời gian qua do bị ảnh hưởng về nguồn cung. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài do diễn biến phức tạp của đại dịch cũng như mức tăng các chi phí trung gian như chi phí logistics cũng đẩy giá nhiều nguyên liệu đầu vào lên cao.
Giá kim loại đồng tăng khoảng 38% trong 12 tháng (Ảnh: TradingEconomics) |
Tại Mỹ, cuộc khảo sát gần đây của Đại học Michigan chỉ ra tâm lý tiêu dùng đã giảm từ 72,8 điểm xuống 71,7 điểm do lo ngại lạm phát tăng lên cao nhất kể từ năm 2008.
Richard Curtin, nhà kinh tế trưởng dẫn đầu khảo sát cho hay, chi tiêu tiêu dùng cá nhân của người Mỹ trong tháng 9 đã tăng 4,4%, một phần do giá cả hàng hóa tăng lên và lạm phát tiếp tục nóng. Theo ông Curtin, trong ngắn hạn, người tiêu dùng Mỹ đang “chịu đựng” tình trạng giá hàng hóa tăng nhưng theo thời gian, mức “chịu đựng” có thể giảm dần, tác động tiêu cực đến đà phục hồi kinh tế.
Lạm phát tại Mỹ tăng nóng trong những tháng qua (Ảnh: TradingEconomics) |
Một cuộc khảo sát khác đăng tải trên MarketWatch cũng chỉ ra kỳ vọng của người tiêu dùng về lạm phát trong năm 2020 đã tăng gần gấp đôi lên mức 4,8% so với năm ngoái. Trên phố Wall, kỳ vọng lạm phát bình quân trong 5 năm tới đã tăng lên 2,9%, tức vượt mức mục tiêu 2% mà Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đưa ra.
Tại Trung Quốc, tờ Nikkei Asia đưa tin một số công ty thực phẩm lớn của Trung Quốc gần đây đang bắt đầu thông báo nâng giá bán lẻ hàng loạt sản phẩm do chi phí sản xuất tăng, chỉ số giá sản xuất (PPI) leo dốc làm xói mòn biên lợi nhuận.
Chẳng hạn, công ty thực phẩm Foshan Haitian Flavouring & Food, nhà sản xuất nước tương lớn nhất Trung Quốc về doanh thu và Jiangsu Hengshun Vinegar Industry, nhà sản xuất giấm và gia vị nổi tiếng Trung Quốc đã thông báo tăng giá hàng loạt sản phẩm với mức tăng bình quân lên tới 18% chỉ trong tháng qua.
Tại Trung Quốc, tờ Nikkei Asia đưa tin một số công ty thực phẩm lớn của Trung Quốc gần đây đang bắt đầu thông báo nâng giá bán lẻ hàng loạt sản phẩm do chi phí sản xuất tăng, chỉ số giá sản xuất (PPI) leo dốc làm xói mòn biên lợi nhuận.
Đại diện Foshan Haitian Flavouring & Food cho biết đợt tăng giá gần nhất sẽ nâng giá một số sản phẩm lên khoảng 5-15%, bắt đầu từ ngày 20/11 tới. Nguyên nhân tăng giá được lý giải do giá nguyên vật liệu thô, chi phí năng lượng, nhân công và phí logistics tăng vọt.
Đại diện Jiangsu Hengshun cho biết thêm: “Nâng giá bán lẻ cũng không mang lại lợi nhuận tích cực hơn do chắc chắn việc điều chỉnh giá sẽ ảnh hưởng đến lượng hàng bán ra. Thêm vào đó, chi phí sản xuất tăng ngày một cao”. Thực tế, trong quý III vừa qua, Hengshun báo cáo lợi nhuận ròng giảm mạnh 91,19%.
Ở phía giá tiêu dùng, các mặt hàng rau củ, hoa quả, thịt lợn tại Trung Quốc cũng ghi nhận mức tăng giá đáng kể do tình hình thời tiết khắc nghiệt và dịch tả lợn châu Phi lây lan dai dẳng. Dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho thấy giá rau trong tuần từ ngày 18/10-24/10 tăng 24% so với thời điểm 5 tuần trước đó, trong khi giá thịt lợn tăng 13% cùng kỳ.
"Tác động của việc tăng giá hàng hóa trên diện rộng sẽ lan truyền từ nhà sản xuất sang người tiêu dùng trong dài hạn”, nhận định của ông Liu Shijing, Phó giám đốc Quỹ Nghiên cứu Phát triển Trung Quốc.
ĐẾN NHẬN ĐỊNH CỦA CHUYÊN GIA: ÁP LỰC TỪ PHÍA CUNG VÀ HIỆN TƯỢNG "NHẬP KHẨU LẠM PHÁT"
Tại Việt Nam, áp lực lạm phát cho đến thời điểm hiện tại được đánh giá là không lớn. Theo Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản tháng 10/2021 giảm 0,17% so với tháng trước và tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết 10 tháng đầu năm, lạm phát cơ bản tăng 0,84% trong khi CPI tăng 1,81%.
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, mặc dù gần đây có hiện tượng giá rau củ, hoa quả tăng vọt trên thị trường tiêu dùng nhưng mức tăng chưa thể khiến lạm phát toàn phần của nền kinh tế tăng vọt do tỷ trọng các mặt hàng trên trong rổ hàng hóa là không lớn.
Trao đổi với MEKONG ASEAN về sức ép lạm phát trong nước, ông Lê Xuân Nghĩa nhận định: “Để đánh giá lạm phát, cần nhìn từ cả hai khía cạnh cung và cầu. Về phía cầu, có thể thấy trong thời gian qua, cung tiền có tăng nhưng tăng chậm, tiền Ngân hàng Nhà nước in ra tăng không lớn và tiền tiết kiệm trong dân thì giảm, vòng quay đồng tiền cũng giảm dẫn đến khối lượng tiền tệ lưu thông trong nền kinh tế không tăng. Như vậy, áp lực lạm phát từ phía cầu không lớn, mà chủ yếu đến từ phía cung".
Áp lực lạm phát từ phía cầu không lớn, mà chủ yếu đến từ phía cung do nguồn cung nhiên nguyên vật liệu khan hiếm, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài, hoạt động vận tải và lưu thông hàng hóa chưa phục hồi hoàn toàn kết hợp với thiếu hụt lao động…
Một yếu tố khác tác động đến lạm phát tại Việt Nam, theo ông Nghĩa, là hiện tượng “nhập khẩu lạm phát”.
“Giá hàng hóa trên thị trường thế giới từ xăng dầu cho đến nguyên vật liệu cơ bản đều tăng mà Việt Nam nhập khẩu những mặt hàng này thì đồng nghĩa Việt Nam đang 'nhập khẩu' luôn cả lạm phát từ bên ngoài. Cụ thể là giá xăng dầu tăng, giá than tăng, giá xi măng, sắt thép... trong nước tăng. Đặc biệt, giá nhiên liệu tác động đến hầu hết các lĩnh vực, khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng vọt”, ông Nghĩa nói.
VÀ CÂU CHUYỆN CỦA DOANH NGHIỆP TRONG NƯỚC
Bình luận về vấn đề sức ép từ chi phí đầu vào đối với các doanh nghiệp trong nước, ông Nguyễn Quang Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chuỗi cung ứng Quốc tế Tập đoàn TH Group nhận định nhiều doanh nghiệp đang trong giai đoạn cắn răng chịu đựng mức chi phí lên cao, chấp nhận biên lợi nhuận mỏng chứ không chịu "tự bắn vào chân mình."
“Trong giai đoạn hiện tại, hầu hết doanh nghiệp đang phải dốc vốn để gồng gánh chi phí sản xuất tăng, mặc dù vậy không ai mong muốn tăng giá. Giá cả sản phẩm không chỉ phụ thuộc vào chi phí sản xuất của bản thân doanh nghiệp mà còn phụ thuộc vào thị trường. Trừ các lĩnh vực doanh nghiệp độc quyền thì hầu hết doanh nghiệp trong nền kinh tế đều phải đối mặt với sức ép thị phần, sức ép từ đối thủ cạnh tranh," ông Hải nhận định.
“Hành động nâng giá sản phẩm sẽ không khác gì...tự bắn vào chân mình. Doanh nghiệp có thể chấp nhận không lợi nhuận, biên lợi nhuận rất mỏng hoặc thậm chí bù lỗ trong khoảng thời gian nhất định để giữ vững thị trường. Tôi nghĩ rằng, nếu doanh nghiệp tăng giá đồng loạt dẫn đến lạm phát tăng vọt, nguy cơ đổ vỡ kinh tế là rất cao", ông Hải nói.
Ông Hải phân tích rằng chính những cá nhân trong doanh nghiệp bản thân họ cũng là người tiêu dùng, cũng phải gánh chịu hậu quả từ việc tăng giá sản phẩm. "Bản thân TH và có lẽ tinh thần chung của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa có ý định điều chỉnh giá sản phẩm để bù đắp tăng giá yếu tố đầu vào trong ngắn hạn. Chúng tôi kỳ vọng trong 1-2 năm tới, thị trường sẽ tự điều tiết”, ông Hải nói.
“Hành động nâng giá sản phẩm không khác gì...tự bắn vào chân mình. Doanh nghiệp có thể chấp nhận không lợi nhuận, biên lợi nhuận rất mỏng hoặc thậm chí bù lỗ trong khoảng thời gian nhất định để giữ vững thị trường. Nếu doanh nghiệp tăng giá đồng loạt dẫn đến lạm phát tăng vọt, nguy cơ đổ vỡ kinh tế là rất cao"
Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chuỗi cung ứng Quốc tế Tập đoàn TH Group nhận định hiện tượng tăng giá đầu vào hiện nay là tạm thời chứ không phải bền vững, do vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng gây mất cân bằng cung cầu.
“Điều cuối cùng một doanh nghiệp nghĩ đến là tăng giá đầu ra. Ngay bản thân TH Group mua sản phẩm đầu vào, trừ những sản phẩm có giá niêm yết trên thị trường hàng hóa toàn cầu như giá nông sản ta phải chấp nhận mức giá tăng giảm thì với các sản phẩm khác như công nghệ phẩm, đối tác của chúng tôi vẫn đang cố gắng duy trì mức giá cũ. Tôi hy vọng không tăng giá đầu ra là tinh thần chung của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam để không gây xáo trộn quá lớn cho thị trường," ông Hải nói.
Trước mắt, ông Hải cho biết TH Group nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp trong nước nói chung đang nỗ lực cân đối chi phí, tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh với kỳ vọng các yếu tố bất lợi là vấn đề ngắn hạn.
Tuy nhiên, theo ông Hải, trong tình huống tình trạng nguyên liệu đầu vào nối đuôi nhau tăng giá vùn vụt kéo dài, đến một lúc nào đó, doanh nghiệp khó có thể trụ được và có khả năng buộc phải tăng giá, chuyển bớt áp lực giá lên vai người tiêu dùng.