Biển quảng cáo thương hiệu trong dịp mua sắm Ngày Độc thân 11/11 tại Trung Quốc. Ảnh: EPA-EFE |
Được khởi xướng bởi gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba vào năm 2009, Lễ Độc thân hàng năm dần trở thành ngày lễ mua sắm lớn nhất tại Trung Quốc và nhanh chóng trở thành số 1 trên thế giới. Sự kiện mua sắm này thậm chí còn vượt xa quy mô các sự kiện tương tự của Mỹ như Black Friday (Thứ Sáu Đen).
Kể từ khi ra đời, lễ hội mua sắm ngày 11/11 đã ngay lập tức trở thành phong vũ biểu cho sức tiêu dùng của người dân Trung Quốc. Tuy nhiên trong năm 2022 khi nền kinh tế Trung Quốc chịu áp lực tăng trưởng chậm lại và ảnh hưởng từ các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt, tình hình có thể sẽ rất khác.
Trong một thông báo ngày 12/11, Alibaba khẳng định doanh số bán hàng Lễ Độc thân của tập đoàn vẫn tương đương với năm ngoái nhưng không công bố dữ liệu bán hàng cụ thể. Theo AFP, Alibaba dự kiến sẽ báo cáo thu nhập của mình cho các bên liên quan vào tuần tới.
Vào cùng thời điểm năm 2021, tổng giá trị hàng hóa (GMV) của Alibaba ghi nhận tăng trưởng ở mức 8,45% - mức 1 con số thấp nhất kể từ khi tập đoàn bắt đầu tiến hành sự kiện này.
Đối thủ của hãng là JD.com, ngược lại tuyên bố doanh thu năm nay kỷ lục so với năm ngoái và cũng không đưa ra con số cụ thể. Theo SCMP, GMV của JD.com từng đạt ngưỡng 49,1 tỷ USD trong năm 2021.
Trước mắt, Alibaba chỉ công bố Lễ mua sắm 11/11 của hãng bao gồm hơn 290.000 thương hiệu đến từ hơn 90 quốc gia và khu vực và tạo thành 7.000 danh mục sản phẩm. Trên nền tảng Taobao Live, tập đoàn cho biết hơn 300 triệu người tiêu dùng đã xem các phiên phát trực tiếp trong khi chi nhánh hậu cần Cainiao của hãng báo cáo đã giao hơn 120 triệu bưu kiện.
Về phía JD.com, tập đoàn cho biết đã cung cấp gần 20 triệu mặt hàng mới trong dịp 11/11 năm nay. Các sản phẩm mới bán chạy nhất thuộc về điện thoại thông minh, máy tính xách tay, máy giặt, tủ lạnh và TV màn hình phẳng. Những người mua sắm dưới 35 tuổi chiếm 63% tổng số khách hàng mới trên nền tảng này.
Nhân viên sắp xếp các gói hàng được mua trong dịp Lễ Độc thân tại Trung Quốc. Ảnh: Getty Images |
Việc Lễ Độc thân năm 2022 có phần ít nổi bật hơn những năm trước đây một phần là do chính phủ Trung Quốc đang chú trọng vào mục tiêu thịnh vượng chung và chống độc quyền.
Các công ty cũng như các nền tảng do đó đều phải hạn chế việc kỷ niệm tiêu thụ quá mức. Trong năm 2022, các nền tảng cũng không còn tổ chức nhiều sự kiện hoành tráng và mời những người nổi tiếng cả trong nước cũng như quốc tế gồm ca sĩ Taylor Swift hay Mariah Carey.
Các chính sách Covid-19 nghiêm ngặt gây ra việc cắt giảm lương trên diện rộng và làm gián đoạn chuỗi cung ứng cũng là một nguyên nhân . Nhiều người tiêu dùng vì vậy phải chi tiêu vào việc cải thiện chất lượng cuộc sống tại nhà thay vì chi tiêu cho các nhu cầu khác không phải ưu tiên.
Ngoài xu hướng tiết kiệm hầu bao của người dân, dịp mua sắm 11/11 năm 2022 tại Trung Quốc cũng ghi nhận sự xuất hiện của nhiều thương hiệu nội địa. Theo AFP, khoảng 290.000 thương hiệu đã tham gia vào sự kiện và cung cấp các mức chiết khấu khác nhau bắt đầu từ cuối tháng 10.
Trong số các nhãn hàng bán chạy nhất năm 2022, những nhà sản xuất thiết bị gia dụng nội địa như Haier, Midea và thương hiệu đồ thể thao Anta nằm trong top đầu. Ngoài các hãng này, những tên tuổi quốc tế như Apple, L'Oreal và Nike cũng xuất hiện.
Theo nền tảng JD.com, đối thủ của Alibaba, các thương hiệu Trung Quốc chiếm 80% doanh số trong top 20 thương hiệu hàng đầu. Dù vậy, ông Jacob Cooke, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn thương mại điện tử WPIC Marketing + Technologies, cho biết, điều này không phản ánh sự thống trị trong nước đối với toàn bộ thị trường.
Nguyên nhân là vì JD.com đặc biệt mạnh trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng có giá trị cao như máy tính và điện thoại thông minh - nơi các nhà sản xuất Trung Quốc từ lâu đã chiếm lĩnh thị trường.