Cửa hàng Mytel của Viettel Global tại Myanmar. |
Theo báo cáo tài chính quý 2/2023, Tổng công ty cổ phần đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global, mã VGI) đạt doanh thu 6.861 tỷ đồng, tăng 17%, tương ứng tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức doanh thu quý cao nhất từ trước đến nay của Viettel Global, đồng thời ghi nhận quý thứ 4 liên tiếp doanh thu ở mức trên 6.000 tỷ đồng mỗi quý. Trừ đi giá vốn hơn 3.700 tỷ đồng, công ty thu về lợi nhuận gộp 3.139 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ.
Doanh thu tài chính ở mức 725 tỷ đồng, giảm 42%. Ngược lại, chi phí tài chính tăng gấp đôi lên mức 1.257 tỷ đồng, chủ yếu do lỗ chênh lệch tỷ giá 1.150 tỷ đồng, tăng 118% so với cùng kỳ.
Chi phí bán hàng tăng 37% lên 783 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng gấp đôi lên mức 2.701 tỷ đồng, nguyên nhân là do công ty trích lập dự phòng phải thu khó đòi tới 2.246 tỷ đồng, tăng hơn 1.500 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Kết quả, công ty báo lỗ 1.219 tỷ đồng sau thuế, so với cùng kỳ năm 2022 lãi 1.116 tỷ đồng.
Theo giải trình của Viettel Global, các hoạt động kinh doanh cốt lõi tại hầu hết các công ty thị trường (bao gồm cả công ty con và công ty liên kết) đều tăng trưởng tốt về doanh thu. Tuy nhiên trên cơ sở thận trọng, công ty đã tiến hành trích lập dự phòng đầu tư và phải thu đối với một số công ty liên quan, đồng thời chịu ảnh hưởng bởi chênh lệch tỷ giá.
Loại trừ các yếu tố trên, lợi nhuận sau thuế từ hoạt động kinh doanh cốt lõi trong kỳ của Viettel Global vẫn tăng 615 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Viettel Global ghi nhận doanh thu thuần 13.342 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ 2022; lỗ sau thuế gần 625 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 2.520 tỷ đồng. Cho 6 tháng, công ty lỗ tỷ giá 1.938 tỷ đồng và trích lập dự phòng 2.791 tỷ đồng.
Tính đến 30/6/2023, tổng tài sản Viettel Global ở mức 48.424 tỷ đồng, giảm gần 1.900 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong đó, các khoản tiền và tương đương tiền, tiền gửi đạt gần 18.000 tỷ đồng.
Các khoản phải thu ngắn hạn lên tới hơn 24.600 tỷ đồng, tuy nhiên công ty đã phải trích lập dự phòng gần 12.200 tỷ đồng cho các khoản nợ khó đòi nên giá trị ghi nhận còn lại là 12.511 tỷ đồng.
Theo thuyết minh, nợ xấu của VGI ở mức 15.902 tỷ đồng, tăng hơn 1.700 tỷ đồng so với đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là phải thu khách hàng, cho vay và phải thu khác tại Công ty Viettel Cameroon S.A.R.L gần 8.500 tỷ đồng. Công ty phải trích lập dự phòng toàn bộ.
VGI cũng đang có hơn 7.000 tỷ đồng nợ xấu tại Công ty TNHH Telecom International Myanmar. Công ty phải trích lập dự phòng 3.355 tỷ đồng cho khoản nợ xấu này.
Nợ phải trả của Viettel Global giảm 7% so với đầu năm xuống 19.674 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn với hơn 16.119 tỷ đồng. Vay nợ tài chính giảm 35% xuống 3.889 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu ở mức 28.750 tỷ đồng.