Doanh thu Sao Ta năm 2022 đạt mức cao nhất từ trước nay

FMC Sao Ta
13:00 - 16/01/2023
Doanh thu Sao Ta năm 2022 đạt mức cao nhất từ trước nay
0:00 / 0:00
0:00
Theo báo cáo tài chính hợp nhất của CTCP Thực phẩm Sao Ta (HoSE: FMC) công bố sáng ngày 16/1, doanh thu thuần năm 2022 của Sao Ta đạt hơn 5.700 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước tới nay của doanh nghiệp.

Theo báo cáo, quý IV/2022, doanh thu thuần hợp nhất của doanh nghiệp đạt 1.210 tỷ đồng, giảm 16% so với quý IV/2021. Cùng với doanh thu, giá vốn bán hàng cũng giảm 14% so với cùng kỳ năm 2021, 1.242 tỷ đồng quý IV/2021 còn 1.056 tỷ đồng quý IV/2022. Lợi nhuận gộp của FMC giảm 23%, đạt 154 tỷ đồng.

Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính của doanh nghiệp lại tăng 116%, đạt 35 tỷ đồng. Tương tự, chi phí tài chính của FMC cũng tăng 401% so với quý IV/2021, đạt 38,1 tỷ đồng (quý IV ghi nhận 7,6 tỷ đồng). Trong khi đó, chi phí bán hàng lại giảm 53%, còn đạt 36 tỷ đồng…

Khấu trừ các loại chi phí, lợi nhuận trước thuế quý IV của FMC đạt 83,4 tỷ đồng, so với quý IV/2021 giảm 23%.

Trên trang web của doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT FMC Hồ Quốc Lực nhận định, Sao Ta đã kết thúc hoạt động năm 2022 với những bước đi “chậm rãi” ở quý IV do thị trường tiêu thụ trầm lắng và năm nay vụ nuôi tôm mùa nghịch bị dịch bệnh tấn công nên sản lượng tôm thương phẩm sụt giảm đáng kể. Sản lượng chế biến chỉ bằng 90% so năm trước, nguyên nhân từ sự “chậm rãi” nêu trên.

Lũy kế 12 tháng năm 2022, FMC thu về 5.701 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 9% so với năm 2021, đây là kết quả doanh thu cao nhất trong vòng 26 năm hoạt động của Sao Ta.

Doanh thu bán thủy sản của doanh nghiệp đạt 5.488 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2021 và chiếm 96% tổng doanh thu thuần của doanh nghiệp.

Trong năm 2022, FMC thu về 73 tỷ đồng lãi chênh lệch tỷ giá, tăng 87% so với năm 2021. Chi phí bán hàng của doanh nghiệp cũng tăng 16%, đạt 226 tỷ đồng. Trong đó, FMC ghi nhận 5,3 tỷ đồng chi phí thuế chống bán phá giá áp dụng cho các công ty xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ theo yêu cầu của luật thuế chống bán phá giá của Bộ Thương mại Mỹ, tăng thêm 130% so với năm 2021…

Khấu trừ các loại chi phí, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp đạt 328 tỷ đồng, tăng 13%.

Sang năm 2023, Sao Ta đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 10% so với kết quả năm 2022 về doanh số và lợi nhuận. Theo doanh nghiệp, năm nay, khi các thị trường lớn yên ắng, nhất là bão tuyết cuối năm 2022 ở Mỹ ít nhiều làm giảm sức tiêu thụ, khiến tồn kho chưa giải phóng kịp thời… Sao Ta vẫn có đơn hàng để chế biến hàng ngày, tuy không nhiều nhưng so với hoàn cảnh chung vẫn là điểm sáng.

Trên bảng cân đối kế toán, tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 2.988 tỷ đồng, tăng 10% so với ngày đầu năm 2022.

Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp đã giảm 23%, từ 769 tỷ đồng xuống còn 585 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn giảm 21%, đạt 240 tỷ đồng; hàng tồn kho giảm 1%, từ 940 tỷ đồng xuống 929 tỷ đồng. Chi phí xây dựng cơ bản của doanh nghiệp tăng 136%, đạt 445 tỷ đồng; chi phí trả trước tăng 171%, đạt 266 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12, nợ phải trả của doanh nghiệp tăng 20% so với ngày đầu năm, đạt 873 tỷ đồng. Bao gồm, vay ngắn hạn đạt 515 tỷ đồng, tăng 24%.

Trên sàn chứng khoán, tạm kết phiên sáng 16/1, giá cổ phiếu của FMC ở mức 36.000 đồng/cp, giảm 1,1%.

CTCP Thực phẩm Sao Ta có tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước, thành lập năm 1996 với lĩnh vực chính là chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu. Năm 2003, công ty được cổ phần hóa. Tháng 12/2006 chính thức niêm yết và giao dịch trên sàn chứng khoán HoSE.

Đọc tiếp

Vietbank chuẩn bị tăng vốn điều lệ sau 3 năm

Vietbank chuẩn bị tăng vốn điều lệ sau 3 năm

Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank, mã: VBB), HĐQT ngân hàng này dự kiến trình cổ đông kế hoạch kinh doanh, tăng vốn điều lệ, chia cổ tức và tiếp tục niêm yết lên sàn HOSE.