Độc đáo Bảo tàng ma túy của Thái Lan ở khu vực Tam giác Vàng

lịch sử THÁI LAN
09:27 - 28/01/2023
Nhằm phản ánh lịch sử hình thành và buôn bán cây thuốc phiện cũng như các ảnh hưởng của nó về mặt chính trị, kinh tế cũng như xã hội, Thái Lan đã cho xây dựng bảo tàng ma túy tại khu Tam giác Vàng.

Địa danh Tam giác Vàng - khu vực biên giới thủy tiếp giáp ba quốc gia Myanmar - Thái Lan - Lào, là một khu vực luôn đi kèm với những câu chuyện về ma túy, thuốc phiện.

Năm 1994, với kinh phí ban đầu khoảng 1 triệu USD, phía Thái Lan xúc tiến hình thành Hall of Opium Museum (bảo tàng ma túy) tại khu vực Chiêng Sẻn, phần lãnh thổ cực Bắc Thái Lan, tạo thành một cạnh của khu vực Tam giác vàng.

Đến cuối năm 2003, Bảo tàng bắt đầu đón du khách tới tham quan vài trăm công trình nghiên cứu và 17.000 hiện vật phản ánh lịch sử cùng các tác động chính trị, kinh tế, xã hội liên quan mật thiết đến ma túy/thuốc phiện. Ngay tại thời điểm đó, các nhà thiết kế bảo tàng đã chú trọng ứng dụng công nghệ nghe - nhìn hiện đại, điều khiển tự động nhằm tạo hiệu ứng tổng hợp giữa âm thanh, ánh sáng, hình ảnh để cung cấp cho khách thăm quan thông tin đa dạng và sinh động.

Nơi đặt bảo tàng cách những khu vực từng trồng hàng triệu cây hoa anh túc trong thời kỳ hoàng kim của ngành công nghiệp thuốc phiện tại Thái Lan không xa. Hiện nay những cánh đồng này đã trở thành những đồi chè.

Nơi đặt bảo tàng cách những khu vực từng trồng hàng triệu cây hoa anh túc trong thời kỳ hoàng kim của ngành công nghiệp thuốc phiện tại Thái Lan không xa. Hiện nay những cánh đồng này đã trở thành những đồi chè.

Điểm độc đáo đầu tiên của bảo tàng là bố cục được phân cắt thành 2 tòa nhà 3 tầng. Nếu quan sát từ bên ngoài, 2 công trình này có vẻ chẳng liên hệ tới nhau bởi mỗi tòa nằm biệt lập trên một sườn đồi. Tuy nhiên ở bên trong, kết nối giữa 2 tòa nhà là một đường hầm ngầm dài 137m bố trí xuyên chếch qua lòng quả đồi.

Tòa nhà đầu tiên mà du khách đặt chân đến là cửa vào bảo tàng với bài trí bình thường, giản dị. Bước tiếp lối đi, men theo đường hầm u tối và dốc ngược, cảm quan của du khách bắt đầu thay đổi bởi âm thanh huyền bí, ánh sáng chập chờn cùng những bức phù điêu khắc họa trạng thái hoảng loạn của con nghiện. Mức độ cầu kỳ của đường hầm này được giải thích nhằm góp phần tối đa cho du khách cảm nhận sắc độ tâm lý trái ngược khi dùng chất ma túy: mất thăng bằng, rơi vào u mê, say mê và hoảng loạn,

Những bức phù điêu khắc họa trạng thái của con nghiện dọc theo đường hầm.

Những bức phù điêu khắc họa trạng thái của con nghiện dọc theo đường hầm.

Tới cuối đường hầm, thực chất là sang tới tòa nhà thứ 2, du khách sẽ được chứng kiến một khối hình tam giác bằng kính màu vàng cam trên sàn nhà với hiệu ứng ảo giác được tăng cường bằng đèn chiếu từ trần nhà, báo hiệu du khách đã chạm chân tới “Vương quốc ma túy Tam giác Vàng”.

Phần trưng bày của bảo tàng được chia theo 16 nhóm chủ điểm. Khởi đầu là phần khái quát về cây thuốc phiện, tiếp theo, bánh xe thời gian quay ngược, hồi tưởng thời điểm ghi nhận xuất hiện cây thuốc phiện ở vùng Địa Trung Hải ước chừng hơn 5.000 năm trước. Khoảng cuối thế kỷ XVIII, thuốc phiện lan tới khu vực Thụy Sĩ.

Bảo tàng là nơi trưng bày hàng chục nghìn hiện vật.

Bảo tàng là nơi trưng bày hàng chục nghìn hiện vật.

Phần trưng bày liền kề bố trí dưới dạng mô hình tàu buôn của người Anh đưa thuốc phiện tới Ấn Độ, Trung Quốc. Diện tích khá lớn trong bảo tàng được dành ra để thuật lại diễn biến lắt léo của hành trình của thuốc phiện ở Trung Quốc giai đoạn thế kỷ XIX với cao trào là Chiến tranh thuốc phiện Trung Quốc - Anh (1839-1842).

Sang phần thuốc phiện xuất hiện tại Thái Lan, Bảo tàng ghi nhận rằng đầu thế kỷ XX, thuốc phiện từng là nguồn thuế đóng góp đáng kể cho nguồn thu của chính phủ Thái đương thời. Cụ thể, năm 1937, thuốc phiện tạo 9% thu nhập cho ngân sách và con số này tăng lên 21% vào năm 1944.

Trong khuôn khổ bảo tàng thuốc phiện, khách tham quan còn được chứng kiến những hình ảnh khắc họa trạng thái của người nghiện ma túy, thuốc phiện một cách chi tiết.

Trong khuôn khổ bảo tàng thuốc phiện, khách tham quan còn được chứng kiến những hình ảnh khắc họa trạng thái của người nghiện ma túy, thuốc phiện một cách chi tiết.

Giai đoạn 100 năm thuốc phiện được kinh doanh hợp pháp ở Thái Lan kết thúc bằng mốc sự kiện ngày 1/7/1959, khi chính quyền Thái Lan thời đó tổ chức cuộc tiêu hủy khối lượng lớn ma túy tại địa điểm giữa thủ đô Bangkok. Phần cuối của bảo tàng tập trung khái quát những nỗ lực liên kết quốc tế, khu vực, vạch trần một số thủ đoạn vận chuyển, cất giấu ma túy/thuốc phiện và rút ra một số bài học bổ ích về cuộc chiến chống ma túy đang tiếp diễn trên toàn cầu.

Mong muốn và thông điệp của các tác giả xây dựng bảo tàng ma túy là khơi dậy niềm tin cho mọi du khách về năng lực mà từng cá nhân có thể góp phần cho cuộc chiến chống ma túy cũng như các chất gây nghiện.

Hình ảnh các logo từng được in lên các bánh thuốc phiện từ khu vực Tam giác Vàng.

Hình ảnh các logo từng được in lên các bánh thuốc phiện từ khu vực Tam giác Vàng.

Các đồ vật như tẩu và cân từng được sử dụng ngày trước cũng được trưng bày tại bảo tàng.

Các đồ vật như tẩu và cân từng được sử dụng ngày trước cũng được trưng bày tại bảo tàng.

Đọc tiếp