Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2024 toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 6,12%.
Trong đó, Trà Vinh đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 6 cả nước về tăng trưởng. Theo Cục Thống kê tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt kết quả tích cực, tăng trưởng kinh tế khá cao so với cùng kỳ. Tốc độ tăng GRDP ước tính tăng 10,27% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
GRDP Trà Vinh tăng đều cả 3 khu vực. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,51%, đóng góp 0,94 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 22,15%, đóng góp 7,54 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 5,25%, đóng góp 1,75 điểm phần trăm.
Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh 6 tháng đầu năm có nhiều thuận lợi. Công nghiệp chế biến chế tạo duy trì tăng trưởng ổn định. Đặc biệt, ngành chủ lực sản xuất điện tăng trưởng mạnh, thúc đẩy chỉ số toàn ngành công nghiệp của tỉnh tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 58,87% so với cùng kỳ năm trước.
Về thương mại, dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 30.751 tỷ đồng, tăng 13,19% so với cùng kỳ năm trước.
Về phát triển doanh nghiệp, lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 232 doanh nghiệp và 137 đơn vị trực thuộc đăng ký mới với tổng vốn đăng ký là 1.462,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có 386 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc bổ sung ngành nghề kinh doanh, bổ sung vốn và các thay đổi khác, vốn bổ sung 1.219 tỷ đồng; hoạt động trở lại 40 doanh nghiệp. Tuy nhiên, đã có 87 doanh nghiệp, 171 đơn vị trực thuộc hoàn tất thủ tục giải thể; 126 doanh nghiệp và 64 đơn vị trực thuộc tạm ngừng hoạt động.
Tổng thu ngân sách Nhà nước tỉnh Trà Vinh ước tính 6 tháng đầu năm 2024 đạt 11.219 tỷ đồng, đạt 82,12% dự toán năm 2024, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.
Hậu Giang đứng thứ hai vùng Đồng bằng sông Cửu Long và xếp ở nhóm cao cả nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP 6 tháng đầu năm 2024 đạt 8,04%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng với khu vực II (công nghiệp, xây dựng) tăng 39,47%.
Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt 87,45 triệu đồng, tăng 131,89% so với cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phù hợp với khả năng thực hiện; công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc các nhà thầu, tư vấn đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh Hậu Giang có 490 doanh nghiệp thành lập mới, tổng số vốn 1.530 tỷ đồng. Đến nay, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động và có kê khai thuế là 4.499 doanh nghiệp, tăng 169 doanh nghiệp so cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp tục vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định.
Tăng trưởng kinh tế của tỉnh Cà Mau ước 6 tháng tăng 6,96%, đứng thứ 3 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và thứ 22 cả nước. Một số ngành, lĩnh vực quan trọng đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ và so với kế hoạch. Trong đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 9,3%, kim ngạch xuất khẩu tăng 8,9%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 19,3%, thu ngân sách tăng 14,5% so cùng kỳ.
Đến ngày 30/6 vừa qua, tỉnh Cà Mau đã giải ngân đạt khoảng 1.584 tỷ đồng, bằng 30,3% kế hoạch vốn, cao hơn tỷ lệ giải ngân cả nước. Ước tính đến hết quý 3 năm nay, tỉnh giải ngân đạt khoảng 75% kế hoạch vốn.
Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm nay của tỉnh (bao gồm năm 2023 chuyển sang năm 2024) là hơn 5.228,3 tỷ đồng. Cà Mau phấn đầu đến 31/01/2025 sẽ giải ngân đạt từ 95% kế hoạch vốn trở lên theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Từng bước cụ thể hóa tư duy mới, tầm nhìn mới, tạo ra các cơ hội phát triển và định hình giá trị vùng
Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra đầu tháng 7/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nêu rõ, để phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới, các Bộ, địa phương cần đề ra các giải pháp phù hợp với từng thời điểm để đón nhận thời cơ mới, vận hội mới nhằm phấn đấu đạt kết quả cao nhất về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển các ngành, lĩnh vực nói riêng.
Từ đó mở ra các cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị cho toàn vùng, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh sẵn có của các lĩnh vực, khu vực, địa phương và tháo gỡ, hóa giải những hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn, thách thức, khó khăn.
Phó Thủ tướng cho rằng, 6 tháng còn lại của năm 2024, cũng như thời gian còn lại của nhiệm kỳ, vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa để góp sức chung cùng với cả nước, 5 vùng còn lại để hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Một số giải pháp được Phó Thủ tướng nhấn mạnh như, tập trung cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng hiện đại, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực có thế mạnh. Phát triển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, sinh thái, bền vững gắn với các sản phẩm trọng tâm của vùng là thủy sản, trái cây và lúa gạo gắn với các cụm ngành nông, lâm, thủy sản, các trung tâm đầu mối.
Tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, nhất là điện gió, điện mặt trời gắn với bảo vệ rừng và bờ biển.
Phát triển kinh tế biển, trong đó chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và năng lượng tái tạo, nuôi trồng và khai thác hải sản xa bờ, các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, tái tạo nguồn lợi thủy sản và bảo vệ nguồn đa dạng sinh học biển.
Đồng thời, ưu tiên đầu tư, đẩy nhanh các dự án động lực, trọng điểm, có tính lan tỏa lớn, có tính liên kết vùng, liên tỉnh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng như dự án xây dựng cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, dự án đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1, cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh, dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, dự án đầu tư xây dựng cảng biển Trần Đề, Hòn Khoai…