Cục Thống kê Đồng Nai cho biết, dệt may là một trong 6 ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Ngoài đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu còn giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động với mức thu nhập ổn định.
Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu dệt may của tỉnh đạt trên 963 triệu USD, tăng gần 13% và xếp thứ 4 trong các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh. Trong đó, ngành dệt may chiếm 7,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Cũng theo Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai, khoảng 3-4 năm nay, nhiều nhà máy dệt may đã ứng dụng những máy móc công nghệ hiện đại vào dây chuyền sản xuất để tăng công suất, chất lượng sản phẩm và giảm áp lực về lao động.
Do đó, sản xuất may mặc ở Đồng Nai được khách hàng nước ngoài đánh giá cao về năng lực, vì có thể hoàn thành được những đơn hàng lớn trong thời gian ngắn.
Hiện nay, mặt hàng may mặc của doanh nghiệp Đồng Nai đã xuất sang 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. Các doanh nghiệp đa số sản xuất theo đơn đặt hàng của các nhãn hàng lớn trên thế giới.
Trong đó, trên 80% sản phẩm dệt may làm ra để xuất khẩu, gần 20% tiêu thụ ở thị trường trong nước. Một số quốc gia có nhập khẩu hàng dệt may lớn của Đồng Nai là: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Pháp, Indonesia, Campuchia. Riêng thị trường Hoa Kỳ chiếm 36% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành.
Theo Sở Công Thương Đồng Nai, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 6/2022 đạt 190 triệu USD, tăng 19,5% so với tháng trước, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2021. Một số thị trường xuất khẩu hàng dệt may có mức tăng trưởng cao trong tháng 6-2022 so với cùng kỳ gồm: Nhật Bản 19 triệu USD, tăng 27%; Pháp 13 triệu USD, tăng 30%; Campuchia 8 triệu USD, tăng 100% và Indonesia 7,5 triệu USD, tăng 83%..
Năm 2021, ngành dệt may chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19, trong quý III/2021, nhiều nhà máy sản xuất phía Nam phải tạm dừng hoạt động nhưng kim ngạch xuất khẩu của năm vẫn đạt 40 tỷ USD. Năm 2022, mục tiêu xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam là 40-41 tỷ USD (kịch bản trung bình) và 42-43,5 tỷ USD (kịch bản cao). Tại tỉnh Đồng Nai, dự kiến ngành dệt may sẽ về đích với gần 2 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang, để đạt được mục tiêu đề ra, các doanh nghiệp phải linh hoạt trong điều hành sản xuất, kinh doanh. Các doanh nghiệp liên kết theo chuỗi để hỗ trợ lẫn nhau và phát triển theo yêu cầu của nhãn hàng. Ngoài sản xuất theo đơn hàng của các nhãn hàng quốc tế, doanh nghiệp dệt may chú ý xây dựng thương hiệu riêng để tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm.