Đồng Tháp: Linh hoạt giải pháp thu hút nguồn lực phát triển kinh tế

Đồng Tháp: Linh hoạt giải pháp thu hút nguồn lực phát triển kinh tế

truyền thông Đồng Tháp
08:44 - 22/06/2023
Trao đổi với Mekong ASEAN, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, báo chí trong và ngoài tỉnh đã góp phần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh chính quyền, đội ngũ doanh nhân và nhân dân Đồng Tháp trong xây dựng Đất Sen Hồng phát triển.

Mekong ASEAN: Ông có thể chia sẻ về những chính sách cụ thể đã giúp Đồng Tháp tiếp tục giữ vững kết quả xếp hạng về chỉ số PCI trong top 5 cả nước cũng như dẫn đầu vùng ĐBSCL?

Ông Phạm Thiện Nghĩa: Trong nhiều năm qua, Đồng Tháp luôn xem cải thiện môi trường đầu tư là nhiệm vụ quan trọng, đột phá của tỉnh. Vì vậy, tỉnh luôn chú trọng ban hành nhiều chính sách theo hướng đổi mới, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, nổi bật như: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Tái cơ cấu ngành công nghiệp, Đề án phát triển du lịch, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp...

Năm 2022, tỉnh Đồng Tháp triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, mọi mặt kinh tế - xã hội đều bị tác động bởi dịch Covid-19 kéo dài trong hai năm 2020 và năm 2021. Trong bối cảnh đó, toàn hệ thống chính trị đã vào cuộc mạnh mẽ, triển khai thực hiện đồng bộ Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Thực tế cho thấy, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hiệu quả là một trong những giải pháp quan trọng để thu hút nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vì vậy, các cấp chính quyền của tỉnh luôn xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và thường xuyên.

Để thể hiện sự quyết tâm, vừa qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đưa chỉ tiêu về cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vào Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh (Nghị quyết 02-NQ/TU về phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2021 – 2025), quán triệt tư tưởng và thống nhất chỉ đạo chung. Theo đó, mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025, xếp hạng chỉ số PCI của tỉnh phải nằm trong Nhóm 5 tỉnh/thành phố dẫn đầu trên cả nước.

Trên tinh thần đó, UBND Tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành, tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, UBND Tỉnh cũng quán triệt thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.

Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục tăng cường công tác đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (cụ thể, duy trì mô hình “Cà phê doanh nghiệp”, Tổng đài 1022...).

Thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính (CCHC); triển khai thực hiện mô hình dịch vụ hành chính công để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; tăng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính.

Đồng thời thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp như: Hỗ trợ xúc tiến thương mại, đổi mới khoa học và công nghệ, chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hỗ trợ đào tạo lao động...;

Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 và quan tâm đầu tư phát triển các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh; thực hiện tốt công tác tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Xây dựng và hoàn chỉnh Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng phê duyệt; Thực hiện quy hoạch và phát triển đồng bộ hệ thống các khu cụm công nghiệp hạ tầng giao thông…

Mekong ASEAN: Với những chính sách đã đặt ra, theo ông, tỉnh Đồng Tháp đã có công tác truyền thông thế nào để người dân tiếp cận sát thực tế, sát điều kiện khả năng, bối cảnh chính sách của Tỉnh nói riêng và đất nước nói chung?

Ông Phạm Thiện Nghĩa: UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch truyền thông chính sách, quảng bá hình ảnh tỉnh Đồng Tháp năm 2023 với mục tiêu truyền thông chủ trương, đường lối, chính sách hình ảnh địa phương trong và ngoài nước ngay từ khi chuẩn bị xây dựng chính sách nhằm đảm bảo nguyên tắc truyền thông đi trước để thống nhất nhận thức, hành động, đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, truyền thông chính sách sẽ được đẩy mạnh trên các phương tiện truyền thông mới như: Ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số, đa dạng hình thức truyền thông; đổi mới hình thức ấn phẩm truyền thông theo hướng tinh gọn, dễ hiểu, gần gũi, trực quan, tạo hiệu ứng tích cực trong công tác tuyên truyền.

Mekong ASEAN: Ông có thể chia sẻ về những kết quả nổi bật và tác động tích cực khi triển khai tuyên truyền, truyền thông chính sách trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp?

Ông Phạm Thiện Nghĩa: Nhờ quan tâm sâu sát công tác tuyên truyền, truyền thông chính sách, tỉnh Đồng Tháp đã tạo được sự thấu hiểu nhất quán, đồng thuận trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình, đề án trọng tâm của tỉnh đến với cán bộ, công chức, viên chức cũng như người dân và doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hình ảnh địa phương thân thiện, nghĩa tình, tiềm năng, luôn đồng hành và giàu khát vọng phát triển.

Đối với Đồng Tháp, chúng tôi xem chỉ số PCI là một trong những chỉ số quan trọng, là sự soi chiếu để cải cách mạnh mẽ hơn, mang đến sự hài lòng và giá trị thiết thực hơn cho doanh nghiệp, tạo động lực mạnh mẽ để phát triển nhiều lĩnh vực khác.

Báo cáo PCI năm 2022 của VCCI cũng chỉ rõ, tỉnh Đồng Tháp luôn chú trọng triển khai các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ để hiện thực hóa tầm nhìn trở thành một “địa phương khởi nghiệp”; “nhất quán trong chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế” và “quyết liệt trong công tác thu hút đầu tư”.

Đặc biệt, các cơ quan thông tấn báo chí đã có vai trò quan trọng và phát huy hiệu quả trong công tác truyền thông chính sách để đưa những thông tin trên đến với mọi người.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa

Mekong ASEAN: Ông có thể cho biết đánh giá về vai trò của cơ quan thông tấn báo chí trong việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách hiện nay?

Ông Phạm Thiện Nghĩa: Các cơ quan báo chí có vai trò quan trọng và phát huy hiệu quả trong công tác truyền thông chính sách. Luôn chủ động, tích cực theo sát những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội; các sự kiện nổi bật; quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh địa phương, nhất là đề cập điểm sáng về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Tỉnh.

Quyết tâm thực hiện hiệu quả các đề án, chương trình trọng tâm; hình ảnh chính quyền kiến tạo, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phục vụ, năng động, nhiệt huyết,...

Qua đó, góp phần củng cố niềm tin, tạo sự đồng thuận xã hội về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự phát triển của tỉnh nhà, giữ gìn và quảng bá hình ảnh địa phương.

Nổi bật, nhiều cơ quan thông tấn, báo chí ngoài Tỉnh chủ động đến tỉnh Đồng Tháp tác nghiệp, thực hiện chương trình, chủ yếu liên quan lĩnh vực nông nghiệp, mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, các điểm tham quan du lịch và sản phẩm đặc trưng; phối hợp tốt với một số cơ quan báo chí ngoài Tỉnh tổ chức những sự kiện quan trọng, tạo mối quan hệ thân thiện giữa chính quyền và báo chí, nhận được sự đồng hành hỗ trợ thông tin khi Tỉnh có yêu cầu.

Mekong ASEAN: Về kế hoạch dài hạn, tỉnh Đồng Tháp có hành động gì để thu hút các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước có dự án vào tỉnh thông qua các kênh truyền thông chủ lực?

Ông Phạm Thiện Nghĩa: Để quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư, thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đến với Đồng Tháp, chúng tôi sẽ tập trung một số giải pháp về truyền thông như: Phát huy vai trò của các cơ quan báo chí trong tỉnh và Cổng Thông tin điện tử Đồng Tháp trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hình ảnh chính quyền, đội ngũ doanh nhân và nhân dân Đồng Tháp quyết tâm xây dựng Đất Sen Hồng ấm no, phồn thịnh, văn hóa - xã hội phát triển.

Ngoài ra, tăng cường hợp tác với các cơ quan báo chí ngoài tỉnh (báo viết, báo nói, báo hình, báo điện tử), kênh truyền thông đối ngoại … có lượng độc giả lớn, được nhân dân thường xuyên theo dõi, truy cập, có nhiều bài viết tuyên truyền tích cực, quảng bá hình ảnh tỉnh Đồng Tháp nhằm đa dạng thông tin về hoạt động kinh tế - xã hội đến Nhân dân trong nước và quốc tế.

Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền các hoạt động của ngành, đơn vị trên trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo ...) của các đơn vị để nhanh chóng lan tỏa hình ảnh Đồng Tháp đến với bạn bè trong nước và thế giới; xây dựng các ấn phẩm điện tử, video clip quảng bá các giá trị đặc sắc, độc đáo của địa phương để đăng, phát trên các nền tảng mạng xã hội nhằm tăng cường hiệu quả truyền thông.

Đồng thời, hệ thống truyền thanh cơ sở, bảng tin điện tử công cộng và các loại hình thông tin cơ sở khác là một trong những kênh tuyên truyền hữu hiệu để đưa thông tin đến với người dân, doanh nghiệp nhanh và hiệu quả nhất.

Mekong ASEAN: Xin cảm ơn ông!

Đọc tiếp