Đồng Tháp tạo sức mạnh phát triển bằng sự liên kết vùng

Đồng Tháp tạo sức mạnh phát triển bằng sự liên kết vùng

KINH TẾ Đồng Tháp
09:38 - 28/01/2023
Đối với vai trò và chiến lược phát triển trong năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh, liên kết và hợp tác là những yếu tố tạo nên sức mạnh địa phương và rộng hơn là thương hiệu quốc gia, đưa đất nước tiến nhanh đến sự phồn thịnh.

Mekong ASEAN: Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021 - 2030 được công bố đã mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho các địa phương trong vùng. Đón đầu các cơ hội này, Đồng Tháp đã chuẩn bị những gì để phát huy triệt để những tiềm năng hiện có và tỉnh xác định vai trò như thế nào trong mục tiêu liên kết vùng ĐBSCL mà Chính phủ đề ra?

Ông Phạm Thiện Nghĩa: ĐBSCL giữ vai trò then chốt trong bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đóng góp 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, gần 70% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản. Đây không chỉ là vùng kinh tế quan trọng, mà còn mang ý nghĩa hết sức đặc biệt về các yếu tố địa lý, thiên nhiên, cảnh quan, lịch sử. Thời gian qua, do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến việc thiếu tính định hướng, tầm nhìn quy hoạch nên ĐBSCL chưa tạo bước đột phá, kinh tế vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng hiện có.

Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã cụ thể hóa hơn phương hướng tổ chức không gian và phát triển của vùng trên tinh thần "thuận thiên", "chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu", qua đó, mở ra các cơ hội phát triển và định hình các giá trị mới cho miền Tây Nam bộ.

Nắm bắt những cơ hội phát triển đó, Đồng Tháp đã chủ động triển khai nhiều giải pháp. Trong đó phát huy tính liên kết trong quan điểm chỉ đạo, điều hành để phát triển bền vững địa phương cũng như trong mối tương quan với các địa phương khác trong vùng.

Tôi cho rằng, chỉ khi có liên kết mới tạo nên sức mạnh. Liên kết không chỉ phát triển cho từng địa phương, mà tạo sức mạnh, động lực phát triển cho cả vùng. Đây là yếu tố quan trọng để vượt qua thách thức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tạo nên sức mạnh địa phương và rộng hơn là thương hiệu quốc gia, đưa đất nước tiến nhanh đến sự phồn thịnh.

Cụ thể, tính liên kết thể hiện qua chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp, bằng việc Đồng Tháp kiên trì thay đổi từ nhận thức đến hành động trong bộ máy công quyền. Từ ứng xử theo kiểu xin - cho thành đồng hành với doanh nghiệp, có nhiều sáng tạo trong triển khai chương trình khởi nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển sản phẩm đặc thù của địa phương. Trong 14 năm liên tục Đồng Tháp nằm trong top đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), là minh chứng rõ nét nhất cho điều này.

Câu hỏi lớn nhất hiện nay vẫn là bức tranh toàn cảnh của tỉnh trong mối quan hệ với các địa phương trong vùng ĐBSCL. Với liên kết vùng, Đồng Tháp là địa phương khởi xướng cùng với Long An, Tiền Giang, xây dựng triển khai Đề án Liên kết phát triển tiểu vùng Đồng Tháp Mười.

Mekong ASEAN: Với nền tảng liên kết phát triển vùng này, ông đánh giá thế nào về tình hình đầu tư tại tỉnh trong thời gian qua và kế hoạch thu hút thêm nhiều nhà đầu tư trong giai đoạn tới?

Ông Phạm Thiện Nghĩa: Công tác xúc tiến và kêu gọi đầu tư được xem là một trong những động lực cho phục hồi kinh tế. Trong năm 2022, tỉnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu và đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh như CTCP NovaGroup, CTCP Tập đoàn T&T, CTCP Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp Phát Đạt, Tập đoàn Masterise, Tập đoàn Everland, Đoàn công tác huyện Cheorwon (tỉnh Gangwon, Hàn Quốc); CTCP đồ hộp Hạ Long; Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV…

Đến nay, Đồng Tháp đã tiếp nhận mới 74 hồ sơ đăng ký dự án đầu tư; trong đó có 20 dự án được chấp thuận đầu tư. Đối với các dự án đăng ký đầu tư giai đoạn 2020 - 2022, đã có 16 dự án hoàn thành thủ tục đầu tư và đi vào hoạt động; 16 dự án đang xây dựng; các dự án còn lại đang triển khai thủ tục đầu tư.

Mekong ASEAN: Theo ông, tỉnh Đồng Tháp còn thiếu những cơ chế nào để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và những điểm mạnh của tỉnh, xin ông chia sẻ những chủ trương, giải pháp tổng thể để tỉnh có thể hoàn thành được những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra?

Ông Phạm Thiện Nghĩa: Với sự quan tâm của Trung ương và sự nỗ lực của địa phương trong thời gian qua, các cơ chế chính sách đã được triển khai kịp thời, góp phần bảo đảm sự phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Tháp.

Thế mạnh của Đồng Tháp là sản xuất nông nghiệp và chế biến. Do đó, tỉnh rất cần cơ chế chính sách về phát triển hợp tác xã kiểu mới, cũng như các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, chính sách về logistics và khu kinh tế cửa khẩu... để phát huy lợi thế của địa phương và vùng.

Vừa qua, Tập đoàn Đầu tư Sokimex của Campuchia và Tập đoàn NovaGroup đã ký kết biên bản tham gia hợp tác đầu tư và phát triển dự án Khu đô thị Rồng Xanh (Blue Dragon) tại thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, thuộc đại dự án Mekong Smartcity của NovaGroup. Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng, kỳ vọng thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng biên giới của tỉnh Đồng Tháp phát triển. Hiện nay, tỉnh đang nghiên cứu xây dựng và đề xuất chính sách đặc thù cho nhà đầu tư tại khu kinh tế cửa khẩu.

Về tổng thể phát triển, Đồng Tháp tuân theo quy luật "thuận thiên", phát triển nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ đảm bảo hài hòa lợi thế tự nhiên, đồng thời tạo sự khác biệt của Đồng Tháp với các địa phương khác. Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế đặc trưng và nguồn lực của từng khu vực, cũng như chủ động hợp tác và hội nhập, thúc đẩy vai trò của tỉnh Đồng Tháp trong các mối quan hệ liên kết... sẽ là những quan điểm chủ đạo trong định hướng phát triển bền vững thời gian tới.

Đặc biệt, Đồng Tháp xem nhân tố con người, thiên nhiên là quan trọng nhất, xem hạnh phúc và chất lượng cuộc sống của người dân là cốt lõi và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hóa, con người Đồng Tháp là sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

Có thể nói, sự giàu có của tỉnh Đồng Tháp trong tương lai chính là nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện có, sự đa dạng sinh học của nhiều cảnh quan khác nhau, một nền kinh tế nông nghiệp chiến lược, an ninh nguồn nước và cuối cùng là một địa phương hấp dẫn cho du lịch sinh thái cùng với những đổi mới công nghệ.

Về giải pháp phát triển, cùng với nỗ lực hoàn thiện hạ tầng giao thông, Đồng Tháp tiếp tục triển khai các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh Chương trình Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tỉnh tiếp tục chú trọng cải cách hành chính, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng chính quyền thân thiện, phục vụ nhân dân; triển khai Đề án Chuyển đổi số tỉnh Đồng Tháp, trọng tâm là các Đề án Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục, y tế...

Mekong ASEAN: Nói về nông nghiệp, Đồng Tháp từ lâu được biết đến là thủ phủ đất Sen hồng với các sản phẩm làm từ hoa sen và nổi tiếng với thương hiệu Xoài Cao Lãnh đã đi ra thị trường quốc tế. Ông có thể chia sẻ thêm về kế hoạch xây dựng thương hiệu đặc sản của tỉnh?

Ông Phạm Thiện Nghĩa: Trong Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh đã đưa ngành hàng cây sen là một trong những ngành hàng chủ lực và hướng tới sẽ phát triển cây sen với hình thức đa giá trị hơn.

Tỉnh đang triển khai các hoạt động phát triển ngành hàng sen, quan tâm đồng hành hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển các sản phẩm chế biến từ cây sen, nhất là các dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp từ sen nhằm đưa ngành hàng sen Đồng Tháp phát triển bền vững.

Đồng Tháp cũng đã có những chính sách, chương trình để phát triển khởi nghiệp và cũng đã có liên kết với các doanh nghiệp để phát triển những cánh đồng sen lớn hơn, vừa để phát triển du lịch, vừa tạo được nguồn nguyên liệu để phát triển được chuỗi ngành hàng sen.

Đối với sản phẩm xoài, đây là một trong 5 ngành hàng nông sản chủ lực của tỉnh Đồng Tháp, chiếm 33,7% tổng diện tích cây ăn trái (hơn 14.000 ha), xếp thứ hai khu vực ĐBSCL về sản lượng. Giống xoài chủ lực gồm Cát Chu, Cát Hòa Lộc đã được xuất khẩu sang các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Mỹ, EU…

Kế hoạch phát triển ngành hàng xoài tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025 không chỉ gia tăng về diện tích, sản lượng, lợi nhuận mà còn đặt ra chỉ tiêu thu hút đầu tư mới nhà máy chế biến xoài và phế phụ phẩm xoài có công suất 30.000 tấn xoài/năm, cao gấp 5 lần so với năm 2020.

Đến năm 2025, diện tích trồng mới, cải tạo vườn xoài già cỗi kém hiệu quả là 4.450 ha (36% diện tích trồng xoài); tiếp tục lựa chọn 2 loại giống xoài chủ lực là Cát Chu và Cát Hòa Lộc đưa vào sản xuất. Việc phát triển nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý xoài Cao Lãnh sẽ tiếp tục ưu tiên các thị trường đã nhập khẩu xoài Việt Nam.

Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh sẽ đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông nội đồng, kết nối giao thông nội đồng và hệ thống giao thông kết nối vùng sản xuất xoài tập trung quy mô lớn phù hợp với quy hoạch của từng địa phương.

Bên cạnh đó, phát triển hệ thống logistics phục vụ thương mại cho xoài và các loại nông sản khác gắn với chợ đầu mối trái cây tỉnh, hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư hệ thống vận chuyển, kho chứa lạnh và hệ thống xử lý, sơ chế trên cơ sở đề xuất và phương án kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh đặt tại các thành phố lớn cả nước.

Mekong ASEAN: Xin chân thành cảm ơn ông!

Đọc tiếp