Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng 338,30 điểm, tương đương 0,97%, đóng cửa ở mức 35.294,29 điểm. S&P 500 tăng 1,23% lên 4.631,60 điểm trong khi Nasdaq Composite tăng 1,84% lên 14.619,64 điểm. Như vậy, Dow Jones và S&P 500 vừa ghi nhận phiên tăng thứ tư liên tiếp.
Dow Jones tăng 338,30 điểm, phiên tăng thứ tư liên tiếp khi thị trường lạc quan về một thỏa thuận ngừng bắn sớm đạt được (Ảnh: CNBC) |
Nhóm cổ phiếu ô tô là một trong những nhóm tăng mạnh nhất khi diễn biến hạ nhiệt ở chiến sự Ukraine làm tăng triển vọng bình ổn giá dầu. Cổ phiếu Ford tăng 6,5% trong khi GM tăng hơn 4%. Cổ phiếu ngành du lịch và hàng không cũng tăng vượt trội, cổ phiếu Caesar’s Entertainment tăng 5,6% và American Airlines tăng 5%.
Trong lĩnh vực công nghệ, Netflix ghi nhận mức tăng giá cổ phiếu hơn 3% và Snap tăng 4,5%. Ở nhóm y tế, cổ phiếu của Moderna đã tăng 4,4% sau khi Mỹ phê duyệt thêm một mũi tiêm nhắc lại vaccine COVID-19 tăng cường cho nhóm dân số từ 50 tuổi trở lên.
Hy vọng ngày càng tăng về một lệnh ngừng bắn ở Ukraine là yếu tố chính hỗ trợ cho tâm lý đầu tư. Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin hôm 29/3 tuyên bố nước này sẽ giảm mạnh các hoạt động quân sự gần thủ đô Kiev của Ukraine.
Trước đó, trong cuộc đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cho biết sẽ không có thỏa thuận nào trừ khi mọi thứ được thống nhất hoàn toàn. Tuy vậy, cổ phiếu tiếp tục duy trì đà tăng khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Mỹ chú trọng vào động thái của Nga hơn là các phát ngôn liên quan.
Giá dầu thô WTI giao ngay đã giảm xuống dưới 100 USD/ thùng có thời điểm giảm xuống dưới 100 USD/ thùng trước khi phục hồi lên khoảng 104 USD / thùng.
Với diễn biến đàm phán thỏa thuận ngừng bắn, các nhà đầu tư dường như đang bớt quan ngại về nỗi lo suy thoái kinh tế. Ông Mark Haefele, giám đốc đầu tư tại UBS Global Wealth Management nhận định trên CNBC: “Kịch bản cơ sở của chúng tôi là nền kinh tế tránh được rủi ro suy thoái, điều này làm giảm bớt mối đe dọa về xu hướng các chỉ số chứng khoán giảm liên tục. Nhà đầu tư nên chuẩn bị cho việc Cục Dự trữ Liên bang FED nâng lãi suất mạnh hơn khi xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ tiếp tục, tránh phản ứng quá mức bằng các đợt bán tháo”.
Ông Yung-Yu Ma, chiến lược gia đầu tư tại BMO Wealth Management thì thận trọng hơn khi cho rằng: “Có một số tín hiệu lạc quan, nhưng tôi nghĩ câu hỏi thực sự là những tác động kinh tế sẽ kéo dài bao lâu”.