Dự án khí điện Lô B - Ô Môn bao giờ mới có dòng khí đầu tiên?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
0:00 / 0:00
0:00
Dự án khí Lô B – Ô Môn là một trong những dự án khí lớn nhất tại Việt Nam, sẽ đảm bảo nguồn cung cấp khí cho phát điện, thay thế cho một số mỏ khí trưởng thành đang ở giai đoạn khai thác cuối cùng.

Tại Văn bản 284/TB-BCT ngày 28/11/2022 thông báo kết luận của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An tại cuộc họp ngày 18/11 về tình hình triển khai chuỗi dự án khí – điện Lô B, đã đặt ra các mốc thời gian cụ thể cho từng phần công việc của các bên tham gia.

Theo đó, Thứ trưởng An yêu cầu PVN xem xét, thống nhất với Nhà đầu tư thượng nguồn (MOECO, PTTEP, PVEP) phải có quyết định đầu tư cuối cùng (FID) chậm nhất trong tháng 6/2023, và thời điểm Dự án Phát triển mỏ khí Lô B có dòng khí đầu tiên (First Gas) chậm nhất vào quý IV năm 2026. Đồng thời báo cáo các cơ quan quản lý nhà nước, thông báo cho các đối tác trung nguồn và hạ nguồn ngay trong tháng 11/2022.

Các nhà đầu tư thượng nguồn phải phê duyệt và phát hành hồ sơ mời thầu Gói thầu thiết kế, xây dựng, lắp đặt cụm Giàn công nghệ trung tâm và Giàn nhà ở (EPCI#1) của Dự án phát triển mỏ khí Lô B ngay trong tháng 11/2022 và ký kết Hợp đồng EPC#1 trong tháng 6/2023.

Đồng thời, các nhà đầu tư thượng nguồn cũng phê duyệt và phát hành hồ sơ mời thầu Gói thầu các đường ống nội mỏ (EPCI#2) của Dự án Phát triển mỏ khí Lô B chậm nhất trong tháng 12/2022, ký kết Hợp đồng EPC#2 chậm nhất trong tháng 6/2023.

Hoàn tất đàm phán và ký kết các Thỏa thuận mua bán khí (GSPA), Thỏa thuận bán khí (GSA) và Thỏa thuận mua bán điện (PPA) chậm nhất trong quý I/2023.

PVN cùng các nhà đầu tư trung nguồn (PVGas, PTTEP, MOECO) khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện việc điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn, đảm bảo đồng bộ tiến độ các dự án thượng nguồn và hạ nguồn.

EVN sẽ phê duyệt và phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu EPC Dự án Nhà máy điện Ô Môn IV trong quý IV/2022. Đồng thời chỉ đạo Tổng công ty Phát điện 2 (GENCO2) triển khai Dự án đầu tư chuyển đổi nhiên liệu dầu FO sang sử dụng nhiên liệu khí Lô B cho Nhà máy điện Ô Môn I đồng bộ với tiến độ cấp khí.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng An cũng đưa ra các mốc thời gian EVN phải thực hiện một số thủ tục như: trong tháng 11/2022, EVN phải làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để hoàn tất thủ tục thẩm định đề xuất Nhà máy điện Ô Môn III sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận. Và trong tháng 12/2022, cơ quan này cũng phải trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Nhà máy điện Ô Môn III.

Trước đó, tại Văn bản số 7127/BCT-ĐTĐL ngày 10/11, Bộ Công Thương cũng đã có ý kiến thống nhất với Tập đoàn PVN và EVN việc các nhà máy nhiệt điện sử dụng khí Lô B gián tiếp tham gia thị trường điện theo quy định tại Thông tư số 45 của Bộ Công Thương.

Theo nội dung văn bản đề cập, Bộ Công Thương khẳng định vai trò quan trọng của các dự án trọng điểm về dầu khí góp phần vào phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền Việt Nam.

Chuỗi dự án khí Lô B đã được Phó Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào danh mục các dự án trọng điểm dầu khí do Ban Chỉ đạo Nhà nước các dự án trọng điểm về dầu khí theo dõi, chỉ đạo tại Mục 7 Thông báo số 248/TB-VPCP ngày 31/5/2017 của Văn phòng Chính phủ về Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các dự án trọng điểm về dầu khí tại cuộc họp Ban Chỉ đạo ngày 19/5/2017.

Từ đó đến nay, chuỗi dự án trọng điểm trị giá hơn 10 tỷ USD do các tập đoàn nhà nước PVN, EVN nắm giữ đã gặp nhiều trở ngại, chậm trễ nhiều năm. Thường trực Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã liên tục chỉ đạo phải tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn để phục vụ lợi ích quốc gia. Rất nhiều cuộc họp và hàng loạt văn bản thông báo ý kiến kết luận, chỉ đạo của Chính phủ đã được ban hành: Văn bản số 37/TTg-CN ngày 2/6/2020; Văn bản số 151/TB-VPCP ngày 9/12/2020; Văn bản số 190/TB-VPCP ngày 29/6/2022; Văn bản số 114/TB-VPCP ngày 29/9/2022...

Dự án khí Lô B – Ô Môn là một trong những dự án khí lớn nhất tại Việt Nam, sẽ đảm bảo nguồn cung cấp khí cho phát điện, thay thế cho một số mỏ khí trưởng thành đang ở giai đoạn khai thác cuối cùng.

Chuỗi dự án có mối quan hệ hữu cơ cộng sinh với nhau gồm các thành phần: Dự án khai thác mỏ khí Lô B (thượng nguồn), dự án đường ống Lô B – Ô Môn (trung nguồn) và các nhà máy điện trên bờ (hạ nguồn).

Dự án phát triển mỏ Lô B: trữ lượng khí ước tính khoảng 107 tỷ m3. Các bên tham gia gồm PVN (giữ vai trò điều hành), MOECO (Nhật Bản), PTTEP (Thái Lan) và PVEP. Tổng chi phí dự án: 11,25 tỷ USD (thời giá 2016). Phần thu của Chính phủ trong toàn vòng đời dự án: 21 tỷ USD; PVN và PVEP: 9 tỷ USD; MOECO và PTTEP: 4 tỷ USD. Hợp đồng chia sản phẩm dầu khí (PSC) Lô B & 48/95 được ký kết tháng 5/1996, Lô 52/97 ký hồi tháng 10/1999.

Dự án đường ống Lô B – Ô Môn: tổng chiều dài gần 400km (trong đó tuyến ống trên biển dài khoảng 246km, tuyến ống trên bờ dài khoảng 152km, ngang qua địa bàn thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau), công suất vận chuyển khí đạt 18,3 triệu m3/ngày đêm (6,4 tỷ m3/năm). Các bên tham gia gồm PVN (điều hành), MOECO, PTTEP, PVGAS. Tổng chi phí dự án: 2,7 tỷ USD. Phần thu của Chính phủ 0,8 tỷ USD; PVN và PVGAS: 2,5 tỷ USD; MOECO và PTTEP: 0,6 tỷ USD.

Dự án hạ nguồn gồm 5 nhà máy điện (Trung tâm Năng lượng Ô Môn): Ô Môn I (660MW, chủ đầu tư EVNGENCO2, đã hoàn thành đi vào hoạt động); Ô Môn II (1.050MW, Marubeni/Vietracimex, đã cấp chủ trương đầu tư, đang làm các thủ tục để triển khai xây dựng); Ô Môn III và IV (mỗi nhà máy công suất 1.050MW, chủ đầu tư EVN, trong đó Ô Môn III đã nhận quyết định chấp thuận đầu tư từ UBND tỉnh Cần Thơ, Ô Môn IV đã có chủ trương đầu tư, đang phát hành hồ sơ chọn lựa); Ô Môn V đang được EVN xin chủ trương đầu tư.

Tổng công suất của 5 nhà máy tại Trung tâm Điện lực Ô Môn là khoảng 3.810 MW. Các nhà máy này sẽ tiêu thụ khoảng 4,5-5 tỷ m3 khí/năm.

Tại hội nghị triển khai, quán triệt Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ diễn ra ngày 15/4/2022, ông Lê Quang Mạnh, Bí thư Thành uỷ Cần Thơ cho biết, Trung tâm năng lượng Ô Môn đã bị chậm tiến độ khoảng 10 năm.

Tin liên quan

Đọc tiếp