Theo Reuters, trong cuộc bỏ phiếu ngày 11/5, Ủy ban Thị trường nội khối và Ủy ban Về quyền tự do dân sự của EP đã thông qua hơn 3.000 điều chỉnh trong dự luật Quản lý trí tuệ nhân tạo, khẳng định quan điểm cần kiểm soát, quản lý các công cụ AI song song với thúc đẩy sáng tạo trong lĩnh vực này.
Văn bản này bao gồm những ý chính trong đề xuất mà EC đã đưa ra từ 2 năm trước và có bổ sung các điều khoản cấm sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt tại những nơi công cộng, các công cụ sử dụng thuật toán dự báo hành vi tội phạm và các biện pháp minh bạch mới với các ứng dụng AI tạo sinh như ChatGPT của OpenAI. Những công ty phát triển các ứng dụng này sẽ phải gửi thông báo lưu ý người dùng rằng các công cụ này là do máy móc tạo ra.
Mặc dù danh sách được EC đề xuất đã bao gồm các trường hợp sử dụng AI trong quản lý cơ sở hạ tầng trọng yếu, giáo dục, nhân lực, trật tự công cộng và nhập cư nhưng các nghị sỹ EP đều mong muốn bổ sung những ngưỡng quy định phân định những mối đe dọa với an ninh, y tế và các quyền cơ bản.
Trong văn bản này cũng có phần nội dung yêu cầu bổ sung các tiêu chí để xác định lĩnh vực có nguy cơ cao nếu ứng dụng AI, qua đó hạn chế quy mô thiết kế công cụ. Theo đó, các công cụ AI sẽ được phân loại theo mức độ rủi ro mà mỗi công cụ có thể gây ra, từ mức thấp tới mức không thể chấp nhận được.
Ngay cả khi các công cụ có nguy cơ rủi ro cao cũng sẽ không bị cấm, nhưng các nhà phát triển mô hình AI tạo sinh sẽ phải công khai bất kỳ tài liệu có bản quyền nào được sử dụng trong quá trình phát triển hệ thống. Điều này đồng nghĩa với việc các công ty phát triển AI sẽ không thể che giấu bất kỳ hoạt động nào có thể ảnh hưởng đến người dùng hoặc xã hội, giúp đảm bảo rằng công nghệ AI sẽ được sử dụng một cách đúng đắn và an toàn.
Chia sẻ với Reuters, nghị sĩ Svenja Hahn cho biết, bên cạnh mục tiêu kiểm soát những rủi ro thì EC vẫn phải đảm bảo việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, không ngăn cản tự do sáng tạo và phát triển kinh tế.
"Vượt qua những ý kiến cực đoan về giám sát và mong muốn kiểm soát quá mức, nghị viện đã tìm thấy một thỏa hiệp vững chắc để điều chỉnh AI một cách tương xứng, bảo vệ quyền của công dân, cũng như thúc đẩy đổi mới và thúc đẩy nền kinh tế", bà Svenja Hahn nói thêm.
Phát biểu trước thềm cuộc bỏ phiếu, ông Dragos Tudorache, nghị sỹ phụ trách soạn thảo các điều luật cho rằng, xã hội đang mong đợi các cơ quan lập pháp có hành động kiên quyết với AI và tác động của công nghệ này đối với cuộc sống của người dân.
Đạo luật AI đang được mong đợi tại EU sẽ trở thành luật hoàn chỉnh đầu tiên quản lý công nghệ này, với những quy định xung quanh việc sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt, kiểm tra sinh trắc và các ứng dụng AI khác.
Sau 2 năm thảo luận, Nghị viện châu Âu dự kiến biểu thông qua dự luật này vào giữa tháng 6/2023. Sau đó là cuộc thương lượng giữa Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu và chính phủ các nước thành viên để xem xét và hoàn thiện.
Theo Wall Street Journal, các quốc gia EU đặt mục tiêu hoàn tất đàm phán và thông qua phiên bản cuối cùng của dự luật vào cuối năm nay. Nếu trở thành luật, đây sẽ là bộ quy tắc toàn diện đầu tiên của thế giới nhằm điều chỉnh việc phát triển các công cụ AI.
Sự ra đời của ChatGPT, một chatbot AI do OpenAI phát triển và ra mắt vào tháng 11/2022, đã châm ngòi cho một cuộc chạy đua công nghệ giữa các công ty công nghệ để tung ra những công cụ AI tạo sinh tương tự. Chính sự phổ biến chóng mặt của các công cụ như vậy đã khiến các nhà lập pháp tại Mỹ và hàng loạt chuyên gia công nghệ kêu gọi cần có những điều chỉnh kịp thời để kiểm soát AI.