Thu hoạch cà phê tại Buôn Ma Thuột. |
Phát biểu điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, đây là lần đầu tiên Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho đơn vị cấp thành phố thuộc tỉnh, cấp huyện.
Quốc hội đã thảo luận ở tổ về nội dung này và có 42 lượt ý kiến phát biểu, cơ bản các ý kiến thống nhất cần thiết ban hành Nghị quyết để thể chế hóa chủ trương của Đảng, phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển Buôn Ma Thuột nhanh và bền vững, trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, cực tăng trưởng có tác dụng lan tỏa tới cấp tỉnh trong vùng.
Nhất trí về sự cần thiết ban hành cơ chế chính sách đặc thù cho Buôn Ma Thuột xuất phát từ vị trí, vai trò của thành phố đối với toàn tỉnh và vùng Tây Nguyên, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) cho biết, dự thảo của Chính phủ đã quy định 4 cơ chế đặc thù áp dụng cho Buôn Ma Thuột, trên cơ sở các chính sách đã cho phép áp dụng tại các địa phương Nghệ An, Thanh Hóa và Khánh Hòa. Tuy nhiên đại biểu cho rằng, bên cạnh những chính sách đã trình cần có thêm một số chính sách để thành phố phát triển đột phá mạnh hơn.
Theo đại biểu, thế mạnh của Tây Nguyên là rừng và cây công nghiệp. Do đó, cần có thêm cơ chế, chính sách đặc thù với những ưu đãi cao nhất về chính sách đầu tư về thuế, về tín dụng, về khoa học công nghệ để Buôn Ma Thuột phát triển thành trung tâm công nghệ cao, chế biến sản phẩm của rừng và cây công nghiệp, tạo nên chuỗi giá trị và thương hiệu sản phẩm đặc trưng.
Rừng đối với đồng bào Tây Nguyên có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Từ rừng đồng bào đã hình thành và xây dựng nên một hệ thống ứng xử giữa người và rừng, tạo nên nền tảng của văn hóa phong tục tập quán Tây Nguyên. Một trung tâm như thế sẽ giúp đồng bào giữ gìn và phát triển rừng và tiêu thụ hàng hóa nông sản, khắc phục được tình trạng “được mùa mất giá” của người trồng nông sản.
Ảnh: Quochoi
Liên quan đến chính sách phát triển cà phê, đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) cho biết, dự thảo quy định thuế suất thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 30 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp là 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong vòng 9 năm tiếp theo.
Đại biểu cho rằng, quy định trên cần làm rõ thêm nguồn gốc sản phẩm là dự án trồng cà phê và chế biến cà phê tại địa phương hay mang từ nơi khác đến. Đồng thời phải xem xét mức đề xuất được miễn, giảm tại địa phương phải bảo đảm cạnh tranh đối với các huyện khác trong toàn tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh khác trong khu vực Tây Nguyên theo quy định.
Đồng tình với cơ chế ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các lĩnh vực đầu tư và mức ưu đãi đầu tư như Tờ trình của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Đoàn Bến Tre) đề nghị cần rà soát kỹ và cụ thể hơn nữa các lĩnh vực đầu tư.
Theo đó, nếu có thu hút ngành sản xuất, chế biến cà phê phải kèm theo điều kiện về công nghệ, độ lớn, nguồn vốn đầu tư và tính mới của sản phẩm để đảm bảo công bằng với các tỉnh trong khu vực. Đại biểu cho rằng có thể thu hút đầu tư dự án xây dựng và vận hành Bảo tàng cà phê thế giới trên TP Buôn Ma Thuột.
Để tạo sự đột phá cho TP Buôn Ma Thuột, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) đề nghị Ban soạn thảo dự thảo Nghị quyết bổ sung một số chính sách mới nhằm thu hút các nhà đầu tư đến với thành phố.
Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu bổ sung thêm một số chính sách mới, nhất là liên quan đến vấn đề đầu tư công, đất đai nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược trên địa bàn thành phố để phù hợp, sát với thực.
Đại biểu Dương Khắc Mai. Ảnh: Quochoi |
Phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu tại cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, căn cứ ý kiến của cơ quan thẩm tra, các ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội tại tổ, tại hội trường; cơ bản các đại biểu tán thành với chủ trương ban hành Nghị quyết.
Nhiều đại biểu nêu ý kiến cần chính sách đặc thù mạnh mẽ hơn để tạo đột phá cho Buôn Ma Thuột; đề nghị mở rộng thêm phạm vi và đối tượng hưởng chính sách ưu đãi...
Theo Bộ trưởng, đây là lần đầu tiên Chính phủ trình Quốc hội chính sách đặc thù cho đơn vị cấp huyện, là việc chưa có tiền lệ. Do vậy việc thực hiện phải đảm bảo phù hợp với Kết luận 67 của Bộ Chính trị, thuộc thẩm quyền của Quốc hội, thuộc phạm vi của tỉnh; phù hợp với tiềm năng, thế mạnh và cả những điểm nghẽn của thành phố cũng như của tỉnh ĐắK Lắk và cả vùng Tây Nguyên trong thời gian qua; không phá vỡ hệ thống pháp luật chung đã xây dựng và thống nhất.
Về quy mô và phạm vi của các chính sách thì căn cứ vào 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp tại Kết luận 67, Dự thảo Nghị quyết đã xây dựng 5 nhóm chính sách cho TP Buôn Ma Thuột trong thời gian tới. Có một số lĩnh vực khác các đại biểu có nêu là cần mở rộng phạm vi để tạo đột phá cho cả tỉnh Đắk Lắk nhưng lại nằm ngoài phạm vi của TP Buôn Ma Thuột, Chính phủ cần cân nhắc, xem xét để đảm bảo hợp lý, phù hợp với quy định của pháp luật.
Bộ trưởng cho biết, vừa qua, Bộ Chính trị đã Nghị quyết số 23-NQ/TW cho vùng Tây Nguyên. Sắp tới, Chính phủ sẽ xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù cho Đắk Lắk nói riêng, vùng Tây Nguyên nói chung.
Về các chính sách ưu đãi, dự thảo Nghị quyết sẽ bám sát Kết luận 67 về nông sản và cà phê, để đưa Buôn Ma Thuột thành thành phố cà phê mang thương hiệu quốc gia. Còn cà phê sản xuất ở đâu như câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng cho biết không nhất thiết phải sản xuất tại Đắk Lắk mà có thể cả Tây Nguyên hay cả nước đưa về đây chế biến, đảm bảo chính sách lan tỏa khắp các vùng miền.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trong quá trình tổ chức thực hiện, Chính phủ sẽ theo dõi, giám sát để đảm bảo các cơ chế, chính sách đi vào cuộc sống. Đồng thời sẽ tổ chức sơ kết, đánh giá, bổ sung những chính sách mới và phù hợp, báo cáo lại Quốc hội.