Dùng hết 99% hạn mức tín dụng, ABBank muốn được nới room

NGÂN HÀNG Việt nAM
10:29 - 15/07/2022
0:00 / 0:00
0:00
Phó Tổng giám đốc ABBank cho biết, khi room tín dụng được mở và với mục tiêu định hướng là tín dụng tăng trưởng toàn hệ thống trong năm nay 14% thì ABBank cũng kỳ vọng đạt được mức tăng trưởng tín dụng như kế hoạch đã đặt ra là tối thiểu 18%.

Tại Talkshow Chọn danh mục kỳ 12 với chủ đề: Khơi dòng vốn sản xuất kinh doanh do Báo Đầu tư Chứng khoán tổ chức chiều 14/7, bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình - ABBank (mã chứng khoán ABB) cho biết, tính đến hết tháng 6, ngân hàng đã sử dụng 99% hạn mức hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo từ đầu năm.

Do đó, bà Hương cho hay: "Vào giai đoạn cuối năm, chúng tôi kỳ vọng sẽ có được sự mở rộng room tín dụng cho ABBank, chúng tôi đã có công văn gửi NHNN xin nới room tín dụng cho ngân hàng."

Theo đó, Phó Tổng giám đốc ABBank bày tỏ mong muốn NHNN sẽ xem xét dựa trên các cân đối vĩ mô và điều chỉnh room tín dụng trong quý III. Đây sẽ là cơ sở để cho các tổ chức tín dụng triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% theo chương trình của Chính phủ, đồng thời sẽ tác động tích cực đến đạt được chỉ tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của năm nay được quốc hội đặt ra.

"Chắc chắn khi room tín dụng được mở và với mục tiêu định hướng là tín dụng tăng trưởng toàn hệ thống trong năm nay 14% thì ABBank cũng kỳ vọng đạt được mức tăng trưởng tín dụng như kế hoạch đã đặt ra là tối thiểu 18%", bà Hương chia sẻ.

Đánh giá về việc kiểm soát tín dụng, bà Hương cho rằng, công cụ kiểm soát tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhiều năm qua đã đóng góp vào kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Vào đầu mỗi năm, NHNN đều có định hướng cho hệ thống về tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trong năm và các tổ chức tín dụng đều nhận được mức tăng trưởng tín dụng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, sau 2 năm ảnh hưởng của dịch, tăng tín dụng cả hệ thống đạt 9,35% so với cuối năm 2021 - cao hơn hai năm 2020, 2021 chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh và tăng 16,69% so với cùng kỳ.

“Điều này cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tăng trưởng tích cực, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế được cải thiện là tín hiệu tốt đóng góp vào tăng trưởng kinh tế cả nước trong 6 tháng đầu năm”, bà Hương nói.

Nhận định về triển vọng kinh doanh của các ngân hàng trong năm 2022, bà Hương cho biết hiện các ngân hàng chưa công bố chính thức về kết quả kinh doanh 6 tháng, tuy nhiên, báo cáo quý I cho thấy tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng so với cùng kỳ năm trước đều có mức tăng trưởng khá tốt. Thậm chí có ngân hàng tăng trên 100%.

Nguyên nhân chính xuất phát từ thu nhập từ lãi của ngân hàng có sự tăng trưởng do tăng trưởng tín dụng ở mức cao. Ngoài ra thu nhập phi tín dụng của các ngân hàng cũng khá tốt trong thời gian qua khi các ngân hàng đều có định hướng tăng tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ trong tổng thu nhập.

Với kỳ vọng được room tín dụng được nới ra thì thu nhập từ lãi các ngân hàng được tiếp tục có được mức duy trì tốt. Cùng với đó là sự đóng góp từ thu nhập từ việc xử lý nợ xấu,hoàn nhập dự phòng rủi ro,...Tính đến hết tháng 6, lợi nhuận của ABBank đã đạt 55% kế hoạch cả năm.

Tin liên quan

Đọc tiếp

TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.