Nông sản Việt tham gia hội chợ Hàn Quốc 2021. |
Trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam đạt 1,47 tỷ USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2021. Để tìm ra các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy tiêu thụ rau quả, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 đã khởi động lại diễn đàn năm 2022 với phiên thảo luận đầu tiên nhằm “Tăng cường các giải pháp phát triển bền vững sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trái cây chủ lực phía Nam”, ngày 8/6.
Đóng góp phương án tại diễn đàn, ông Nguyễn Đình Tùng, TGĐ Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group cho rằng, để hình ảnh nông sản Việt có thể ghi dấu ấn trên đường ra biển lớn cần phải xây dựng một "ngôi nhà chung".
“Khi tham gia hội chợ quốc tế, các doanh nghiệp nên xây dựng một ngôi nhà chung cho trái cây Việt Nam. Nhất là khi tham gia các hội chợ quốc tế, thay vì chia nhỏ thành các gian hàng lẻ tẻ cho các doanh nghiệp như hiện nay”.
“Bên cạnh đó, những doanh nghiệp được chọn phải thể hiện sự chuyên nghiệp, trau chuốt hình ảnh để tôn vinh, nâng tầm, khẳng định thương hiệu của trái cây Việt Nam với bạn bè quốc tế”, ông Tùng đưa ra góc nhìn.
Nhấn mạnh việc các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt cần bảo vệ thương hiệu nông sản quốc gia cũng là ý kiến của bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu. Theo bà Vy, qua các hội chợ quốc tế, một điểm mà các doanh nghiệp Việt Nam nên học hỏi ở bạn bè các nước là tính tuân thủ, bảo vệ thương hiệu nông sản Quốc gia.
“Khi các doanh nghiệp tham gia cùng một ngành nghề, lĩnh vực, cần thay đổi tư duy theo hướng bảo vệ cái chung, đặt cái chung lên trên, nhất là những sản phẩm chủ lực”, Phó Giám đốc Chánh Thu chia sẻ.
Đối với sầu riêng, bà Tường Vy cho biết, sản phẩm của Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với các nước. Tuy nhiên, để làm được điều này, ngoài sự tự tin cũng nên học hỏi những cách làm hay ở các nước làm tốt như Thái Lan… trong việc từng bước nâng tầm thương hiệu sản phẩm này.
“Các doanh nghiệp hãy tính đến xây dựng những đội, nhóm, đi đến từng vườn để kiểm tra chất lượng, tính toán được các chỉ số để cho ra sản phẩm có độ đồng đều, chất lượng cao nhất. Bên cạnh đó, giúp HTX, người sản xuất phải thay đổi tư duy theo hướng chú trọng sản xuất an toàn, chất lượng”.
“Thị trường Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều, nếu các địa phương không lan tỏa đến nông dân, thay đổi thói quen, tập quán canh tác lạc hậu sẽ khó khăn cho công tác tiêu thụ. Do đó, tất cả các đơn vị tham gia chuỗi liên kết từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nông dân đều phải chủ động thay đổi, tích cực vào cuộc thì mới có thể thành công”, bà Ngô Tường Vy nhấn mạnh.
Đẩy mạnh liên kết vùng trồng, nâng cao chất lượng
Thông tin về tình hình sản xuất và tiêu thụ rau quả thời gian qua, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, sản lượng cây ăn quả chính phía Nam năm 2022 ước đạt hơn 7,3 triệu tấn. Trong đó, 6 tháng đầu năm ước đạt 3,3 triệu tấn, 6 tháng cuối năm ước đạt 4,1 triệu tấn.
Một số tỉnh có sản lượng lớn như: Thanh long (Bình Thuận, Long An, Tiền Giang); bưởi (Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang); xoài (An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Khánh Hoà, Đồng Nai); mít (Tiền Giang, Hậu Giang, Đồng Nai); chanh Leo (Gia Lai, Đắk Lắk)…
Giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản 5 tháng đầu năm của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á (chiếm 41,6% thị phần); châu Mỹ (30,4%); châu Âu (12,0%); châu Đại Dương (1,7%) và châu Phi (1,5%).
Đã có 9 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, điều, nhóm rau quả, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ và nhóm đầu vào phục vụ sản xuất). Trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm ước đạt 1,47 tỷ USD (giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2021).
Về quản lý mã số vùng trồng, hiện nay, đã có 4.000 mã số vùng trồng (300.000 ha), tại 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cho 12 loại quả tươi như: chuối, thanh long, mít, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, dưa hấu, măng cụt, chanh leo,… Trong đó, khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long được cấp 1.561 mã (chiếm tỷ lệ 39,02%), Đông Nam Bộ có 224 mã (chiếm 5,6%), Tây nguyên 168 mã (tỷ lệ 4,2%).
Về mã số cơ sở đóng gói, cấp 1.864 mã số cơ sở đóng gói cho các loại quả tươi được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản… trên 37 tỉnh, thành phố.
Tuy nhiên, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết thêm về việc cấp mã số vùng trồng, hiện các cơ sở đóng gói vẫn đang gặp những khó khăn như: Mới triển khai chủ yếu đối với cây ăn quả, chưa triển khai được nhiều với các sản phẩm có khối lượng xuất khẩu lớn như lúa, chè, hồ tiêu, cà phê... Vẫn còn tình trạng mạo danh mã số vùng trồng, sử dụng không đúng mã số để xuất khẩu làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam.
Ngoài ra, còn có các khó khăn khác về chi phí đầu vào sản xuất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng tác động đến sản xuất cây ăn quả, có thể ảnh hưởng năng suất, chất lượng trái cây. Năng lực chế biến trái cây trong nước còn hạn chế, chủ yếu xuất khẩu trái tươi, nếu gặp điều kiện khó khăn khi xuất khẩu, khi đó việc tiêu thụ sẽ vô cùng khó khăn.
Trên cơ sở đó, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt đề xuất Bộ NN&PTNT cơ cấu lại sản xuất, chế biến và thị trường nông sản theo chuỗi ba nhóm sản phẩm. Xây dựng hệ thống cung ứng nông sản theo chuỗi dựa trên các nền tảng logistic hiện đại.
Bộ NN&PTNT cũng cần tìm thêm các dư địa mới để nâng cao giá trị gia tăng, hoàn thiện các chính sách về sản xuất, chế biến, quản lý chất lượng và phát triển thị trường nông sản hài hòa với các cam kết quốc tế để thu hút đầu tư nước ngoài và mở cửa thị trường.
“Đối với các địa phương, đẩy mạnh liên kết, tạo dựng nền công nghiệp chế biến nông sản gắn sản xuất và thị trường đồng bộ, hiện đại; xây dựng các đề án, chiến lược, kế hoạch hành động để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh”, ông Lê Thanh Tùng đưa ra khuyến nghị.