Đường Quảng Ngãi ‘cài số lùi’ lợi nhuận, cổ tức tối thiểu 15%

Đường Quảng Ngãi đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2023 thấp nhất so với kết quả thực hiện trong các năm 2018-2022.
Đường Quảng Ngãi đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2023 thấp nhất so với kết quả thực hiện trong các năm 2018-2022.
0:00 / 0:00
0:00
CTCP Đường Quảng Ngãi (mã QNS), doanh nghiệp dẫn đầu ngành sữa đậu nành, đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2023 “đi lùi” và mức cổ tức tối thiểu 15%, thấp hơn cổ tức năm 2022 là 30%.

Đường Quảng Ngãi vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 dự kiến tổ chức ngày 1/4 tại tỉnh Quảng Ngãi. Theo đó, công ty đặt kế hoạch doanh thu 8.400 tỷ đồng, giảm 2% so với năm 2022 và lợi nhuận sau thuế dự kiến 1.008 tỷ đồng, giảm 22%. Nếu đúng theo kế hoạch thì đây là mức lợi nhuận thấp nhất kể từ năm 2018.

Về định hướng phát triển, đối với vùng nguyên liệu, QNS dự kiến tiếp tục đầu tư để phục hồi và phát triển vùng nguyên liệu mía và mở rộng vùng nguyên liệu đậu nành trong nước. Công ty thực hiện đầu tư vùng nguyên liệu mía theo hướng đầu tư trực tiếp cho người trồng mía và đầu tư qua giá mua mía để phục hồi, phát triển nguyên liệu tại vùng Đông Gia Lai, nâng tổng diện tích mía toàn vùng lên trên 30.000 đến 40.000 ha nhằm đảm bảo cung ứng nguyên liệu mía với công suất ép 18.000 TMN (tấn mía/ngày).

Đối với kế hoạch đầu tư, công ty tăng cường công tác quản lý và hoạt động sản xuất kinh doanh các dự án như dự án mở rộng công suất Nhà máy Đường An Khê lên 18.000 tấn mía/ngày, dự án Nhà máy Điện sinh khối An Khê, dự án dây chuyền sản xuất đường tinh luyện RE có công suất 1.000 tấn đường/ngày; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng dự án sản xuất Ethanol, dự án thịt từ thực vật để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, Đường Quảng Ngãi dự kiến mức cổ tức năm 2023 bằng hoặc hơn 15%, giảm một nửa so với năm trước.

Năm 2022, công ty chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 30%, đến thời điểm hiện tại đã thực hiện thanh toán hai lần với tổng tỷ lệ 15%, đợt 1 vào tháng 9/2022 và đợt 2 vào tháng 1/2023. Do đó, công ty muốn trình cổ đông phương án chi trả phần cổ tức còn lại của năm 2022 với ngày đăng ký cuối cùng là 18/4, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 17/4, thanh toán dự kiến vào ngày 27/4.

Với gần 357 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính công ty chi 1.071 tỷ đồng cho cổ tức năm 2022.

Ngoài ra, tại đại hội sắp tới, QNS còn dự trình cổ đông thông qua phương án về việc phát hành cổ phiếu ESOP dựa vào kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023.

Phương án 1, tỷ lệ phát hành bằng 1% số lượng cổ phiếu lưu hành, tương đương 3,57 triệu cổ phiếu nếu tốc độ tăng trưởng tạo vốn (lợi nhuận sau thuế và khấu hao cơ bản) của công ty năm 2023 so với năm 2022 tăng từ 7,5% đến dưới 15%.

Phương án 2, tỷ lệ phát hành bằng 2% số lượng cổ phiếu lưu hành, tương đương 7,14 triệu cổ phiếu nếu tốc độ tăng trưởng tạo vốn của công ty năm 2023 so với năm 2022 tăng từ 15% đến dưới 20%.

Phương án 3, tỷ lệ phát hành bằng 3% số lượng cổ phiếu lưu hành, tương đương 10,71 triệu cổ phiếu nếu tốc độ tăng trưởng tạo vốn của công ty năm 2023 so với năm 2022 tăng từ 20% trở lên.

Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm và chỉ có tối đa 50 người lao động được quyền mua. Giá phát hành sẽ theo giá sổ sách kế toán tại thời điểm 31/12/2023.

Trên thị trường, cổ phiếu QNS đang giao dịch ở vùng giá 38.500 đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay, mã đã phục hồi hơn 13%. Mức đỉnh của QNS là gần 52.000 đồng, xác lập vào hồi tháng 11/2021.

Hoạt động sản xuất của Đường Quảng Ngãi gắn liền với các thương hiệu Đường An Khê, bia Dung Quất, nước khoáng Thạch Bích, bánh kẹo Biscafun. Ngoài ra, QNS còn sản xuất điện sinh khối. Đặc biệt, với mảng sữa đậu nành, thị phần đang gần như nằm trong tay của QNS.

Theo số liệu của Neilsen (công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu), năm 2022, Vinasoy của QNS tiếp tục duy trì và giữ vững vị thế dẫn đầu ngành hàng sữa đậu nành tại Việt Nam với thị phần 87,8%, đứng thứ 2 trong ngành hàng sữa uống liền với 17,6% thị phần.

Tin liên quan

Đọc tiếp