Các quốc gia EU chưa thể thống nhất chi tiết mức giá trần khí đốt tự nhiên do nhiều lo ngại liên quan tới thị trường năng lượng, thị trường tài chính và lợi ích riêng của từng quốc gia. Ảnh: Reuters |
Nhằm đáp ứng yêu cầu từ một số quốc gia thành viên EU, Ủy ban châu Âu hồi tháng 11 đã đề xuất áp trần giá khí đốt tự nhiên như một biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng. Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, các lệnh cấm vận của châu Âu đã khiến Nga thực hiện cắt giảm nguồn cung khí đốt như một biện pháp trả đũa, khiến giá năng lượng tại châu lục này tăng đột biến.
Tuy nhiên theo Reuters, các quốc gia EU vẫn đang rất chia rẽ về các chi tiết cụ thể của chính sách áp trần giá khí đốt. Cuộc họp mới nhất ngày 13/12 vừa qua tiếp tục kết thúc mà không có sự đồng thuận nào. Các bộ trưởng năng lượng EU vì vậy, buộc phải tiếp tục cố gắng tại một cuộc họp khác ngày 19/12 tới.
Phát biểu sau cuộc họp kéo dài nhiều giờ, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết EU đã đạt được tiến bộ, nhưng chính sách áp trần giá khí đốt vẫn chưa hoàn thành.
Tuy nhiên khi nhận định về triển vọng tương lai, Bộ trưởng Công nghiệp Czech Jozef Sikela - người chủ trì cuộc họp – tự tin rằng EU có thể đạt được đồng thuận vào tuần tới. Ông cho biết EU gần đạt được mục tiêu, nhưng bây giờ các thành viên “cần hợp tác và cho thấy đoàn kết không phải là một từ sáo rỗng”.
Hiện tại, các quốc gia đã đồng ý với nhiều chi tiết, bao gồm cả việc giới hạn ban đầu sẽ không áp dụng cho giao dịch khí đốt tư nhân bên ngoài trao đổi năng lượng và các biện pháp năng lượng khẩn cấp như lưu trữ khí đốt. Tuy nhiên, điều duy nhất vẫn chưa nhận được sự đồng thuận chính là mức giá trần khí đốt được áp dụng.
Cụ thể, lãnh đạo các quốc gia Đức, Áo và Hà Lan đưa ra các cảnh báo về việc giới hạn giá khí đốt. Pháp cũng là một quốc gia bày tỏ lo ngại về tác động của chính sách này với thị trường tài chính. Nguyên nhân là do nó có thể làm chuyển hướng các lô hàng khí đốt rất cần thiết ra khỏi châu Âu và làm gián đoạn hoạt động của các thị trường năng lượng.
Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng giữ thái độ tương tự như chính phủ Pháp khi cho rằng mức giá trần được đề xuất của EU có thể gây nguy hiểm cho sự ổn định tài chính.
Ngược lại, các quốc gia khác gồm Hy Lạp, Bỉ, Italy và Ba Lan lại yêu cầu mức giá trần được cho là sẽ giúp ích và bảo vệ nền kinh tế của mình khỏi giá năng lượng tăng mạnh. Bộ trưởng Năng lượng Hy Lạp Konstantinos Skrekas hôm 13/12 tuyên bố châu Âu đang tranh luận những điều không cần thiết trong khi công dân và doanh nghiệp nơi đây đều đang chịu khổ.
Trong khi đó, Ủy viên Năng lượng EU Kadri Simson cho biết một số bộ trưởng năng lượng đã yêu cầu có thêm thời gian để thảo luận về đề xuất này với các bộ trưởng tài chính của mình. Tuy nhiên, ông không nêu tên các quốc gia cụ thể.