EU đề xuất dự thảo cấp nhãn an ninh mạng với các công ty công nghệ

CÔNG NGHỆ eu
18:02 - 10/05/2023
EU đề xuất dự thảo cấp nhãn an ninh mạng với các công ty công nghệ
0:00 / 0:00
0:00
Các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) sẽ xem xét và đánh giá dự thảo cấp nhãn an ninh mạng với các công ty công nghệ vào cuối tháng này, sau đó Ủy ban châu Âu (EC) sẽ thông qua kế hoạch cuối cùng.

Reuters đưa tin ngày 10/5, EU đề xuất dự thảo cấp nhãn an ninh mạng đối với các công ty công nghệ như Amazon, Google của Alphabet, Microsoft và các hãng công nghệ cung cấp dịch vụ đám mây khác không thuộc EU để xử lý các dữ liệu nhạy cảm thông qua việc liên doanh với một công ty có trụ sở tại khu vực này.

Dự thảo của EU quy định những công ty công nghệ của Mỹ và một số tập đoàn khác tham gia vào liên doanh chỉ được nắm giữ cổ phần tối thiểu. Đồng thời, những nhân viên có quyền truy cập vào dữ liệu của EU sẽ phải ở trong khối 27 quốc gia thành viên và trải qua quá trình sàng lọc cụ thể.

Giới chuyên gia cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo ngày càng khiến nhu cầu về dịch vụ đám mây tăng cao. Do đó, các công ty công nghệ lớn đang tìm cách tận dụng thị trường dịch vụ đám mây của chính phủ để mở rộng và phát triển trong tương lai.

Tuy nhiên, theo dự thảo, dịch vụ đám mây phải được vận hành, lưu trữ và xử lý tại EU. Bên cạnh đó, luật của EU sẽ được ưu tiên hơn các luật ngoài khối liên quan đến nhà cung cấp dịch vụ đám mây.

"Các dịch vụ đám mây được chứng nhận chỉ được vận hành bởi các công ty có trụ sở tại EU, không có thực thể nào từ bên ngoài EU có quyền kiểm soát đối với các nhà cung cấp dịch vụ đám mây. Điều này nhằm giảm thiểu rủi ro do các cường quốc ngoài EU can thiệp phá hoại các quy định, chuẩn mực và giá trị của EU", dự thảo nêu rõ.

EU cho biết các động thái này là cần thiết để bảo vệ quyền riêng tư và quyền dữ liệu của khối. Các quy tắc cứng rắn hơn sẽ áp dụng cho dữ liệu cá nhân và phi cá nhân có độ nhạy cảm đặc biệt khi vi phạm có thể có tác động tiêu cực đến trật tự công cộng, an toàn công cộng, tính mạng hoặc sức khỏe con người hoặc bảo vệ tài sản trí tuệ.

Đây là đề xuất mới nhất từ Cơ quan an ninh mạng của EU (ENISA) liên quan đến Chương trình chứng nhận của EU (EUCS) nhằm đảm bảo an ninh mạng cho các dịch vụ đám mây và xác định cách các chính phủ và công ty trong khối lựa chọn nhà cung cấp cho hoạt động kinh doanh của họ.

Mặc dù EU nhấn mạnh các quy định mới nhằm hạn chế sự can thiệp từ các quốc gia ngoài khu vực, nhưng điều này có thể gây ra sự phản đối từ các công ty công nghệ Mỹ do quan ngại về việc bị loại khỏi thị trường châu Âu.

Song, giới phân tích cho rằng, dự thảo mới nhất có khả năng sẽ phân chia thị trường chung của EU vì mỗi quốc gia có toàn quyền quyết định áp đặt những yêu cầu phù hợp cho riêng họ.

Đọc tiếp

Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.
Những người sáng tạo nội dung TikTok tập trung tại Đồi Capitol, ngày 12/3. Ảnh: Yahoo News

Mỹ tiến gần hơn tới lệnh cấm Tiktok

Thượng viện Mỹ ngày 23/4 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng truyền thông mạng xã hội Tiktok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, hoặc sẽ bị cấm ở thị trường Mỹ.