Hỗ trợ tài chính là một trong các tâm điểm của Hội nghị COP27 năm nay. Ảnh: Reuters |
Theo hãng tin Reuters, đề xuất của EU bao gồm việc thành lập một quỹ đặc biệt để bù đắp tổn thất và thiệt hại ở các quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, từ đó thúc đẩy hội nghị đạt được thỏa thuận cuối cùng.
Cụ thể, người đứng đầu chính sách khí hậu của EU Frans Timmermans phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh COP27 rằng: "Những gì chúng tôi sẽ đề xuất là thành lập một quỹ ứng phó tổn thất và thiệt hại cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất".
Đây là một trong các nỗ lực được đề ra trong hội nghị nhằm giải quyết vấn đề thiệt hại và hỗ trợ tài chính - chủ đề chi phối COP27 năm nay tại Ai Cập.
Đã có hơn 130 quốc gia đang phát triển yêu cầu cuộc họp đưa ra một thỏa thuận chung về việc thành lập một quỹ mới giúp đối phó với thiệt hại không thể khắc phục được của lũ lụt, hạn hán và các tác động khí hậu khác.
Trước đây, Mỹ và EU đã phản đối ý tưởng này.
Tuy nhiên theo Bộ trưởng Khí hậu của Malpes Shauna Aminath, đề nghị mới của EU đã làm dấy lên hy vọng cho các quốc gia dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, đặc biệt là những nơi phải đối mặt với ngập lụt gây ra bởi nước biển dâng như Malpes.
Tuy nhiên, EU đã đưa ra các điều kiện đi kèm với đề nghị của mình, trong đó bao gồm việc yêu cầu các quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, đồng ý đẩy mạnh cắt giảm lượng khí thải làm nóng hành tinh.
Quỹ này sẽ được thành lập dựa trên cơ sở “tài trợ rộng rãi". Điều này đồng nghĩa với việc các nền kinh tế mới nổi nhưng có mức phát thải cao như Trung Quốc cũng phải đóng góp thay vì để quỹ chỉ được tài trợ bởi các quốc gia giàu có - các quốc gia đã từng đóng góp nhiều nhất vào sự nóng lên toàn cầu trong lịch sử.
Ngoài ra, EU cũng yêu cầu các quốc gia đồng ý giảm dần tất cả các nhiên liệu hóa thạch và giảm dần việc sản xuất điện chạy bằng nhiên liệu than càng sớm càng tốt. Để tiến độ được bảo đảm, các nước sẽ phải gửi báo cáo tiến độ.
Khi được Reuters hỏi về đề xuất của EU, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ning cho biết các nước phát triển nên thực hiện nghĩa vụ cung cấp tài chính cho các nước đang phát triển và tất cả các nước nên chuyển các mục tiêu khí hậu của mình thành "hành động cụ thể".
Theo ông Mao Ning, phía Trung Quốc hy vọng rằng COP27 sẽ tập trung vào việc thực hiện đầy đủ và chính xác các nguyên tắc và mục tiêu của Thỏa thuận Paris. Trong khi đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ vẫn chưa đưa ra phản ứng chính thức.
Reuter trích dẫn một quan chức Ai Cập cho biết, có một số quốc gia sẽ không đồng ý với đề xuất này. Ông không nói rõ là quốc gia nào, tuy nhiên khẳng định phần lớn đều đồng thuận với việc thành lập một quỹ và các sự khác biệt chỉ nằm ở trình tự và thời gian.
Để một thỏa thuận tại Liên Hợp Quốc được thông qua, gần như 200 quốc gia liên quan cần phải thể hiện sự đồng thuận như nhau.
Ngoài đề xuất của EU, Cơ quan khí hậu của Liên Hợp Quốc trước đó đã công bố một dự thảo đề xuất cho việc hỗ trợ tài chính cho các quốc gia bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu với 3 lựa chọn.
Đầu tiên, Liên Hợp Quốc gợi ý thành lập một quỹ mới cho các quốc gia dễ bị tổn thương do khí hậu - phương án khá tương đồng với đề xuất của EU. Thứ 2 là trì hoãn quyết định về quỹ cho đến hội nghị thượng đỉnh COP28 vào năm tới và cuối cùng là quyết định các thỏa thuận tài trợ tại COP28 và không đề cập đến một quỹ mới.