Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell. Ảnh: euronews |
Phát biểu tại Diễn đàn Global Gateway Investors về Kết nối Giao thông EU – Trung Á diễn ra tại Brussels ngày 29/1, ông Borrell nhận định cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine là “một lời nhắc nhở rõ ràng về tầm quan trọng của việc cùng nhau bảo vệ các nguyên tắc cốt lõi của Liên Hợp Quốc”.
Hãng tin RT trích dẫn ông cho biết: “Để bảo vệ những nguyên tắc trên, EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đáng kể đối với Nga”. Mục tiêu cuối cùng là khiến cỗ máy tài trợ cho chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow suy yếu. Tuy nhiên, “giao tranh vẫn tiếp diễn và có thể nói với cường độ ngày càng gia tăng”. Nhà ngoại giao hàng đầu của EU mô tả tình hình hiện tại ở Ukraine là “không nhìn thấy ánh sáng nơi cuối đường hầm”.
Trong bối cảnh đó, ông kêu gọi “sự hợp tác toàn diện từ các đối tác” để các biện pháp trừng phạt lên Moscow có hiệu quả. Hiện EU đang theo dõi các hoạt động thương mại giữa EU, giữa các quốc gia Trung Á với Nga để phân tích đâu là cơ chế có thể giúp lách lệnh trừng phạt.
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2/2022, các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Liên minh châu Âu, đã áp đặt các vòng trừng phạt lên nhiều lĩnh vực nền kinh tế Nga. EU và G7 cũng đồng thời thông qua các biện pháp áp trần giá dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ của Nga nhằm cắt giảm nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng của quốc gia này.
Tuy nhiên trên thực tế, nền kinh tế Nga đã chống chịu với các lệnh trừng phạt tốt hơn kỳ vọng. Theo hãng tin RT dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin, nền kinh tế nước này đang trong tình trạng tốt với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Ông khẳng định Nga thậm chí còn được hưởng lợi từ các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến nước này phải tập trung nhiều vào sản xuất hơn là xuất khẩu năng lượng.
Theo báo cáo mới nhất ngày 11/1/2024 được TASS trích dẫn, chính phủ Nga cho biết doanh thu ngân sách liên bang từ lĩnh vực dầu khí của nước này đạt 8,82 nghìn tỷ ruble, tương đương 99 tỷ USD trong khi tổng mức giảm doanh thu từ dầu khí so với năm 2022 là 23,9%.
Trong khi giao tranh tiếp diễn giữa Nga và Ukraine, vấn đề tăng cường viện trợ cho Kiev đang vấp phải sự phản đối gia tăng của Đảng Cộng hòa tại Mỹ. Tính tới hiện tại, Washington đã cung cấp cho Kiev khoảng 111 tỷ viện trợ kinh tế và quân sự. Tuy nhiên, việc tài trợ đang gặp phải sự đình trệ khi Nhà Trắng không thành công trong việc thúc đẩy Quốc hội thông qua gói viện trợ 61 tỷ USD cho Ukraine do các vấn đề liên quan tới ưu tiên chính sách. EU cũng chưa đạt được thỏa thuận chuyển 54 tỷ USD từ ngân sách chung của khối cho Ukraine.