Phó tổng giám đốc EVN Nguyễn Xuân Nam trao đổi thông tin với báo chí tại cuộc họp chiều 11/10. Nguồn: EVN. |
Giá điện tăng 4,8%
Từ ngày 11/10, EVN chính thức tăng giá bán lẻ điện bình quân từ mức 2.006,8 đồng/kWh lên mức 2.103,1 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), tức tăng thêm hơn 96,32 đồng/kWh, tương đương tăng 4,8%.
Đây là lần điều chỉnh tăng giá thứ 3 kể từ năm 2023. Trước đó vào năm 2023, giá điện đã có 2 lần điều chỉnh tăng, lần thứ nhất vào ngày 4/5/2023 với mức điều chỉnh tăng hơn 55,9 đồng/kWh, tăng 3% và lần điều chỉnh tăng thứ 2 vào ngày 9/11/2023 là 86,42 đồng/kWh, tương ứng tăng 4,5%. Như vậy, giá điện tăng thêm trong năm 2023 là hơn 142,3 đồng/kWh, giá điện sau tăng giá là 2.006,8 đồng/kWh.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cơ sở để điều chỉnh giá điện tăng lần này EVN dựa trên 3 cơ sở quan trọng: chính trị, pháp lý và thực tiễn.
Về cơ sở chính trị, triển khai Nghị quyết số 55 ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có yêu cầu: “áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng” và “xoá bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định”.
Về cơ sở pháp lý, theo EVN, việc điều chỉnh giá bán lẻ lần này được thực hiện theo Quyết định số 05 ngày 26/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Cụ thể, tại Điều 3 khoản 2 quy định, trong năm, giá bán điện bình quân được xem xét điều chỉnh trên cơ sở cập nhật chi phí khâu phát điện, chi phí mua điện từ các nhà máy điện cung cấp dịch vụ phụ trợ theo thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện và các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện.
Tại Điều 3 khoản 5 quy định, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 3 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.
Tại Điều 5, khoản b cũng ghi rõ, trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.
Cuối cùng là cơ sở thực tiễn, theo EVN, giá thành sản xuất điện chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố đầu vào, khi có biến động lớn sẽ tác động lớn đến giá thành khâu phát điện (chiếm 83% giá thành) cũng như giá thành điện thương phẩm.
Cụ thể, cơ cấu nguồn biến động theo chiều hướng bất lợi, các nguồn mua điện có giá thành rẻ giảm, các nguồn mua điện có giá thành đắt tăng so với năm 2022.
Năm 2023, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino dẫn tới tình hình thủy văn không thuận lợi, nước về các hồ thủy điện rất thấp, đặc biệt tại khu vực miền Bắc vào thời kỳ cuối mùa khô nên hầu hết các hồ thủy điện lớn tại khu vực này đã suy giảm về mực nước chết; một số tổ máy nhiệt điện lớn bị sự cố kéo dài, không đảm bảo khả dụng để huy động theo nhu cầu hệ thống, nắng nóng diễn ra trên diện rộng và kéo dài,...
Vì vậy, EVN đã phải huy động tối đa các nguồn nhiệt điện kể cả phát dầu để đảm bảo việc cung cấp điện cho đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp cả nước.
Trong khi đó, tỷ trọng nguồn điện năm 2023 diễn biến theo chiều hướng bất lợi, các nguồn có giá mua rẻ là thủy điện giảm từ 38% xuống 30,5%, tỷ trọng các nguồn điện có giá mua đắt (nhiệt điện than) và giá mua rất đắt (nhiệt điện dầu) tăng từ 35,5% lên 43,8%.
Ngoài ra, nhu cầu phụ tải tăng cao qua các năm trong khi không có nhiều các công trình nguồn điện mới giá rẻ vào vận hành. Theo số liệu từ EVN, tổng sản lượng điện mua, nhập khẩu tại điểm giao nhận năm 2023 tăng thêm 11,8 tỷ kWh so với năm 2022, tương ứng với mức tăng 4,6%.
Để đáp ứng nhu cầu điện tăng cao trong khi các nguồn điện giá rẻ hiện hữu chỉ đáp ứng được một phần, EVN phải mua điện bổ sung từ các nguồn có giá thành sản xuất cao hơn nhiều so với giá bán lẻ điện như các nguồn nhiệt điện sử dụng than nhập khẩu và nhiệt điện dầu.
Thứ hai, giá các loại nhiên liệu than, khí năm 2023 mặc dù giảm so với năm 2022 tuy nhiên vẫn ở mức cao so với giai đoạn các năm 2020-2021.
Thứ ba, giá than pha trộn của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện vẫn duy trì ở mức cao và có sự điều chỉnh việc sử dụng than pha trộn của các nhà máy nhiệt điện từ than rẻ hơn sang than có giá cao hơn.
Thứ tư, tỷ giá ngoại tệ (USD) năm 2023 tăng mạnh so với năm 2022, đã làm tăng chi phí mua điện từ các nguồn điện có giá mua theo hợp đồng bằng ngoại tệ hoặc giá mua nhiên liệu bằng ngoại tệ.
Tăng giá điện, khách hàng sẽ ảnh hưởng như thế nào?
Thông tin tại cuộc họp công bố quyết định về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân chiều ngày 11/10, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc EVN cho hay, với mức tăng 4,8%, hiện cả nước có trên 17,4 triệu hộ khách hàng sử dụng dưới 200kWh/ tháng, sẽ làm chi phí mỗi hộ tăng thêm 13.800 đồng/tháng.
Các hộ sử dụng từ 200-300kWh/tháng sẽ làm tăng thêm chi phí điện từ 32.000 đồng/tháng; các hộ sử dụng từ 300-400kWh/tháng sẽ làm các hộ tăng thêm chi phí tiền điện khoảng 47.000 đồng/tháng; các hộ sử dụng từ 400kWh/tháng trở lên sẽ làm mức tăng chi trả khoảng 62.000 đồng/tháng.
Như vậy, với mức tăng 4,8%, 547.000 khách hàng kinh doanh, dịch vụ sẽ tăng bình quân mỗi hộ khoảng 247.000 đồng/tháng tiền điện; 1,92 triệu hộ sản xuất sẽ tăng thêm bình quân mỗi hộ khoảng 499.000 đồng/tháng; khoảng 691.000 khách xí nghiệp sẽ chi trả tăng thêm khoảng 91.000 đồng/tháng.
Nguồn: EVN. |
Năm 2023, EVN lỗ trên 34.000 tỷ đồng từ sản xuất kinh doanh điện Trước đó, ngày 10/10, Bộ Công Thương đã công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Theo kết quả kiểm tra, sản lượng điện thương phẩm thực hiện năm 2023 của EVN là 253,05 tỷ kWh, tăng 4,26% so với năm 2022. Doanh thu bán điện thương phẩm năm 2023 là 494.359 tỷ đồng, tăng 8,18% so với năm 2022. Giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.953,57 đồng/kWh, tăng 3,76% so với năm 2022. Trong khi đó, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN tăng 35.339 tỷ đồng, tương ứng tăng 7,16% so với năm 2022. Kết quả kiểm tra cũng chỉ ra, giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2023 là 2.088,90 đồng/kWh, tăng 2,79% so với năm 2022. Như vậy, hiện nay EVN đang bán lẻ điện dưới mức giá thành sản xuất kinh doanh là 135,33 đồng/kWh, tương đương với 6,92%. Theo Bộ Công Thương, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN lỗ trên 34.244 tỷ đồng. Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2023 là 12.423 tỷ đồng. Tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2023 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN lỗ 21.822 tỷ đồng. Ngoài khoản lỗ trên, kết quả kiểm tra cũng cho hay các khoản chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 khoảng 18.032 tỷ đồng. Đây chủ yếu là khoản chênh lệch tỷ giá được treo lại từ năm 2019 đến 2023 chưa phân bổ vào giá thành. |