Trong phiên thảo luận tại hội trường chiều 26/5, Đại biểu Đỗ Thị Lan, Đoàn Quảng Ninh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội) đã phản ánh kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ninh đề nghị cân nhắc phương pháp tính giá bán điện 6 bậc và thống nhất về một bậc.
6 bậc tính giá bán lẻ điện sinh hoạt của người dân
Hiện nay, phương pháp tính giá bán điện sinh hoạt của Việt Nam đang chia làm 6 bậc, với mức giá bán lẻ điện tăng dần theo lượng điện sử dụng của hộ dân.
Ngày 4/5/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thực hiện việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân thêm 3%. Bộ Công Thương cũng ban hành quyết định quy định về giá bán điện làm cơ sở cho việc điều chỉnh giá bán lẻ điện cho từng hộ tiêu thụ.
Chia sẻ với báo Công Thương, đại diện EVN cho biết, với mức tăng 3% này, các hộ tiêu thụ điện dưới 50 dưới 50kWh/tháng (bậc 1) số tiền điện tăng thêm sẽ khoảng 2.500 đồng/tháng khi giá bán điện tăng lên 1.728 đồng/kWh sau điều chỉnh. Hiện cả nước có khoảng 3,3 triệu hộ thuộc nhóm này, chiếm 11,98% số hộ đang sử dụng điện trên toàn quốc.
Đối với hộ tiêu thụ điện từ 51 - 100kWh (bậc 2), giá bán điện tăng lên 1.786 đồng/kWh, vậy số tiền điện sẽ tăng thêm tối đa 5.100 đồng/tháng. Theo thống kê toàn quốc năm 2022 có 4,7 triệu hộ thuộc nhóm này, chiếm 16,85% tổng số hộ trên cả nước.
Với các hộ sử dụng từ 101 - 200 kWh/tháng (bậc 3), khi giá bán điện tăng lên 2.074 đồng/kWh, tương ứng số tiền điện sẽ tăng tối đa 11.100 đồng/hộ/tháng. Hiện có 10,04 triệu hộ thuộc nhóm này, chiếm 36,1% tổng số hộ. Đây là nhóm khách hàng tiêu thụ điện có tỷ trọng lớn nhất ở Việt Nam.
Với hộ tiêu thụ từ 201 - 300 kWh/tháng (bậc 4), giá điện đạt 2.612 đồng/kWh sẽ khiến tiền điện hàng tháng tăng tối đa 18.700 đồng/hộ. Hiện cả nước có 4,96 triệu hộ thuộc nhóm này, chiếm 17,81% tổng số hộ trên toàn quốc.
Với hộ tiêu thụ từ 301 - 400 kWh/tháng (bậc 5), giá điện đạt 2.919 đồng/kWh khiến tiền điện hàng tháng tăng tối đa 27.200 đồng/hộ, hiện cả nước có 2,21 triệu hộ, chiếm 7,95% số hộ.
Với nhóm tiêu thụ trên 400 kWh/ tháng (bậc 6), khi giá bán lẻ điện đạt 3.015 đồng/kWh, số tiền điện hàng tháng tăng lên sẽ tùy thuộc vào lượng điện tiêu thụ.
Đại biểu Đỗ Thị Lan, Đoàn Quảng Ninh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội. Ảnh: quochoi |
Quy định giá điện bậc thang nhằm tối ưu hóa sản xuất kinh doanh điện
Trên thực tế, không chỉ có giá bán lẻ điện sinh hoạt có sự chia bậc, giá bán điện sản xuất cũng có sự thay đổi về giá, quy định theo khung giờ thấp điểm và cao điểm.
Cụ thể, giờ cao điểm được tính vào hai khung giờ gồm từ 9h30 - 11h30 và từ 17h - 20h từ thứ 2 - thứ 7, chủ nhật không có giờ cao điểm. Giờ thấp điểm được tính từ 22h - 4h sáng hôm sau vào tất cả các ngày trong tuần.
Bên cạnh việc chia theo khung giờ, gồm thấp điểm, cao điểm và giờ bình thường, giá bán lẻ điện cho sản xuất cũng chia theo lượng điện năng. Theo đó, với cấp điện áp từ 110kV trở lên, giờ thấp điểm có giá thấp nhất là 999 đồng/kWh, giờ cao điểm có giá là 2.844 đồng/kWh.
Cấp điện áp từ 22kV đến dưới 110kV có giá từ 1.037 đồng đến 2.959 đồng/kWh. Cấp điện áp từ 6kV đến dưới 22kV có giá từ 1.075 đồng đến 3.055 đồng/kWh.
Chia sẻ về việc này, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, việc quy định giá bậc thang cho công nghiệp, xây dựng, dịch vụ theo phụ tải điện nhằm đảm bảo chính sách tối ưu hóa sản xuất kinh doanh điện cũng như thúc đẩy tiết kiệm điện.
Ông Vũ giải thích thêm, nhu cầu tiêu thụ điện năng trên toàn quốc không ổn định theo các giờ trong ngày và theo mùa trong năm, tiêu thụ điện ban đêm giảm, còn ban ngày, đặc biệt là trưa và tối thì tăng. Do đó, chi phí mua điện của EVN cũng khác nhau tại các khung giờ khác nhau khiến giá bán cũng sẽ khác nhau.
'Việc tăng giá điện do EVN có thua lỗ lớn là chưa phù hợp'
Theo ông Trịnh Quốc Vũ, đối với giờ thấp điểm EVN có thể mua được các nguồn điện rẻ mà chưa cần phải huy động các nguồn điện đắt tiền như điện dầu, điện khí, điện than, điện nhập khẩu. Nhưng giờ cao điểm thì phải huy động tất cả các nhà máy trong hệ thống để đảm bảo luôn cần bằng phụ tải của hệ thống. Điều này khiến chi phí mua điện tại giờ cao điểm cũng cao hơn hẳn, vì vậy sự chệnh lệch này cần được chuyển về giá điện và cơ chế giá điện cũng phải phản ánh theo thị trường.
Ông Vũ nhận định, 3 mức giá cao điểm, thấp điểm, trung bình phản ánh tương đối đúng cơ chế về chi phí mua điện của EVN.
Trong khi đó ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho rằng, ba mức giá cao, thấp, bình thường là cách để các doanh nghiệp có thể điều chỉnh một cách linh hoạt trong xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, cũng như tối ưu hóa chi phí mua bán điện. Đồng thời là cách giảm áp lực cho hệ thống điện trong các khung giờ cao điểm.
EVN chỉ chiếm 38,4% công suất nhưng phải gánh toàn bộ lỗ
Ngoài ra, cũng trong phiên họp chiều 26/5, đại biểu Quốc hội cũng nêu lên ý kiến của cử tri rằng việc tăng giá điện sinh hoạt do nguyên nhân EVN có lỗ lớn, kéo dài và do tổn thất của điện năng là chưa phù hợp. Vì vậy, cử tri đề nghị xem xét bảo đảm công khai, minh bạch, phù hợp hơn cách tính giá điện sinh hoạt.
Đặc biệt cần minh bạch về khoản lỗ lớn 26.000 tỷ đồng năm 2022 của EVN. Có một nghịch lý là tỷ lệ công suất đặt của EVN và các GENCOs thuộc EVN chỉ chiếm tỷ trọng 38,4% công suất toàn hệ thống điện Việt Nam nhưng EVN phải gánh toàn bộ lỗ. Trong khi các công ty phát điện, kể cả công ty thành viên của EVN, các tổng công ty phát điện, công ty cổ phần nhiều doanh nghiệp vẫn có lãi.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, hiện EVN là đơn vị duy nhất đứng ra mua điện để bán lại cho khách hàng.
Việt Nam đã vận hành thị trường điện cạnh tranh với 3 cấp độ, trong đó thị trường phát điện cạnh tranh vận hành từ ngày 1/7/2012. Như vậy theo nguyên tắc của thị trường, EVN sẽ mua các nguồn điện có giá thấp rồi đến giá cao, do đó các nguồn từ thủy điện, điện than, khí, dầu, năng lượng tái tạo đều bán hết cho EVN.
Thứ trưởng giải thích thêm, nếu EVN không phải người mua duy nhất thì khách hàng phải chịu giá điện cao từ đơn vị sản xuất. Nếu Việt Nam vận hành Thị trường bán lẻ cạnh tranh theo thiết kế, lúc đó các nhà máy phát điện được chọn bán cho các khách hàng trực tiếp thì khách hàng sẽ phải trả cao hơn cho điện từ nhà máy sản xuất bằng dầu, khí so với nhà máy thủy điện và không có đơn vị nào chịu hộ khoản chênh lệch này. Đó là nguyên tắc của thị trường bán lẻ cạnh tranh.
Còn EVN hiện vẫn là người mua duy nhất thì chi phí mua đắt tất cả dồn cho EVN chịu trong khi giá bán điện lại do Nhà nước điều tiết. Chính xác hơn, EVN đang mua điện theo giá thị trường (giá cao), bán điện theo giá điều tiết của Chính phủ (thấp hơn giá mua trên thị trường phát điện cạnh tranh).
Đó là chưa kể thời điểm này thủy điện (nguồn điện giá rẻ) không có nước nên sản lượng phát điện rất thấp, hiện tại hệ thống điện đang huy động nguồn điện có giá thành sản xuất cao để phục vụ cho nhu cầu của xã hội.