'Việc tăng giá điện do EVN có thua lỗ lớn là chưa phù hợp'

EVN giá điện
18:19 - 26/05/2023
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đỗ Thị Lan. Ảnh: Quochoi
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đỗ Thị Lan. Ảnh: Quochoi
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội truyền đạt ý kiến cử tri cho rằng việc tăng giá điện sinh hoạt do nguyên nhân EVN có lỗ lớn, kéo dài và do tổn thất của điện năng là chưa phù hợp.

Chiều 26/5, Quốc hội thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Đây là lần đầu tiên Quốc hội quyết định thảo luận tại hội trường về nội dung này.

Các đại biểu đã thảo luận tập trung vào những vấn đề được cử tri cả nước quan tâm liên quan sát sườn đến cuộc sống người dân. Điển hình là vấn đề giá điện.

Đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội) cho biết, tại cuộc tiếp xúc cử tri Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Quảng Ninh đã kiến nghị về phương pháp tính giá bán điện.

Hiện nay giá bán điện cho người dân áp dụng phương pháp tính giá 6 bậc. Theo cử tri, nếu áp dụng thống nhất một giá bán điện thì sẽ tốt hơn cho công tác quản lý và bảo đảm quyền, lợi ích của người dân. Cử tri đề nghị Bộ Công thương chủ trì, đánh giá, xem xét lại phương pháp tính giá điện sinh hoạt người dân theo hướng thống nhất một bậc.

Theo đại biểu Lan, với kiến nghị trên, Bộ Công Thương có văn bản trả lời vào tháng 3/2023. Theo đó, Bộ đã nghiên cứu biểu giá bán lẻ cho khách hàng, tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng đã giao cho Bộ Công thương phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Quyết định số 28/2014 về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, trình Thủ tướng quyết định tại thời điểm phù hợp.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thuê tư vấn, nghiên cứu và có báo cáo gửi Bộ Công Thương Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt, trong đó có đề xuất 3 phương án rút gọn từ 6 bậc xuống 3 bậc, 4 bậc và 5 bậc.

Cả 3 phương án đều điều chỉnh bậc 1 từ 50kWh trở xuống thành 100kWh trở xuống. Lượng điện sử dụng các bậc sau sẽ được điều chỉnh giãn cách lớn hơn để phù hợp với nhu cầu ngày càng tăng của người dân. Bộ Công Thương cho biết sẽ lấy ý kiến về phương án cải tiến cơ cấu giá bán điện và sẽ tiếp tục đề nghị sửa đổi Quyết định số 28/2014 theo quy trình.

Tuy nhiên theo đại biểu, đến ngày 4/5/2023, biểu giá điện sinh hoạt kèm theo Quyết định 1062 của Bộ Tài chính vẫn không có sự thay đổi so với cách tính giá bán điện trước đây, vẫn thực hiện 6 bậc, tương ứng với số kWh sử dụng trên tháng; giá điện sinh hoạt bậc 1 vẫn tính từ 50 kWh trở xuống, bậc 2 từ 50-100kWh. Giá bán điện cao nhất là 3.015 đồng/kWh chưa thuế.

Giá điện hiện vẫn đang tính theo 6 bậc.

Giá điện hiện vẫn đang tính theo 6 bậc.

Đại biểu Đỗ Thị Lan cho biết, trước Kỳ họp thứ 5, cử tri Quảng Ninh tiếp tục kiến nghị với các đại biểu Quốc hội về việc tăng giá điện. “Cử tri cho rằng, việc tăng giá điện sinh hoạt do nguyên nhân EVN có lỗ lớn, kéo dài và do tổn thất của điện năng là chưa phù hợp. Do đó, cử tri đề nghị xem xét bảo đảm công khai, minh bạch, phù hợp hơn cách tính giá điện sinh hoạt. Cần báo cáo rõ Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế như thế nào; giải pháp cắt giảm chi phí, giảm giá thành sản điện sản xuất…”, bà Lan truyền đạt ý kiến của cử tri.

Để có cơ sở trả lời cử tri về vấn đề này, đại biểu đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo rõ để cử tri được biết về việc đánh giá tác động trước khi thực hiện tăng giá điện, phương pháp tính giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn giữ nguyên 6 bậc trong khi đã xác định được những bất cập và có phương án thay đổi…

Đại biểu cũng băn khoăn về việc thực hiện tăng giá điện vào điểm doanh nghiệp khó khăn; thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao có phù hợp không? Có việc bù chéo giá điện sinh hoạt cho giá điện sản xuất không?

“Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu sửa đổi Quyết định số 28 để thay đổi phương pháp tính giá điện, vấn đề này cần được trả lời tại phiên họp này”, đại biểu Đỗ Thị Lan nêu ý kiến, đồng thời đề nghị Chính phủ quan tâm tới các giải pháp cân bằng cung - cầu, phải nhập khẩu điện trong khi nhiều dự án năng lượng tái tạo đến nay chưa được hòa lưới điện.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Chiều nay 17/4, theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn, một động thái được giới chuyên gia đánh giá là giải pháp cấp bách ngắn hạn để gia tăng nguồn cung cho thị trường và góp phần hạ nhiệt thị trường.
Vàng miếng sắp hết độc quyền?

Vàng miếng sắp hết độc quyền?

Định hướng quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.