Theo danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên do Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank, Mã: EIB) vừa cập nhật, tính tới ngày 1/7/2024 có 5 cổ đông sở hữu tổng cộng 238,7 triệu cổ phiếu EIB, tương ứng 13,7% vốn điều lệ của ngân hàng.
Trong đó, CTCP Tập đoàn Gelex là cổ đông lớn nhất của Eximbank, đang nắm 85,5 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 4,9% vốn ngân hàng. Hai cổ đông tổ chức khác là CTCP Chứng khoán VIX và CTCP Thắng Phương lần lượt nắm giữ 62,3 triệu và 53,4 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 3,58% và 3,07% vốn.
Hai cổ đông còn lại là cá nhân nắm trên 1% vốn của Eximbank là bà Lê Thị Mai Loan và bà Lương Thị Cẩm Tú.
Theo công bố của Eximbank, bà Lương Thị Cẩm Tú hiện là Phó Chủ tịch HĐQT của ngân hàng này, nắm 19,5 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 1,12% vốn cổ phần. Còn bà Lê Thị Mai Loan là cựu Thành viên HĐQT của Eximbank, sở hữu 17,9 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 1,03% vốn.
Việc công bố các cổ đông sở hữu trên 1% vốn của ngân hàng được thực hiện theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Cơ cấu cổ đông tại Eximbank đã biến động khá mạnh trong vòng hai năm qua khi một loạt nhóm cổ đông đã thoái vốn khỏi ngân hàng này như SMBC (15%), VinaCapital (gần 5% vốn), nhóm cổ đông liên quan đến Thành Công Group, Âu Lạc cũng như Vietcombank.
Về tình hình kinh doanh tại Eximbank, theo báo cáo cập nhật về Eximbank do Chứng khoán MBS công bố đầu tháng 7, MBS cho rằng tăng trưởng tín dụng ngân hàng này sẽ tiếp tục cải thiện trong quý 2 nhờ lãi suất cho vay vẫn ở mức thấp và cung cấp các gói tín dụng với lãi suất hấp dẫn.
Eximbank cũng đã bắt đầu giảm áp lực nợ xấu khi nợ nhóm 2 trong quý một của ngân hàng này đã giảm xuống chỉ còn 1,2% và Eximbank sẽ tăng trích lập dự phòng cao hơn, nâng tỷ lệ này lên 40,7% trong 2024
Về lợi nhuận, MBS dự báo lợi nhuận ròng quý 2 của ngân hàng này sẽ tăng 29% so với cùng kỳ chủ yếu là do mức nền thấp đã xác lập trong năm 2023.