Trong 2 năm qua, ước tính các ngân hàng trung ương toàn cầu đã in thêm 9 nghìn tỷ USD, số tiền nhiều nhất từng được các ngân hàng trung ương in ra trong một khoảng thời gian nhất định. Thanh khoản dư thừa trong khi tình trạng gián đoạn nguồn cung toàn cầu không được cải thiện đã gây ra áp lực lạm phát lớn cho các nền kinh tế thế giới, đặc biệt là các quốc gia phát triển, nơi cầu tiêu dùng phục hồi nhanh nhất.
Tại Mỹ, tỷ lệ lạm phát tháng 11 đo lường bởi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 6,8%, mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/1982. Một thước đo lạm phát khác, chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 11 cũng tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng hằng năm nhanh nhất kể từ tháng 7/1982. Trong khi đó, chỉ số giá PCE lõi (không bao gồm giá lương thực và năng lượng) tăng 4,7%, vượt xa mức lạm phát mục tiêu 2% mà Cục Dự trữ Liên bang (FED) đặt ra.
FED tuyên bố kết thúc gói mua tài sản (còn gọi là nới lỏng định lượng - QE) sớm hơn dự kiến vào tháng 4/2022 (Nguồn: Refinitiv) |
Biểu đồ Dot Plot trong cuộc họp chính sách tiền tệ mới nhất của FED cho thấy 3 lần tăng lãi suất năm 2022, 3 lần tăng lãi suất năm 2023 và 2 lần tăng lãi suất năm 2024 (Nguồn: Bloomberg) |
Trong một năm mà lạm phát lên mức cao nhất trong gần 4 thập kỷ, giá vàng gây bất ngờ khi giảm hơn 4% từ đầu năm đến nay. Nguyên nhân sự thay đổi lập trường chính sách tiền tệ từ lỏng lẻo sang thắt chặt gần đây của FED. Chủ tịch Jerome Powell tuyên bố đã đến lúc ngưng dùng từ “tạm thời” khi nói về lạm phát, đồng thời phát tín hiệu tăng tốc độ cắt giảm quy mô gói mua tài sản, chuẩn bị cho 3 lần tăng lãi suất ngay trong năm sau.
Trong bối cảnh FED và loạt ngân hàng trung ương lớn trên thế giới chuẩn bị tăng lãi suất, giới quan sát toàn cầu đưa ra nhiều dự báo trái chiều cho giá vàng trong năm 2022.
Kịch bản tiêu cực: vàng giảm sâu khi lãi suất tăng và USD mạnh lên
“Giá vàng trung bình trong năm tới khoảng 1.630 USD/oz. Giá vàng vẫn sẽ cao hơn mức bình quân hồi những năm 2010, nhưng chúng tôi kỳ vọng sự hạ nhiệt trên thị trường”.
Các nhà phân tích từ ngân hàng Pháp Natixis nhận định kịch bản FED thắt chặt chính sách tiền tệ dù không dẫn đến sự “sụp đổ” của kim loại quý này nhưng nhiều khả năng sẽ đưa giá vàng giảm trở lại mức trước đại dịch.
Mặc dù được tiếp sức bởi động lực lạm phát tiếp tục lên cao trong ngắn hạn, nhưng bù lại, giá vàng phải đối mặt với sức ép lớn khi lạm phát được dự báo hạ nhiệt vào cuối năm và mặt bằng lãi suất toàn cầu tăng hút dòng tiền sang các tài sản, kênh đầu tư khác.
“Khi lạm phát dự kiến dần hạ nhiệt và FED bắt đầu tăng lãi suất, chúng tôi kỳ vọng lãi suất thực tế sẽ tăng lên và gần mức 0 hơn rất nhiều trong năm 2022. Điều này sẽ tạo ra một môi trường khó khăn với kim loại vàng”, nhà phân tích kim loại quý tại Natixis, ông Bernard Dahdah trả lời tờ Kitco News. “Giá vàng trung bình trong năm tới khoảng 1.630 USD/oz. Giá vàng vẫn sẽ cao hơn mức bình quân hồi những năm 2010, nhưng chúng tôi kỳ vọng sự hạ nhiệt trên thị trường”.
Trong khi FED báo hiệu nâng lãi suất 3 lần trong năm 2022, thị trường đang định giá tốc độ siết chính sách tiền tệ nhanh hơn với khoảng 4 lần tăng lãi suất trong năm tới. Nhìn về quá khứ 5 năm gần nhất, lợi suất thực tế của Mỹ tăng thường tương quan chặt chẽ với xu hướng giảm của giá vàng.
Kịch bản lạc quan: giá vàng vượt ngưỡng kháng cự 1.850 USD/oz
“Bước sang quý I/2020, chúng tôi dự báo áp lực giá tiếp tục tăng. Giá vàng có thể lên 1.850 USD/oz trong năm sau”.
Trái ngược với dự báo bi quan của Natixis, Frank Cholly, chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures nhận định lạm phát có thể là động lực vĩ mô đẩy giá vàng tăng cao trong năm 2022.
Ông Cholly lý giải việc FED cắt giảm lãi suất có thể tác động tiêu cực đến giá vàng trong ngắn hạn, nhưng ngay sau đó giá vàng có khả năng sẽ được tiếp động lực phục hồi mạnh mẽ. “Thông thường, lãi suất cao sẽ đi kèm đồng USD mạnh lên, vàng giảm giá. Nhưng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của FED năm 2022 có thể khác biệt khi vàng tăng giá. Đó có thể không phải phản ứng ngay khi FED tăng lãi suất. Nhưng khi lạm phát vẫn ở đó và tác động đến giá cả, câu chuyện phòng ngừa lạm phát sẽ được nhắc đến nhiều hơn và nhu cầu về vàng sẽ tăng lên”.
Theo tổng kết của Refinitiv, giá vàng gặp bất lợi trong giai đoạn trước và ngay khi FED tăng lãi suất, nhưng triển vọng giá được cải thiện ở khoảng 6 tháng sau khi FED tăng lãi suất trở đi (Nguồn: DailyFX) |
Tương tự, ông Jordan Eliseo, giám đốc nghiên cứu đầu tư và niêm yết của Perth Mint nhận định thị trường hiện đang định giá lạm phát bình quân trong 5 năm quanh mức 2,5-2,7% sau những đợt điều chỉnh lãi suất mà FED đã lên lộ trình. Nhưng việc lạm phát có trở lại gần mức mục tiêu 2% hay không trong tương lai là điều chưa chắc chắn.
"Rõ ràng là xung lực lạm phát hiện tại đang mạnh hơn nhiều so với những gì FED dự đoán chỉ vài tháng trước. Vì vậy, thực sự khó đoán lạm phát sẽ phát triển ra sao vào năm 2022. Nếu thị trường nhận ra lạm phát dai dẳng hơn bất chấp việc FED siết chính sách tiền tệ, thì đó sẽ là môi trường khá thách thức cho cả nhà đầu tư và nhà hoạch định chính sách. Điều này có thể thu hút dòng vốn quay trở lại với vàng”, ông Jordan Eliseo nói.
Từ góc độ chu kỳ thị trường, ông Sean Lusk, đồng giám đốc nhà môi giới giao dịch Walsh Trading (Chicago, Mỹ) nhận định với Kitco: “Nhu cầu về vàng thường tăng từ giữa tháng 12 đến ngày lễ Tình nhân. Nhu cầu là trợ lực lớn đối với giá vàng, do đó có thể thấy khả năng lớn vàng sắp bước vào một đợt tăng thời vụ.”
“Tin tức về các biến chủng mới vẫn chưa rõ ràng. FED báo hiệu tăng lãi suất 3 đợt vào năm 2022, nhưng điều kiện tiên quyết là kinh tế phục hồi đúng hướng. Tức là từ nay đến lúc đó, chính sách tiền tệ vẫn tương đối dễ dàng”, ông Sean Lusk lý giải thêm.
Cũng theo ông Sean Lusk, việc thị trường định giá chắc chắn khả năng FED tăng lãi suất ít nhất 3 lần vào năm 2022 nghĩa là bất kỳ rủi ro mới nào cũng có thể tác động đến lộ trình này, làm suy yếu tâm lý nhà đầu tư và có lợi cho giá vàng. Do đó, giám đốc Walsh Trading dự báo giá vàng có thể kết thúc năm 2022 ở mức 1.850 USD/oz. Trong trường hợp như vậy, mức mục tiêu mà vàng hướng đến trong năm sau nữa sẽ là 2.000 USD/oz.
Nhìn chung, chính sách tiền tệ của Mỹ nói riêng và các nền kinh tế toàn cầu nói chung trong năm 2022 phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ phục hồi kinh tế. Yếu tố bất định lớn nhất đe dọa đà phục hồi kinh tế thế giới trong năm tới là diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và độ nguy hiểm của biến chủng Omicron. Không loại trừ kịch bản các quốc gia tái thiết lập các biện pháp phong tỏa kiểm dịch mới. Trong trường hợp đó, giá vàng khả năng sẽ bật tăng trở lại.