Đại diện UBND thành phố Hưng Yên cho biết, trong những ngày qua, thành phố đã huy động cả hệ thống chính trị, các đoàn thể và nhân dân tham gia công tác phòng chống ứng phó, cứu hộ cứu nạn và khắc phục hậu quả do bão, lũ gây ra.
Theo thống kê trước đó, lượng mưa đợt 1 từ ngày 7 - 10/9, tổng lượng mưa thành phố là 280mm; lượng mưa đợt 2 từ ngày 11 - 12/9, tổng lượng mưa thành phố là 147 mm.
Về lũ, mực nước lũ sông Hồng đã vượt báo động 3 là 50cm; mực nước lũ sông Luộc đã vượt báo động 2 là 40cm. Hiện nay mực nước ở 2 sông Hồng và sông Luộc đã trở về mức bình thường không còn báo động.
Nhà cửa, vườn tược của một số hộ dân ven đê ở phường Hồng Châu (thành phố Hưng Yên) vẫn còn bị ngập úng. Ảnh chụp sáng 16/9. |
Về di dời dân cư, tổng số người dân ngoài bãi sông được di dời 2.797 người/785 hộ ra khỏi vùng nguy cơ mất an toàn; tổng số dân bị ảnh hưởng ngoài bãi sông Hồng, sông Luộc của 11 phường, xã trên đại bàn thành phố là 33.114 người/12.989 hộ.
Đồng thời, Công an tỉnh và Công an thành phố đã huy động trên 200 cán bộ, chiến sỹ cùng hàng trăm ô tô, mô tô… trực tiếp tham gia công tác phòng chống lũ, bão, phối hợp với các lực lượng chức năng bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn thành phố.
Một cây cầu bắc qua đê trên địa bàn phường Hồng Châu, bên trong gầm cầu ngăn nước bằng đất, cát. Ảnh chụp sáng 16/9. |
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy Quân sự thành phố đã huy động trên 100 cán bộ chiến sỹ của lực lượng thường trực và trên 500 dân quân tự vệ (với khoảng 2.174 ngày công) tham gia ứng phó, khắc phục ảnh hưởng của bão số 3 và di dời dân khỏi vùng lũ; huy động trên 31 xe đặc chủng các loại cùng 33 xuồng và các trang thiết bị như áo phao, phao bè, cuốc xẻng…
Mặt trận Tổ quốc, cơ quan, đoàn thể, các cấp trên địa bàn thành phố đã tích cực chủ động quyên góp, huy động các nguồn lực để hỗ trợ người dân ngay trong bão lũ.
Nhiều nhà cửa, công trình bị hư hỏng
Qua số liệu báo cáo ban đầu của các phòng, ban, đơn vị và UBND các phường, xã trên địa bàn thành phố Hưng Yên, tổng thiệt hại ước tính là 447,355 tỷ đồng.
Cụ thể, thiệt hại về nhà ở gồm 212 nhà bị hư hỏng chủ yếu là do tốc mái, ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 30 tỷ đồng. Về lĩnh vực giáo dục, phòng học, nhà ở tập thể, thiết bị giáo dục và các thiệt hại khác bị hư hỏng, ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 350 triệu đồng.
Cùng với đó, thiệt hại về y tế gồm cơ sở, thiết bị vật tư, các thiệt hại khác bị hư hỏng, ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 50 triệu đồng. Trong lĩnh vực văn hóa, các công trình văn hóa, di tích lịch sử, trang thiết bị… ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 150 triệu đồng. Thành phố Hưng Yên không có thiệt hại về người.
Một số diện tích nhãn, bưởi tại xã Quảng Châu (thành phố Hưng Yên) bị đổ, gãy. Ảnh chụp trưa 16/9. |
Trong lĩnh vực nông nghiệp, về trồng trọt, thành phố Hưng Yên thiệt hại 88ha lúa; 140ha cây màu; 1.801ha cây ăn quả, cây lâu năm, cây trồng khác… Ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 337,3 tỷ đồng. Ngoài ra, cây bóng mát, cây xanh bị đổ, bật gốc 2.035 cây, ước thiệt hại khoảng 16,28 tỷ đồng.
Về lĩnh vực chăn nuôi, các loại vật nuôi bị chết, cuốn trôi, chuồng trại bị hư hỏng… ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 9,825 tỷ đồng.
Đối với thủy sản, ước tổng giá trị thiệt hại trên toàn thành phố đến hiện tại là 32 tỷ đồng; trong đó, lồng bè nuôi trồng thủy sản khoảng 18 tỷ (lồng chìm và hỏng 196 lồng); nuôi trong các ao và đầm hồ khoảng 14 tỷ (diện tích nuôi khoảng 180 ha).
Chuối tại xã Quảng Châu bị đổ gãy, dập nát. Ảnh chụp trưa 16/9. |
Về thông tin liên lạc, các cột anten, cáp, thiết bị máy móc… bị hư hỏng, ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 200 triệu đồng.
Lĩnh vực công nghiệp có các cột điện gãy đổ, trạm biến thế, máy móc bị hư hỏng…, ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 7.500 triệu đồng. Thiệt hại khác về hạ tầng nước sạch, trụ sở, chợ, nhà kho… ước tổng thiệt hại 2,7 tỷ đồng.
Hiện thành phố Hưng Yên vẫn đang tiếp tục cập nhật các thiệt hại do bão lũ trên địa bàn.
Theo Phòng Kinh tế thành phố Hưng Yên, hiện thành phố có 15,691km đê tả sông Hồng, có 0,8km đê tả sông Luộc và có 2 tuyến đê bối là bối Phú Hùng Cường, bối Quảng Châu - Hoàng Hanh, tuyến bối bảo vệ dân ở bãi sông. Đến sáng ngày 13/9, thành phố không có sự cố đê điều.
Một số vườn đào tại xã Quảng Châu bị ngập úng và chết. Ảnh chụp trưa 16/9. |
Tuy nhiên, sáng 14/9, trên tuyến bối Hoàng Hanh bị vỡ 2 đoạn dài khoảng 50m (một đoạn dài 20m, một đoạn giáp xã Quảng Châu dài khoảng 30m).
Về Công tác bơm tiêu úng, đến ngày 14/9, thành phố Hưng Yên đã huy động 8 trạm bơm với 31 tổ máy hoạt động phục vụ bơm tiêu thoát nước. Về sự cố công trình, đã xảy ra rò rỉ nước mái bể xả trạm bơm Tân Hưng.
Theo đại diện UBND thành phố Hưng Yên, do ảnh hưởng mưa bão và lũ đã gây ra ngập lụt và thiệt hại trên địa bàn toàn thành phố, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất của nhân dân và doanh nghiệp.
Lá dong trước đó bị ngập chìm trong nước, sau khi nước rút, lá bị phủ kín bởi bùn đất. Ảnh chụp trưa 16/9. |
Để ổn định đời sống của người dân và ổn định sản xuất của doanh nghiệp sau mưa bão, lũ, Thành ủy, UBND thành phố, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố tiếp tục chỉ đạo toàn diện công tác ứng phó với mưa, ngập úng, lũ và khắc phục hậu quả sau mưa bão, lũ.
Theo đó thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị; các cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Thành ủy Hưng Yên về việc tập trung khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và đảm bảo an toàn cho hệ thống đê nhất là đê tả sông Hồng, sông Luộc.
Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các phường, xã tổ chức thăm hỏi động viên kịp thời cho các đối tượng chính sách bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ. Chủ động huy động nguồn lực của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để khẩn trương khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ để nhanh chóng ổn định lại đời sống cho người dân.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra hệ thống đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo cấp báo động, bảo đảm đúng quy định của Luật Đê điều, kịp thời phát hiện, xử lý ngay các sự cố có thể xảy ra, không để bị động, bất ngờ.
Hình ảnh một trong số tuyến đường nội đồng tại xã Quảng Châu, thành phố Hưng Yên. Ảnh chụp trưa 16/9. |
Lĩnh vực nông nghiệp bị thiệt hại nặng
Trao đổi với Mekong ASEAN sáng 16/9, ông Phan Văn Toan, Chủ tịch UBND xã Quảng Châu (TP Hưng Yên) cho biết, trong những ngày vừa qua, xã đã rất chủ động và tích cực trong công tác phòng chống úng, lụt trên toàn địa bàn tại các vị trí cống rãnh, nhằm giảm thiểu tối đa sự ảnh hưởng của nước bên ngoài tràn vào đường làng, ngõ xóm.
“Tuy nhiên do nước lũ lớn, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn xã bị ngập úng gần như 100%; trong đó có hơn 300ha diện tích trồng cam, bưởi, chuối, nhãn, đào, đu đủ, táo, lá dong và các cây trồng khác bị ảnh hưởng. Về chăn nuôi gia súc, gia cầm, cá nuôi trong ao, đầm của người dân trong xã cũng bị thiệt hại, như cá (khoảng 50 tấn) là thất thoát cơ bản không còn”, Chủ tịch UBND xã Quảng Châu chia sẻ.
Theo tìm hiểu của Mekong ASEAN, tại khu vực bến đò Lẻ, thôn 3, xã Quảng Châu (thành phố Hưng Yên), bà con nông dân trồng, canh tác chủ yếu các cây gồm nhãn, chuối, đu đủ, bưởi, lá dong. Trong đó, chuối, bưởi, lá dong chủ yếu phục vụ bán quả và lá dịp giáp Tết Nguyên đán.
Người dân xã Quảng Châu tranh thủ khi trời hửng nắng, mang ngô, rơm ra đường làng phơi. Ảnh chụp trưa 16/9. |
“Nhà nào ít thì vài sào, nhà nào nhiều thì vài mẫu. Coi như là mất hết, hỏng hết! Lá dong với đào bị ngập úng, chuối thì đổ gãy, bưởi rụng trụi cây!” - Ông Bùi Văn Cận, một nông dân tại thôn 3 (xã Quảng Châu) bùi ngủ chia sẻ.
Theo ông Cận, vừa rồi cánh đồng của thôn 3, xã Quảng Châu gần như ngập hết, ngập trên cả cây lá dong. Ông Cận cho biết, nhà ông trồng 1 mẫu gồm chuối, bưởi, lá dong, nhãn, trong đó nhãn mới thu hoạch xong bán được hơn 10 triệu đồng, các cây trồng còn lại để phục vụ dịp cuối năm, giáp Tết. “Như mọi năm, với diện tích 1 mẫu, lá dong bán dịp cuối năm thu được hơn 30 triệu, chuối cũng được khoảng 30 triệu, bưởi hơn 20 triệu, năm nay coi như mất trắng 3 loại cây trồng này, đó là chưa kể một số cây nhãn to bị gãy đổ, chết, phải trồng lại”, ông Bùi Văn Cận cho biết thêm.
Các lực lượng dọn dẹp cành cây bị đổ gãy sau bão trên các tuyến đường tại thành phố Hưng Yên. Ảnh chụp trưa 16/9. |
Nghỉ tay khi vừa chặt cành, cây nhãn bị khô héo do đổ gãy và ngập úng trong vườn 3 sào (Bắc Bộ), bà Đào Thị Lệ, một nông dân tại thôn 2 (xã Quảng Châu) chia sẻ, trong vườn nhà bà tại đây có 20 gốc nhãn, bị đổ và lật 8 cây phải chặt hạ hết. Tính cả vườn này, hiện nhà bà có 5 vườn (nằm ở cả các điểm khác trên địa bàn xã) trồng gồm các cây nhãn, bưởi, lá dong, chuối, năm nay thiệt hại nặng nhất là chuối đang có quả, sau là lá dong và bưởi. Ước tổng thiệt hại hơn 200 triệu đồng.
Có 1,1 mẫu vườn trồng chuối, bưởi, lá dong, bà Lê Thị Lệ, một người dân thôn 1 (xã Quảng Châu) cho biết, tổng thiệt hại của nhà bà năm nay khoảng 150 triệu, trong đó thiệt hại nặng nhất là chuối với khoảng 500 buồng. Ngoài ra, con trai của bà cũng trồng 9 sào trồng đào các loại phục vụ dịp Tết, thiệt hại hơn 600 triệu đồng…