Ảnh minh họa |
Trong báo cáo cập nhật chính sách tiền tệ thế giới đến tháng 8/2024 phát hành mới đây, Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, tại Mỹ, Cục Dự trữ liên bang (Fed) đã ngừng tăng lãi suất từ cuộc họp tháng 9/2023 và giữ lãi suất ở mức cao 5,25% - 5,5% cho đến hiện tại. Lý do chủ yếu đến từ lạm phát Mỹ vẫn còn dai dẳng, chưa xuống dưới ngưỡng 3% và nền kinh tế nước này hiện tại được cho là vẫn đủ khỏe, thể hiện rõ nhất ở thị trường lao động.
Tuy nhiên báo cáo về thị trường lao động tháng 7 vừa rồi đã có sự chuyển hướng. Báo cáo việc làm phi nông nghiệp được công bố ngày 2/8 vừa rồi cho thấy tháng 7 chỉ ghi nhận mức tăng 114.000 việc làm, thấp hơn đáng kể so với dự đoán là 176.000 và so với tháng trước (206.000 việc làm). Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 7 tăng lên mức 4,3% so với mức 4,1% của tháng 6, và là mức cao nhất kể từ tháng 10/2021. Sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp khiến trung bình động ba tháng của tỷ lệ này vượt quá mức thấp nhất trong 12 tháng 0,5%, đồng nghĩa với suy thoái đang diễn ra, theo quy tắc Sahm.
Sự hạ nhiệt nhanh chóng của thị trường lao động cũng khiến mối lo về một cuộc suy thoái dấy lên trên thị trường. Từ đó, dự báo của thị trường về chính sách tiền tệ của Fed trở lên “bồ câu” hơn. Theo công cụ Fedwatch, số người dự báo Fed sẽ hạ lãi suất 50 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9 đã tăng từ 3% (ngày 9/7) lên 55% (ngày 8/8); và giảm tiếp 25 điểm phần trăm trong mỗi cuộc họp tháng 11 và tháng 12/2024.
Các tổ chức kinh tế lớn cũng có quan điểm tương tự. Goldman Sachs nâng rủi ro suy thoái từ 15% lên 25%, dự báo Fed sẽ hạ lãi suất 25 điểm phần trăm trong mỗi cuộc họp tháng 9, 11, 12 nếu thị trường lao động Mỹ hồi phục trong tháng 8; nếu không, mức cắt 50 điểm phần trăm sẽ được thực hiện trong tháng 9.
Citigroup và JP Morgan dự báo Fed sẽ cắt lãi suất 50 điểm phần trăm trong tháng 9, 11 và 25 điểm phần trăm trong tháng 12.
Tại châu Âu, nền kinh tế mới thoát khỏi suy thoái kỹ thuật từ đầu năm 2024 và đang có tốc độ tăng trưởng GDP so với quý trước ở mức thấp. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã có lần hạ lãi suất 25 điểm phần trăm đầu tiên trong cuộc họp ngày 6/6. Tuy nhiên, ECB giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 7 do đà giảm của lạm phát và lạm phát lõi đang chững lại; trong khi lạm phát khu vực dịch vụ vẫn ở mức cao. Hiện tại, thị trường đa phần dự báo ECB sẽ có thêm hai lần hạ lãi suất 25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9 và tháng 12.
Tại Trung Quốc, Ngân hàng Trung ương (PBoC) vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Nhiều lần hạ lãi suất điều hành và hiện tại đang giữ nguyên lãi suất ở mức thấp, Chính phủ nước này đồng thời cũng đưa ra rất nhiều chính sách hỗ trợ để kích thích kinh tế trong nước như cung cấp các gói vay ưu đãi, cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc…. Tuy nhiên, mức độ hấp thụ những chính sách hỗ trợ này còn yếu.
Đối với khu vực ASEAN 5, ngoại trừ Việt Nam, các nước khác vẫn đang duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, trong đó Indonesia tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 4, các nước khác thì duy trì lãi suất ở vùng đỉnh; tuy nhiên lãi suất điều hành đã cho thấy dấu hiệu đạt đỉnh. Theo dự báo của các tổ chức tài chính tổng hợp bởi Bloomberg, hầu hết các quốc gia trong khu vực đều sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2024 và 2025.
Diễn biến lãi suất điều hành tại các quốc gia. Nguồn: BSC |
Việt Nam vẫn có điều kiện nới lỏng chính sách tiền tệ
Hiện tại, Việt Nam vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, giữ lãi suất điều hành ở mức 4,5%. Ngân hàng Nhà nước (SBV) liên tục khuyến khích hệ thống ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Mới đây nhất, NHNN đã có tờ trình Chính phủ đề xuất mở rộng quy mô gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội lên 140.000 tỷ đồng, đồng thời hạ lãi suất cho vay người mua nhà từ 1-3%.
Theo BSC, định hướng là chính sách tiền tệ nới lỏng nhưng trong bối cảnh tỷ giá căng thẳng do chính sách tiền tệ Hoa Kỳ và Việt Nam phân cực, SBV vẫn thực hiện bơm, hút tiền linh hoạt trên OMOs và bán ngoại tệ để điều tiết tỷ giá. Tuy nhiên hiện tại, tỷ giá đã bắt đầu xu hướng hạ nhiệt và có thể sẽ giảm tiếp từ giờ đến cuối năm vì thị trường mới đây đã kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất nhanh hơn và mạnh hơn.
Đánh giá về rủi ro lạm phát của Việt Nam, BSC cho rằng, mặc dù có xu hướng tăng trở lại trong những tháng gần đây tuy nhiên vẫn ở dưới mức mục tiêu 4,5%. Hơn nữa, áp lực lạm phát đến từ giá heo, gạo, xăng dầu, giá gas đang có xu hướng giảm. Rủi ro lạm phát từ giờ đến cuối 2024 là giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý có thể được điều chỉnh tăng trong quý 4 (tương tự năm 2023).
Ngoài ra, kinh tế trong nước tuy hồi phục với con số tăng trưởng tốt nhưng chủ yếu là nhờ mức nền cùng kỳ thấp. Hơn nữa, mức độ lan tỏa chưa cao. Tăng trưởng tiêu dùng trong nước 7 tháng đầu năm 2024 đạt 8,68% so với cùng kỳ năm ngoái, đây vẫn là mức thấp khi so với cùng kỳ các năm trước, ngoại trừ giai đoạn Covid-19. Tiêu dùng trong nước còn hạn chế sẽ không làm gia tăng lạm phát cầu kéo, tạo điều kiện cho chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng.
Diễn biến thị trường liên ngân hàng. Nguồn: BSC |
Những cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2024 |
Fed giữ nguyên lãi suất, ra tín hiệu về nới lỏng chính sách |
BSC dự báo 3 kịch bản cho VN-Index sau nhịp điều chỉnh |